Gã hoạn lợn – Truyện ngắn Trọng Bảo (Hà Nội)
Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015
Ngày 08/04/2012
Buổi trưa mùa hè vùng trung du dường như nóng hơn. Cái nóng hầm
hập đổ xuống mặt đường sỏi bốc lên táp vào mặt người. Những con đường ven đồi
giữa trưa thường ít người qua lại. Thỉnh thoảng mới có những người đi hàn nồi,
đổi muối lấy phế, mua lông gà lông vịt, bán kem que đạp xe lọc cọc vào từng ngõ
xóm. Họ phải đi giữa ban trưa vì lúc đó các gia đình mới có người ở nhà.
Thông tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Trọng Bảo
Tên thật: Hà Trọng Bảo
Sinh năm: 1956
Quê quán: Thị trấn Hoa Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Hiện công tác tại: Phòng Thông tấn-Báo chí quân đội
Địa chỉ: 61- Cửa Đông-Hà Nội,
ĐT: 098.6676547
Email: trongbao.56@gmail.com
_____
Buổi trưa
mùa hè vùng trung du dường như nóng hơn. Cái nóng hầm hập đổ xuống mặt đường
sỏi bốc lên táp vào mặt người. Những con đường ven đồi giữa trưa thường ít
người qua lại. Thỉnh thoảng mới có những người đi hàn nồi, đổi muối lấy phế,
mua lông gà lông vịt, bán kem que đạp xe lọc cọc vào từng ngõ xóm. Họ phải đi
giữa ban trưa vì lúc đó các gia đình mới có người ở nhà. Những tiếng rao "Ai
bán đổi, hàn nồi không!”, "Ai bán lông gà lông vịt, đổi dép nhựa hỏng
không!”, "Ai đổi muối, mua chiếu không!”… nghe như bị hụt hơi vì mệt và
nóng. Mấy bà lễ mễ xách lỉnh kỉnh những thứ đồ nhựa hỏng, lông gà, tóc rối ra
ngõ đón. Một đứa trẻ con ôm cái lưỡi cày gãy chờ đổi kẹo mạ, kem que. Tiếng mặc
cả vài trăm, vài nghìn lao xao buổi trưa ở cái xóm vắng ven đồi cọ già.
Có một người
đàn ông đạp chiếc xe tồng tộc vào làng. Ông ta không có đôi sọt thồ hàng hóa mà
chỉ có một cái thòng lọng buộc dọc theo khung xe và một cái túi dếp nhỏ đeo bên
hông. "Chắc lại là một gã đi mua chó về làm phở!”- Có một bác đoán già,
đoán non.
Khi vào đến đầu xóm ông ta cất tiếng rao:
- Hoạn lợn
ơ… hoạn lợn ơ…
Thì ra đó là
một gã hoạn lợn. Một anh nhao ra đầu ngõ gọi to:
- Vào nhà
tôi… nhà tôi cần hoạn con lợn nái để vỗ béo bán cho cửa hàng thực phẩm…
- Nhà tôi
cần hoạn hai con lợn con... - Một bà khác lên tiếng.
Thêm mấy
người nữa nhao nhao gọi gã hoạn lợn. Gã ngoặt ngay xe vào ngõ. Vào đến đầu ngõ
có bụi tre râm mát, gã ta trật ngay cái mũ lá rách ra sau lưng. Một ông đang
cầm cái quạt lá cọ phe phẩy nhìn theo gã chợt thốt lên:
- Ơ... tôi
trông gã này hơi quen quen...
Ông nông dân
chưa kịp nhớ ra gã này là ai thì đã thấy tiếng lợn kêu eng éc thảm thiết trong
một ngôi nhà bên lối đi. Gã thao tác rất nhanh. Chú lợn con được buộc túm hai
chân sau treo lên cành cây bưởi thấp. Gã mở túi lấy con dao "chuyên ngành”
ra. Chỉ với một động tác rất nhanh gọn gã rạch một đường ở cuối bụng con lợn lấy
ra hai hòn cà vứt vào bát nước lã rồi khâu vết mổ lại. Đoạn lão bảo anh chủ nhà
lấy cái chảo ra cạo một ít nhọ than xoa xoa vào vết thương con lợn để khử
trùng. Con lợn nái to thì cần có người giúp sức trói lại rồi đặt nằm trên tấm
ván nghiêng để gã xử lý lấy ra hai buồng trứng. Khi gã đang tiến hành
"phẫu thuật” thì có ai đó bảo:
- Cô Hoan ở
cuối xóm có hai con lợn đực giò đang rất cần thiến ngay để vỗ béo đấy!
- Vâng...
vâng...
Gã ậm ừ
trong cổ họng. Có ai đó cười khi khí phía sau: "Không biết cô ấy có cần
như thế này không nhỉ….”. Gã chẳng hiểu và không để ý câu nói ấy. Thiến xong
hai con lợn con và một con lợn nái sổi gã rửa tay nhận tiền công. Uống bát nước
chè xanh gia chủ mời, cài chiếc thòng lọng vào xe đạp rồi gã phóng ra khỏi ngõ.
Đạp xe lên
một con dốc thoai thoải gã vào đúng ngõ nhà cô Hoan. Gã vừa cất tiếng: "Ai
hoạn lợn ơ…” thì cô Hoan đã đứng chặn ngay trước mặt. Cô đang bẻ một quả dứa
chín ở khuất sau mấy tàu lá cọ sát lối cổng vào. Gã hơi giật mình khi cô Hoan
bước ra bất ngờ. Chiếc xe đạp đang lên dốc phanh kít dừng lại đột ngột loạng
choạng. Cô Hoan tay xách hai quả dứa chín thơm phưng phức bảo gã:
- Mời bác
vào, nhà em có hai con cần thiến gấp…
- Ấy…- Gã
vội chữa lại:- Tôi chỉ chuyên thiến lợn thôi…
Cô Hoan bật
cười khanh khách:
- Thì biết
bác chuyên hoạn lợn nên em mới nói tắt thế, chứ ai lại…
Cô Hoan đong
đưa đôi mắt liếc nhìn gã nói rồi tong tả bước đi trước. Gã dắt chiếc xe đạp
theo sau. Mắt gã tự do nhìn như hút vào tấm lưng tròn và mịn của cô Hoan. Chiếc
áo lót mỏng thấm mồ hôi làm nổi rất rõ cả bộ đồ lót cô mặc bên trong. "Cô
này đang mang cái xu-chiêng màu đen”- Gã thầm nghĩ và khe khẽ nuốt nước bọt ực
một cái.
Vào đến sân,
cô Hoan bảo:
- Để em múc
chậu cám cho hai con lợn ăn bác dễ bắt…
- Thế cũng
được!
Cô Hoan vào
bếp. Gã dựng xe rút chiếc thong lọng và mang đồ nghề ra phía chuồng lợn ở phía
góc sân. Trong khi chờ cô Hoan, gã tranh thủ quan sát. Ngôi nhà của cô Hoan ở
cuối xóm nên vắng vẻ. Hình như chỉ có một mình cô ở nhà. Lúc nãy thiến mấy con
lợn ở đầu xóm gã nghe loáng thoáng mấy người nói cô Hoan này góa chồng, có một
cậu con trai ở với ông bà nội và đang học cấp hai trên thành phố.
Cô Hoan bưng
chậu cám lợn ra. Hai con lợn đang đứng rúm dó ở góc chuồng vì nhìn thấy người
lạ là gã. Ngửi thấy mùi cám chúng liền ụt ịt xô ra phía cửa chuồng. Cô Hoan xúc
cám lợn đổ vào cái máng. Hai con lợn vội xô ngay đến. Gã thò chiếc thòng lọng
vào chuồng lợn lựa chân hai con lợn. Nhưng tay gã chợt run bắn lên. Tim gã đập
loạn. Cô Hoan đang đứng sát bên cạnh gã. Khi cô cúi xuống múc cám lợn đổ vào
máng cái cổ áo rộng chùng xuống trông rõ gần hết cả hai vầng ngực to căng tròn
mịn màng đang đung đưa theo hoạt động của cánh tay của cô. Gã khua khua cái
thòng lọng lựa chân sau con lợn. Mu bàn tay trái của gã chợt chạm vào một bên
ngực của cô Hoan. Cô Hoan hơi giật mình khẽ thu người lại. Chiếc thòng lọng
vướng vào chân sau một con lợn. Con lợn hoảng hốt bỏ máng kéo cái thòng lọng
chạy vút vào góc chuồng phía trong làm bàn tay phải của gã trườn ngang cọ sát
mạnh vào ngực cô Hoan. Cô Hoan vội đứng thẳng người lên nhìn hắn. Hắn luống
cuống. Cả hai đều đỏ mặt lúng túng. Nhưng vốn là một người từng trải, gã làm
chủ được tình hình ngay tức thì. Gã nhìn chằm chằm vào bộ ngực nở nang của cô
Hoan. Cô Hoan vội ấp hai bàn tay lên ngực để giảm bớt độ căng và sự lộ liễu của
mình đi chút ít. Gã buông cái thòng lọng còn đang vướng vào chân con lợn rồi
đặt bàn tay mình chồng lên bàn tay úp trên ngực của cô Hoan xoa nhẹ một cái. Cô
Hoan hơi lùi lại nhớn nhác ngó ra ngoài cổng…
Sau hôm
thiến không công hai con lợn cho nhà cô Hoan gã thợ hoạn rất hay đến tiếp thị
việc hoạn lợn tại cái xóm Trại miền đồi trung du này. Có lần chẳng thấy gã đem
theo thòng lọng và đồ nghề, cũng không rao chào gì mà cắm cúi đạp xe về phía
cuối xóm. Có hôm gã còn đi tắt từ phía xóm Bứa sang mà không qua xóm Trại để
tránh trạm mặt người dân xóm Trại. Còn cô Hoan kể từ hôm hoạn hai con lợn tự
dưng lại phây phây ra. Đặc biệt sau khi bán hai con lợn đực thiến tăng trọng rất
nhanh ấy thì chuồng lợn của cô được mở rộng, nuôi thêm cả chục con lợn. Con nào
con nấy đều hay ăn và lớn rất nhanh, chỉ độ vài tháng là đã có một lứa lợn xuất
chuồng. Dần dà khi nông nghiệp chuyển sang cơ chế mới cô Hoan bỏ vốn đầu tư xây
hẳn một dãy nhà làm khu chăn nuôi ở ven khu đồi cọ, thuê thêm hai cả người làm
công chuyên lo cám bã cho lợn, vệ sinh chuồng trại nữa. Khi nhà cô Hoan hình
thành một khu chăn nuôi mang tính công nghiệp dân làng vẫn thỉnh thoảng thấy gã
hoạn lợn ở trong khu trang trại. Dân xóm Trại kháo nhau: "Hình như cô Hoan
làm ăn, chăn nuôi thành công là nhờ gã hoạn lợn đã truyền cho bí quyết gì đó
nên nuôi lợn mới nhanh lớn như thổi”. Ông Đông, là người ở đầu xóm mấy năm
trước nghĩ gã là người quen quen chợt đập cái quạt lá cọ phạch một cái xuống
chõng đang ngồi kêu lên:
- A… a… tôi
đã nhớ ra gã hoạn lợn này là ai rồi...
***
Đúng, gã
hoạn lợn này không phải là một người quá xa lạ đối với dân vùng trung du này.
Có điều là mọi người ít để ý nên không nhớ ra thôi.
Ngày ấy còn
chế độ sản xuất tập trung hợp tác xã nông nghiệp. Ruộng đất đều do hợp tác xã
quản lý. Ngày ngày theo tiếng kẻng bà con vác cày cuốc, đưa trâu bò ra đồng cày
cấy. Khí thế lao động thì hăng hái, phấn khởi, trống giong, cờ mở nhưng năng
xuất lúa và hoa màu thì rất kém. Lúa cấy trổ bông mà chó chạy hở lưng. Mùa gặt
sân kho chỉ thấy rơm, không thấy thóc. Hợp tác xã phát động thi đua lao động
sản xuất giỏi để nâng cao đời sống cho xã viên. Thanh niên được chọn là lực
lượng đi đầu xung kích. Phong trào phổ cập khoa học kỹ thuật được phát động
trong các đội sản xuất. Bà con đội sản xuất xóm Trại rất tò mò khi thấy đám
thanh niên say mê trao đổi học tập kiến thức khoa học và chăm lo cày cấy, gieo
trồng trên những thửa ruộng cao sản, lập trại chăn nuôi mang tên đoàn viên
thanh niên. Cấp trên cử nhiều cán bộ về giúp đỡ hợp tác xã nông nghiệp. Trong
số cán bộ trên cử về đội sản xuất xóm Trại có một anh kỹ sư trẻ. Anh này công
tác ở phòng nông nghiệp huyện. Anh ngày đêm lăn lộn gắn bó với phong trào thanh
niên xung kích trên mặt trận nông nghiệp của xã và của đội sản xuất xóm Trại.
Thanh niên đội sản xuất xóm Trại đã tạo nên những thửa ruộng lúa có năng xuất
cao, trại chăn nuôi có đàn lợn lớn nhanh, cho lượng thịt tăng hơn hẳn trước
kia. Thế nhưng thành công của nhóm thanh niên xóm Trại chẳng có ý nghĩa gì khi
cả một cơ chế quản lý sản xuất đã trì trệ lỗi thời. Hợp tác xã ngày càng đi
xuống, thu nhập ngày công lao động ngày càng thấp, đời sống của nông dân ngày
càng khốn khổ.
Khi nông
nghiệp chuyển sang cơ chế khoán 100 rồi khoán 10 thì bộ mặt nông thôn mới đổi
mới, đời sống của người nông dân mới khấm khá dần lên. Anh kỹ sư nông nghiệp ấy
thỉnh thoảng vẫn về xã hướng dẫn, giúp bà con sản xuất. Khi ruộng đất đã về tay
nông dân thì năng xuất tăng cao hơn gấp bội. Người nông dân tự lo làm đất, phân
giống, thuốc trừ sâu, tự tìm hiểu khoa học kỹ thuật để nâng cao năng xuất lao
động. Và cũng kể từ đó ít thấy cán bộ cấp trên về lội ruộng, thăm đồng chỉ đạo
nông dân như trước nữa. Bẵng đi một thời gian dài dân xóm Trại cũng không còn
gặp anh kỹ sư nông nghiệp huyện trẻ trung, đẹp trai và năng nổ ấy nữa. Không
ngờ sau hơn chục năm người kỹ sư ấy lại chính là gã hoạn lợn. Có lẽ người đã
nhận ra gã đầu tiên chính là cô Hoan. Cô Hoan đã nhận ngay ra gã khi gã vừa
bước vào cổng nhà mình. Khi gã về giúp thanh niên đội sản xuất xóm Trại nghiên
cứu cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng xuất lao động thì cô Hoan chỉ là một đội
viên đội thiếu niên tiền phong đang học lớp 6 trường làng. Tuy còn bé tý nhưng
cô Hoan lại rất hay ra ruộng xem các anh chị đoàn viên thụ phấn cho ngô, chăng
dây cấy lúa thẳng hàng. Cô Hoan ngày ấy đã rất thích anh kỹ sư trẻ, đẹp trai
nhiệt tình với làng xóm quê hương mình. Vì thế cô nhớ gã chứ gã làm sao mà nhớ
nổi cô bé thiếu niên ở cái xóm Trại heo hút ngày nào. Có lẽ cũng vì nhận ngay
ra gã hoạn lợn là ai nên hôm đầu tiên gặp lại cô Hoan đã cố ý để cho gã trông
thấy và chạm vào cặp tuyết lê vẫn còn rất tuyệt vời của mình khi cùng gã bắt
lợn để thiến buổi trưa hè ấy.
Cũng chính
sau lần ấy, gã hoạn lợn đã giúp cô Hoan thiết kế, xây dựng một khu chăn nuôi
khá khoa học và quy củ. Gã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho cô. Cái bằng kỹ sư
nông nghiệp ngành chăn nuôi của gã ngày ấy là thật hột. Kiến thức chuyên ngành
chăn nuôi của gã là kiến thức thực sự nên đã giúp nhiều cho cô Hoan. Từ khi trợ
giúp cô Hoan xây dựng được một khu trang trại chăn nuôi rất có hiệu quả cao gã
hoạn lợn mới chợt hiểu rằng cái kiến thức mình học được trong trường đại học,
kinh nghiệm tích lũy được trong cuộc đời hóa ra bây giờ mới thực sự phát huy
được hết tác dụng. Ngày còn trẻ, tương lai sáng tươi phơi phới gã cứ nghĩ mình
sẽ trọn cuộc đời mang tri thức góp phần cho xã hội. Có ngờ đâu gã chả đóng góp
được bao nhiêu. Cái vốn tri thức học được ở trường đại học nông nghiệp ấy sau
này chỉ giúp gã trở thành một tay hoạn lợn giỏi nổi tiếng trong vùng mà thôi.
Chính nhờ cái nghề hoạn lợn rong trong dân gian ấy đã nuôi sống gã qua cơn bĩ
cực, đã giúp cho gã gặp lại một cô gái đã si mê mình từ khi còn là một cô bé
thiếu niên quàng khăn đỏ ở một cái xóm núi xa xôi...
***
Phòng nông
nghiệp huyện có hơn chục người. Phần đa toàn là những kỹ sư hoặc tốt nghiệp cao
đẳng nông lâm nghiệp. Thế mà đột nhiên lại có một cử nhân ngành sử học được đưa
về biên chế vào bộ phận chuyên phụ trách theo dõi, chỉ đạo công tác chăn nuôi,
thú y. Khi được thông báo tiếp nhận cô nhân viên mới này về bộ phận của mình kỹ
sư Khoa rất ngạc nhiên và bức xúc. Anh phản đối thì ông trưởng phòng vỗ vai tặc
lưỡi:
- Con bé này
là cháu ông phó chủ tịch tỉnh đấy!
- Nhưng là
một người không đúng chuyên ngành đã đào tạo thì về phòng nông nghiệp biết làm
được việc gì?
- Ôi dào!
Cần gì đúng chuyên ngành... nó về đây chỉ là kiếm một chỗ đậu tạm để lấy biên
chế là viên chức nhà nước thôi! Cậu đừng có lo, chờ vài hôm nữa sau đại hội,
ông phó chủ tịch tỉnh lên chức chủ tịch là nó sẽ lập tức bay vút đi ngay ấy mà!
- Thế thì
bác cho cô ấy vào bộ phận khác nhé. Bộ phận chăn nuôi, thú ý không cần cán bộ
nghiên cứu về môn lịch sử... - Kỹ sư Khoa nhấm nhẳng.
Ông trưởng phòng hơi bực vì thái độ của kỹ
sư Khoa. Ông sẵng giọng:
- Các bộ phận
khác đã đủ và dư người rồi! Bộ phận của cậu đang thiếu biên chế nên mới đưa về
đấy chứ!
- Nhưng…
biết giao cho cô ấy công việc gì?
- Thì...
thì... cậu cứ giao cho cô ấy hàng ngày vệ sinh phòng làm việc, chùi rửa ấm
chén, đun nước sôi cho các bộ phận trong toàn phòng không được à!
- Nhưng đấy
đâu phải là công việc chuyên môn chính! Chả lẽ lại bảo cô ấy đi nghiên cứu lịch
sử hình thành của loài lợn, chiến công của loài chó hay quá trình tiến hóa của
loài ngỗng à?
Ông trưởng
phòng bật cười, dịu giọng:
- Đấy! Cậu
cũng đã biết nghĩ ra việc để giao cho cô ấy làm rồi còn gì! Hì... hì... Mà thôi
cậu đừng có băn khoăn suy nghĩ mãi, hao tâm mệt não. Bên phòng văn hóa thể thao
còn có một thằng là kỹ sư hóa chất, phòng công nghiệp còn có hai đứa vừa tốt
nghiệp cao đẳng sư phạm mới về nhận công tác đấy! Toàn là loại "CCCC” cả
thôi, hiểu không!
Thế là bộ
phận chỉ đạo chăn nuôi, thú y có thêm một cô cử nhân đại học chuyên ngành
nghiên cứu về lịch sử. Cô bé này tuy không thật xinh đẹp nhưng cũng ưa nhìn. Cô
có nước da trắng như bột lọc, tính tình tuy hơi đành hanh nhưng cũng có vẻ chịu
khó. Cô ta vừa học xong đại học tổng hợp chuyên ngành sử, được phân công về
nhận công tác ở một tỉnh miền núi Tây bắc nhưng sợ khổ và không muốn đi xa nhà.
Hàng ngày cô cử nhân lịch sử đến cơ quan sớm hơn mọi người để đun nước sôi cho
các bộ phận. Cô đi từng phòng làm việc thu về mười cái phích rồi đun một nổi
nước sôi to đổ đầy xong lại đem chia về các phòng. Hết giờ làm việc thì cô ta
lại đi từng phòng để thu phích và tráng rửa ấm chén, đổ bô đựng bã chè. Còn
trong giờ hành chính chủ yếu cô ta ngồi đan len và chờ ông trưởng phòng sai vặt
việc chuyển thư từ, công văn, gọi người lên họp hành, hội ý... Kỹ sư Khoa rất
bực vì tự dưng bộ phận của mình lại có thêm một nhân viên làm tạp vụ chung cho
toàn cơ quan như thế trong khi người làm chuyên môn thì đang thiếu. Kỹ sư Khoa
càng bực hơn khi một hôm tay phụ trách bộ phận kỹ thuật trồng trọt kéo anh cười
cười bảo:
- Cám ơn bộ
phận của ông nhé!
- Cám ơn vì
việc gì?
- Vì… từ
ngày bộ phận của ông có một nhân viên chuyên trách việc đun nước sôi, vệ sinh
chung cho cả phòng thì bộ phận của bọn mình cũng đỡ vất vả xì xụp đun nấu, cần
nước sôi pha trà là có ngay. Thật thuận tiện quá…
- Hừ… hừ…
- Nhưng
chúng tớ đề nghị ông phải chú ý tăng cường kiểm tra "trình độ chuyên môn”
của nữ nhân viên mới này. Không hiểu nước sôi của bộ phận cậu cung cấp có đủ
100 độ hay không mà nhiều hôm uống vào đang họp mà cứ phải chạy đi đái rắt liên
tục đấy… Ông là người phụ trách của cô ấy thì phải chịu trách nhiệm về chuyện
này chứ? He he…
Nghe tay phụ
trách bộ phận trồng trọt nói như vậy kỹ sư Khoa tức đến nghẹn cả cổ họng nhưng
không làm gì được hắn ta.
Trong khi kỹ
sư Khoa ghét cay ghét đắng cô nhân viên mới thì ngược lại cô ta lại có vẻ rất
thích anh. Có lẽ là vì anh đẹp trai và thông minh, tài giỏi. Nhiều đề tài
nghiên cứu về con giống, thức ăn chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc,
gia cầm của kỹ sư Khoa được đánh giá cao, ứng dụng có hiệu quả. Uy tín của anh
trong các hợp tác xã toàn huyện rất cao. Có tin đồn là khi ông trưởng phòng đến
tuổi về nghỉ hưu anh sẽ được đề bạt thay thế. Ông trưởng phòng từ lâu đã rất
tín nhiệm, tin tưởng và có ý định nâng đỡ, giới thiệu anh. Một hôm, anh gọi kỹ
sư Khoa lên gặp. Rót cho anh một chén nước chè nóng ông bảo:
- Ông chủ
tịch tỉnh khen cậu lắm…
- Ơ… làm sao
mà ông ấy biết em là ai mà khen ạ?
Ông trưởng
phòng nháy mắt nhìn anh kỹ sư:
- Này! Tớ
hỏi thật nhé, cậu thích cô Thoa rồi hả?
- Thích gì
mà thích!- Kỹ sư Khoa bực:- Mà sao lần trước bác bảo là khi ông phó chủ tịch
tỉnh lên chức chủ tịch thì cô ấy sẽ "bay vút ngay đi” cơ mà?
- Nhưng bây
giờ thì cô ấy sẽ không bay đi đâu nữa! Cô ấy sẽ ở lại lâu dài làm cán bộ ở
phòng nông nghiệp đấy…
- Sao lại
thế được ạ?
- Thế mà vẫn
được đấy! Mà cậu đừng có ác cảm với cô ấy. Chính nhờ cô ấy luôn nói tốt, ca
ngợi cậu nên ông chủ tịch tỉnh mới biết đến tài năng của cậu. Thời cơ ngàn năm
có một đấy hiểu không?
Nhìn vẻ mặt
nhăn nhó đến thảm hại của kỹ sư Khoa, ông trưởng phòng an ủi:
- Ở đời có
những điều mình muốn cũng chả được, không mong mà nó vẫn cứ đến. Cái cô Thoa
này có cái ô to, lại mê mẩn cậu. Thôi thế cũng là điều tốt. Vài hôm nữa tớ nghỉ
hưu, cậu có ông chủ tịch nâng đỡ, thay chức trưởng phòng của tớ chả hay quá à?
Kỹ sư Khoa
bật dậy:
- Em không
cần ai nâng đỡ kiểu ấy! Thế thì sao ông ấy không để cho cô ấy lên mà làm trưởng
phòng nông nghiệp luôn cho rồi…
- Cậu ngồi
xuống đi!- Ông trưởng phòng vẫn nhỏ nhẹ:- Cậu đừng có hấp tấp dại dột thế. Đúng
là nếu cậu mà không thay tớ làm trưởng phòng thì cô ấy sẽ làm trưởng phòng đấy
hiểu không?
Kỹ sư Khoa
trố mắt không hiểu. Ông trưởng phòng ngậm ngùi:
- Tôi với
cậu đều là dân chuyên làm khoa học thật thà, nhiệt tình với công việc chuyên
môn thuần tuý mà không thấu hiểu hết những góc khuất, trúc trắc của cuộc sống,
không biết những thủ thuật ở chốn quan trường. Cậu không biết chứ cánh tay của
cô bé này dài lắm. Cô ấy mê cậu, có ý giúp cậu. Nếu cậu mà nhủng nhẳng lảng ra
là hỏng bét hết cả đấy…- Ngừng một lát như để anh kỹ sư ngấm cái điều triết lý
vừa nói, ông trưởng phòng bảo:- Từ tháng sau bộ phận của cậu phải bố trí, sắp
xếp lại công việc, cô Thoa chỉ làm nửa buổi thôi còn nửa buổi chiều là cô ấy đi
học đấy!
- Cô ấy học
cái gì nữa thế?
- Cô ấy sẽ
đi học đại học tại chức, ngành nông nghiệp...
Kỹ sư Khoa
há hốc miệng kinh ngạc. Thì ra quyết tâm ở lại làm cán bộ lâu dài tại phòng
nông nghiệp huyện của cô Thoa là có thật. Kỹ sư Khoa đứng dậy chào ông trưởng
phòng. Trước khi ra về anh định nói với ông trưởng phòng một điều gì đó nhưng
lại thôi. Anh bước đi dọc theo con mương nước nhỏ về nhà nghỉ mà lòng ngổn
ngang bao suy nghĩ. Anh nghĩ đến việc nhất định phải xin chuyển công tác đi nơi
khác khi ông trưởng phòng về hưu. Bởi chắc chắn anh có ở lại thì sẽ khó làm
việc nếu không lên được chức trưởng phòng. Thực ra anh chả ham hố gì cái chức
trưởng phòng này. Có điều là nếu sau hơn một năm cái cô cử nhân đại học sử kia
trở thành một kỹ sư nông nghiệp mà lên làm lãnh đạo thì anh không thể nào hợp
tác được.
Mấy ngày sau
không hiểu làm sao mà cô Thoa biết khá chi tiết về buổi nói chuyện của anh kỹ
sư với ông trưởng phòng. Cô hơi buồn. Nhất là khi thấy thái độ lạnh nhạt, coi
thường của kỹ sư Khoa đối với cô. Nhưng cô Thoa vẫn hy vọng. Cô đã có một dự
định khác.
Cuối giờ làm
việc hôm đó trời sắp mưa. Mây đen ùn ùn kéo đến nên bầu trời tối sập lại. Mọi
người đã ra về hết nhưng kỹ sư Khoa vẫn còn cắm cúi mải mê ở phòng làm việc.
Anh phải hoàn thành nốt bản báo cáo khoa học về dự án bảo tồn nguồn gien và
phát triển đàn lợn cỏ bản địa có chất lượng tốt ở một xã ven chân núi Tam Đảo.
Lúc anh định ra về thì cơn mưa to sầm sập đổ xuống. Tiếng sét đánh long trời,
chớp loé lên lằng nhằng. Có tiếng như là cây đổ, đá lở ầm ầm trên núi. Anh kỹ
sư vừa định rời bàn làm việc ra khép lại cánh cửa cho gió khỏi đập thì cô Thoa
bước vào. Cô Thoa bao giờ cũng là người cuối cùng rời khỏi cơ quan vì còn phải
làm các công việc tạp vụ của mình.
Thấy cô Thoa
vào, anh kỹ sư hỏi:
- Cô chưa về
à?
- Em đang
định về thì trời mưa to quá… mà… mà em thì sợ sấm sét lắm anh ạ!
Kỹ sư Khoa
hơi lo lo vì khu cơ quan vắng vẻ quá. Anh cảnh giác đứng dậy bảo:
- Vậy thì cô
ở lại rồi về sau nhé! Tôi về trước đây!
- Nhưng trời
còn đang mưa to lắm anh ạ!
- Không sao!
Tôi có áo mưa rồi.
Nói đoạn,
anh thu vội vã đống giấy tờ nhét vào cái cặp. Khi anh vừa với tay định lấy cái
áo mưa treo trên vách thì có một tiếng sét nổ vang. Mặt đất chuyển rung. Đèn
điện vụt tắt. Tiếng cô Thoa rú lên vẻ hoảng hốt. Kỹ sư Khoa nhào lại phía bàn
làm việc định mở ngăn kéo tìm cái bật lửa và cây nến thì chạm ngay phải cô
Thoa. Cô Thoa vội ôm chặt lấy anh kỹ sư. Kỹ sư Khoa hoảng quá ú ớ kêu không lên
lời. Cô Thoa thở hổn hển và cũng kêu những tiếng không rõ ràng. Kỹ sư Khoa
luống cuống gỡ hai cánh tay cô Thoa đang ôm riết rất chặt lấy mình. Bàn tay của
anh chạm ngay vào cặp vú mềm mại căng tròn của Thoa. Anh giật mình vì hình như
đó là da thịt thật chứ không phải là qua một lớp vải. Kỹ sư Khoa vội rụt ngay
tay lại như vừa chạm vào than bỏng. Nhưng cô Thoa thì lại cứ cố chà sát ấn
khuôn ngực của mình vào tay anh. Khi kỹ sư Khoa còn đang cố giằng thoát ra khỏi
vòng tay của cô gái thì điện bỗng bật sáng. Kỹ sư Khoa hốt hoảng khi nhìn thấy
cô Thoa đã mở phanh hết cả ngực áo ra. Cô không mang áo ngực, cũng không thấy
cái thứ đó rơi xuống đất. Thì ra cô đã có ý định từ trước khi vào phòng của anh
kỹ sư. Cô cũng không lấy tay che ngực khi ánh điện bật sáng. Làn da của cô
trắng như bột lọc dưới ánh đèn điện nê-ông xanh lét.
Rất nhanh,
kỹ sư Khoa gạt cô gái sang một bên rồi lao ra khỏi phòng giống như một tên ăn
trộm bị bắt quả tang phải tháo chạy thoát thân.
Cô Thoa đứng
như trời trồng giữa phòng một lúc rồi mới lặng lẽ cài lại khuy áo…
***
Sau buổi tối
mưa to gió lớn sấm chớp ầm ầm ấy kỹ sư Khoa càng thêm quyết tâm xin chuyển vùng
công tác. Anh làm đơn xin về một huyện vùng núi cao của tỉnh Hà Giang. Đơn của
anh đã được gửi lên cơ quan tổ chức chính quyền. Hàng ngày đến cơ quan anh
tránh không gặp cô Thoa. Cô Thoa vẫn chằm bặp, lượn lờ quanh anh. Anh cũng hạn
chế việc làm thêm cuối giờ để tránh gặp phải tình huống oái oăm như hôm trước.
Cô Thoa bắt đầu đi học đại học tại chức vào các buổi chiều tối thì anh thấy yên
tâm hơn khi ở lại làm thêm.
Một hôm, ông
trưởng phòng lại gọi kỹ sư Khoa lên gặp. Anh mừng thầm vì nghĩ đơn xin chuyển
công tác của mình đã được trên chấp nhận. Nhưng khi nhìn thấy vẻ mặt buồn bã
của ông trưởng phòng thì anh hơi chột dạ. Ông trwongr phòng hỏi:
- Cậu và cô
Thoa có chuyện gì phải không?
- Không ạ!
- Không là
không thế nào! Cô ấy đang "kiện” cậu kia kìa!
- Kiện cái
gì ạ!
- Tao… tao…
cũng không rõ! Chỉ thấy ông chủ tich tỉnh gọi điện cho tao nói gần, nói xa có ý
đe rằng cậu mà "bỏ của chạy lấy người” là chết cả nút hiểu không?
- Sao thế ạ!
Em và cô ấy chỉ là cấp trên với nhân viên thôi, không có việc gì đâu, bác cứ
yên tâm!
Ông trưởng phòng lắc đầu vẻ ngán ngẩm:
Ông trưởng phòng lắc đầu vẻ ngán ngẩm:
- Thôi! Cậu
về đi, nhớ là phải hết sức cẩn thận đấy, làm trái ý cô Thoa… à… à… làm mếch
lòng cấp trên là hỏng bét mọi sự đấy!
- Em chả
việc gì phải sợ ai cả…
Kỹ sư Khoa
đáp rồi định đi. Chợt nhớ ra anh quay lại hỏi:
- Việc em
xin chuyển công tác giải quyết đến đâu rồi ạ!
- Chuyển với
chiệc cái gì… khéo mà hỏng hết rồi hiểu không?
Ông trưởng phòng lắc đầu. Kỹ sư Khoa không
hiểu hết cái lắc đầu của ông. Anh vốn là một người sống vô tư, đơn giản, chưa
hiểu hết những phức tạp trong cuộc đời. Sau bận anh mắng thậm tệ cô Thoa vì tội
lơ là công việc, nhất là chuyện hay ăn mặc hở hang vào phòng anh khi vắng người
thì mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn. Nhất là khi Vân-người yêu của anh lên
thăm gặp đúng lúc cô Thoa đang ở cơ quan. Vân gặp cô Thoa ngoài cổng cơ quan.
Vân hỏi thăm và tự giới thiệu là vợ sắp cưới của kỹ sư Khoa. Hôm ấy cô Thoa bỏ
việc đi đâu mất là cả phòng nông nghiệp nháo nhào vì không có nước sôi pha chè.
Và cũng không hiểu sao sau lần Vân lên thăm anh thì có tin đồn anh quan hệ
"lằng nhằng” với cô nhân viên chuyên đun nước ở cơ quan đang bị kiểm điểm.
Thế là Vân ngãng ra. Tình yêu của hai người nhạt dần rồi tan luôn. Kỹ sư Khoa
cũng không hiểu tại sao lại có cái tin đồn ác ý ấy. Có lẽ chỉ có cô Thoa là
hiểu. Cô Thoa đã gặp anh nói bóng nói gió về việc anh sẽ lên làm trưởng phòng nông
nghiệp huyện nếu chấp nhận lấy cô ấy. Và, chỉ có như vậy hoặc thôi việc chứ
không có chuyện chuyển vùng công tác. Khi đã rõ mọi chuyện, kỹ sư Khoa quyết
định bỏ việc ở phòng nông nghiệp huyện.
Về làng, kỹ
sư Khoa cũng chưa biết làm gì để kiếm sống. Ruộng đất đã chia hết cho nông dân.
Mẹ anh chỉ có một sào ruộng khoán, cày cấy năng xuất có hơn hẳn thời hợp tác xã
thì cũng chỉ đủ cho một miệng ăn. Kỹ sư Khoa đành vác mai đi đào đất thuê cho
mấy ông chủ lò gạch thủ công ngoài bãi sông. Một hôm ngồi nghỉ cùng mấy ông bà
gánh đất thuê ở lò gạch thấy họ bàn nhau việc tìm thợ về thiến mấy con lợn để
nuôi vỗ béo thì kỹ sư Khoa chợt nhớ ra mình chính là dân chuyên ngành thú y,
chăn nuôi. Anh nhận sẽ giúp họ việc thiến lợn. Quả là kiến thức học ở trường đại
học của anh vẫn còn có tác dụng. Sau lần thiến giúp đàn lợn của mấy ông bà cùng
làm thuê ở lò gạch thủ công, nhiều người biết tiếng tìm đến mời anh. Thế là kỹ
sư Khoa quyết định sắm sửa một bộ đồ nghề hoạn lợn. Anh rong ruổi khắp vùng với
chiếc thòng lọng buộc dọc theo cái khung xe đạp và túi đồ nghề hoạn lợn đeo bên
hông. Anh thiến lợn, cả chó, trâu bò nữa. Anh còn kiêm cả việc chữa chạy cho
động vật nhất là lợn, trâu, bò ốm nhiều trường hợp thành công nên rất có uy tín
trong vùng. Ngày ấy nhiều khi người ốm cũng không sợ bằng lợn ốm. Người bỏ ăn
một ngày không sao, lợn bỏ máng một bữa là vợ chồng con cái đã lo méo mặt.
Nghề hoạn
lợn cũng lắm chuyện buồn vui. Có lần vừa cất tiếng rao: "Hoạn… lợn…ơ…” thì
một thằng thanh niên gọi kỹ sư Khoa dừng lại ra bộ nghiêm mặt bảo: "Ông là
loại người gì mà dã man như vậy hả? Nó là loài động vật đã khổ lắm rồi, có mỗi
một "cái ấy” để sướng mà ông cắt mất! Thật vô nhân đạo quá! Tôi mà có
quyền tôi ra lệnh hoạn hết những tên hoạn lợn...”. Rồi một hôm đến làng nọ có
mất cô vừa nhìn thấy anh đã nhao nhao: "Chúng em đang đi tuyên truyền kế
hoạch hóa gia đình đây, đề nghị anh đi cùng. Nếu có ông nào không nghe tuyên
truyền thì anh lập tức "xử lý cái ấy” tại chỗ giúp tụi em nhé!”. Nói xong,
các cô cười ré lên.
Kỹ sư Khoa
không thèm chấp bọn thanh niên. Anh vẫn lang thang qua tháng ngày trên con
đường hoạn… lợn. Và như thành định kỳ hàng tháng, anh đều cố gắng đi qua làng
Xuân Nội bên kia sông Đáy một lần. Trước khi vào làng anh mua cân đường, hộp
sữa và ít hoa quả. Anh vào một ngôi nhà giữa làng. Có một người đàn ông đang
ngồi trên chiếc xe lăn ở thềm. Vừa nhìn thấy anh ông ta đã hỏi, miệng méo đi
nói rất khó khăn:
- Ẫn… i…
oạn… ợn… à…? (Vẫn đi hoạn lợn à?)
- Vâng!
- Ó… iếm… ủ…
ăn… ông…? (Có kiếm đủ ăn không?)
- Em vẫn
kiếm được đủ sống bác ạ!
- Ế… ì… ốt…!
(Thế thì tốt!).
Ông già đó
bị tai biến mạch máu não nên nói năng rất khó khăn.
Kỹ sư Khoa
mở túi lấy ra cân đường, hộp sữa rồi ngồi xuống bân cạnh ông già xoa nắn chân
tay cho ông. Nét mặt anh ngậm ngùi. Ông già chớp chớp mắt nhìn anh rồi bảo:
"Ần… au… ến… ơi… ông… ải… oà… áp… ì… á…”. (Lần sau đến chơi không phải quà
cáp gì nhá!). Kỹ sư Khoa gật đầu để ông già yên tâm. Anh ngồi chơi với ông một
lát rồi chào ông để đi.
Ông già bị
tai biến mạch máu não ấy không phải là ai khác. Đó chính là ông trưởng phòng
nông nghiệp huyện ngày trước. Mấy tuần trước khi về nghỉ hưu thì ông bị tai
nạn. Hôm ấy ông chủ trì buổi họp phòng để "tự kiểm điểm nghiêm khắc” về
việc trong cơ quan xảy ra chuyện quan hệ nam nữ bất minh (mà việc này ông cũng
không rõ sự thể là như thế nào) và để xảy ra vụ cung cấp nhầm giống "ngô
không hạt” cho bà con nông dân. Việc kiểm điểm là từ trên chỉ đạo xuống. Khi
đang họp kiểm điểm thì ông nhận được một bì công văn hoả tốc. Mở công văn ra
xem ông liền đứng dậy. Tay ông run run. Ông chưa kịp đọc thì tờ giấy tuột khỏi
tay rơi xuống đất. Ông cúi người giơ tay định nhặt tờ giấy đang nằm lăn lóc
dưới đất thì chúi người ngã lao luôn đầu xuống nền nhà. Mọi người nhốn nháo xô
ngay đến định đỡ ông ngồi dậy. Anh bác sĩ thú ý vội vàng ngăn lại. Anh đoán ra
ngay là ông bị đột quỵ, tai biến mạch máu não. Ông là người có tiền sử huyết áp
cao. Phải để nguyên ông nằm yên ở dưới đất sơ cứu rồi gọi bác sĩ chuyên khoa
đến xử lý, đưa đi bệnh viện. Nhờ sơ cứu đúng cách như vậy mà ông còn sống và
không bị hôn mê như một số bệnh nhân đột qụy khác.
Khi trưởng
phòng được đưa đi bệnh viện rồi mọi người mới tìm nhặt tờ công văn ông đánh rơi
xuống đất lúc nãy lên xem. Hoá ra đó chính là tờ quyết định đề bạt cô Thoa giữ
chức quyền trưởng phòng nông nghiệp huyện khi ông trưởng phòng sẽ nghỉ hưu vào
đầu tháng tới. Cô Thoa đã tốt nghiệp loại giỏi đại học tại chức ngành trồng
trọt.
Khi biết tin
ông trưởng phòng bị tai biến mạch máu não rồi về nghỉ hưu kỹ sư Khoa thường ghé
thăm mỗi khi đi hoạn lợn rong qua quê ông. Ông trưởng phòng tỏ ra rất vui mỗi
khi anh đến thăm. Có lẽ anh là người mà ông đã nhận ra ngay kể sau lần bị đột
quỵ. Có nhiều người quen mà hỏi mãi ông mới lờ mờ nhận ra là ai. Những người
dưới quyền ông trước đây chả thấy ai đến thăm ông bao giờ. Đời là vậy. Khi còn
đương chức lắm kẻ vây quanh, khi đã thất sủng chẳng ai ngó tới. Người ta phù
thịnh, chả ai phù suy. Khi đã về hưu thì tiệt nhiên chả ai còn nhòm ngó đến
nữa. Tình đồng chí thường là rất nhạt. Tình đồng nghiệp thì chỉ có khi còn công
tác. Chỉ có tình người là bền vững thì thời buổi này lại rất hiếm.
Rời khỏi nhà
ông trưởng phòng cũ kỹ sư Khoa vừa đạp xe vừa suy nghĩ mãi về điều ấy. Quành
qua một khúc ngoặt chiếc xe đạp tồng tộc của anh phóng xuống một đoạn dốc cua
của con đường đất đỏ ven đồi bạch đàn. Khi nhận ra có một chiếc ô tô con rất
xịn đang đỗ ở bên đường thì đã quá gần. Anh cố miết cả hai chân xuống mặt đường
mà không phanh nổi. Chiếc xe đạp đang đà đổ dốc đâm mạnh vào phía sau cái ô tô
con. Kỹ sư Khoa ngã lăn ra mặt đường. May mà anh không việc gì. Anh lồm cồm
ngồi dậy. Cánh cửa xe ô tô bật mở. Một tiếng quát:
- Đi đứng
kiểu gì thế! Mắt mù à?
- Tôi… tôi…
Tài xế chiếc
xe con là một thanh niên còn trẻ. Hắn ta lao ngay về phía sau xe túm tay kỹ sư
Khoa rồi chỉ vào đuôi chiếc xe con sừng sộ:
- Mù à? Nhìn
đây này! Xước một vết sơn rồi phải đền cho tôi ngay!
Kỹ sư Khoa
nhìn thấy một vết xước nhỏ trên đuôi chiếc xe con bóng lộn. Anh lập cập:
- Vâng…
vâng… tôi… xin…
- Biết vết
xước này phải sửa mất bao nhiêu không hả?
- Không…
- Ít nhất là
mười triệu! Đưa tiền đây!
Kỹ sư Khoa
hốt hoảng:
- Những mười
triệu! Tôi lấy đâu ra… mà chỉ xước một tý thế này…
- Không có
tiền thì về đồn công an!
Tên lái xe
vẫn hùng hổ. Kỹ sư Khoa vã mồ hôi vì lo lắng. Giữa lúc đó thì có tiếng một
người đàn bà lên tiếng can:
- Thôi! Để
cho anh ta đi đi…
- Nhưng…-
Tên lái xe miễn cưỡng buông anh ra.
Kỹ sư Khoa
nhìn về phía người đàn bà. Anh giật mình nhận ra đó là cô Thoa, nhân viên dưới
quyền của anh khi còn là cán bộ của phòng nông nghiệp huyện. Cô Thoa bây giờ đã
là phó giám đốc sở nông nghiệp tỉnh. Cô đang trên đường đi xuống cơ sở để kiểm
tra tình hình sản xuất nông lâm nghiệp. Cô Thoa định hỏi thăm nhưng lại thôi.
Kỹ sư Khoa đã ngồi lên yên cái xe đạp tồng tộc. Một tay anh cầm cái thòng lọng
bắt lợn vừa bị văng ra. Cái thòng lọng chĩa ra phía trước đu đưa trông như một
cái giá treo cổ nghiêng nghiêng.
Kỹ sư Khoa
lại đạp xe đi tiếp trên còn đường đất đỏ vắng bóng người qua lại. Chiếc xe con
của bà phó giám đốc sở nông nghiệp từ phía sau phóng vụt qua. Bụi đỏ cuốn lên
mù mịt trùm lấp cả người và xe của gã hoạn lợn lang thang…
Hà Nội, tháng 3-2012
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại- ngày 20/9/2015
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hà Nội ngày 08/04/2012
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét