Hương thị – Truyện ngắn Trọng Bảo (Hà Nội)
Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015
Ngày 02.5.2012
Truyện
ngắn Hương thị tôi viết từ khi đang còn là học sinh lớp 10. Tính đến nay vừa
đúng bốn mươi năm. Bản thảo chả còn giữ được. Truyện ngắn này chỉ được đăng một
lần duy nhất trên tờ báo tường lớp 10B của tôi ngày ấy. Tôi chỉ nhớ đại ý của
truyện. Ấy vậy mà lại có một người nói vẫn còn nhớ được gần như nguyên văn
truyện ngắn. Thật thú vị, đó lại chính là nhân vật nữ mà tôi viết trong truyện
ngắn. Và cũng đúng bốn mươi năm tôi cũng mới gặp lại nguyên mẫu một nhân vật
của mình.
Thông tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Trọng Bảo
Tên thật: Hà Trọng Bảo
Sinh năm: 1956
Quê quán: Thị trấn Hoa Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Hiện công tác tại: Phòng Thông tấn-Báo chí quân đội
Địa chỉ: 61- Cửa Đông-Hà Nội,
ĐT: 098.6676547
Email: trongbao.56@gmail.com
_____
Truyện ngắn Hương thị tôi viết từ khi đang còn là học sinh lớp 10. Tính đến nay
vừa đúng bốn mươi năm. Bản thảo chả còn giữ được. Truyện ngắn này chỉ được đăng
một lần duy nhất trên tờ báo tường lớp 10B của tôi ngày ấy. Tôi chỉ nhớ đại ý
của truyện. Ấy vậy mà lại có một người nói vẫn còn nhớ được gần như nguyên văn
truyện ngắn. Thật thú vị, đó lại chính là nhân vật nữ mà tôi viết trong truyện
ngắn. Và cũng đúng bốn mươi năm tôi cũng mới gặp lại nguyên mẫu một nhân vật
của mình.
Hôm đó là
ngày nghỉ các con không về vì đều bận việc của cơ quan, tôi tự lo việc ăn uống.
Tôi ra chợ mua vài lạng thịt, mớ rau muống. Mấy lạng thịt lợn và mớ rau đủ cho
tôi chén trong hai ngày nghỉ. Thịt rang mặn, mỗi bữa luộc vài ngọn rau lấy nước
luộc dầm sấu chan cơm là ổn. Mấy ngày nghỉ tôi sẽ cắm mặt vào màn hình máy vi
tính quyết tâm sửa chữa cho bằng xong tập tiểu thuyết kịp nộp nhà xuất bản như
đã hứa với họ.
Vừa đến chợ
qua dãy hàng thịt nhìn thấy tôi, chị bán hàng đã đon đả:
- Anh vẫn
đúng hai mươi nghìn chứ ạ?
- Vâng…- Tôi
đáp. Chị bán thịt đã quen với định mức thịt mà tôi vẫn mua cho bốn bữa trong
hai ngày nghỉ. Cầm mẩu thịt lợn bé tý, tôi sang dãy hàng rong mua rau. Những
người bán rau này thường ở ngoại thành. Họ trồng rau rồi đem vào nội thành bán.
Tôi hỏi mua một mớ rau muống. Người phụ nữ bán hàng nói: "Xin anh năm
nghìn!”, rồi cho mớ rau vào cái túi ni-lông. Khi ngẩng lên đưa rau cho tôi người
đàn bà bỗng đứng bật dậy ngập ngừng hỏi:
- Có phải…
có phải anh là… là…
Tôi cũng ngỡ
ngàng nhận ra một nét mặt quen quen. Tôi cố nhớ xem đã gặp ở đâu thì người đàn
bà bán rau đã nói:
- Em là
Linh… hồi năm bảy hai sơ tán về quê anh…
Tôi giật
mình. Trong trí nhớ của tôi vùn vụt trở lại những hình ảnh của bốn mươi năm
trước. Cô Linh xinh đẹp hoa khôi của lớp 10B chúng tôi ngày ấy đây ư! Nhìn
người đàn bà lam lũ bên gánh rau muống tôi như chưa tin ở mặt mình. Nhưng rồi
tôi bừng tỉnh. Đã bốn mươi năm rồi cơ mà. Linh như hiểu cái nhìn của tôi. Hai
bàn tay đen đúa của cô vặn vặn vào nhau rồi nói:
- Hôm nào
anh rỗi đến nhà em chơi. Nhà em ở số… Cầu Giấy. Em và anh Phú vẫn nhắc đến anh
và những ngày sơ tán lên Lập Thạch đấy…
- Thế Linh
và Phú…
- Vâng anh
Phú là chồng em! Anh ấy ốm đau luôn, bây giờ yếu lắm rồi…
Tôi hứa sẽ
đến thăm nhà Linh. Khi tôi cầm mớ rau muống định quay đi thì Linh lại bảo:
- Em vẫn nhớ
như in câu chuyện Hương thị của anh viết ngày ấy đấy.
- Thế à!- Tôi
ngạc nhiên nhưng chợt nghĩ: "Linh là nhân vật chính của truyện ngắn nên cô
ấy nhớ là phải thôi!”. Truyện ngắn ấy khi đăng trên tờ báo tường ai chả biết là
tôi viết về Linh và những người bạn trong lớp mặc dù tên các nhân vật trong
truyện tôi đã viết khác đi. Đó chính là truyện ngắn đầu tay của tôi.
Khi về đến
nhà tôi tạm dẹp tập bản thảo cuốn tiểu thuyết dày cộp đầy những gạch xoá, sửa
chữa chi chít sang một bên để cố nhớ lại những gì đã viết trong truyện ngắn
Hương thị của bốn mươi năm trước.
* *
*
Bước vào năm
học cuối cấp 3, lớp 10B có thêm mấy học sinh mới. Đó là đám học sinh Hà Nội sơ
tán về vùng quê trung du này. Trong số học sinh mới tôi chú ý đến một cô bé rất
xinh xắn có mái tóc cắt ngắn ngang vai. Tên cô bé là Linh. Đó đúng là một người
con gái đẹp- Tôi nghĩ. Lũ học sinh nông thôn, nhất là lũ con gái thấy ghen tỵ
với đám học sinh mới đến. Bọn chúng sao mà thơm tho sạch sẽ, tươi tắn thế.
Người thủ đô có khác. Ngược lại, cánh học sinh nông thôn chúng tôi có đứa suốt
ngày lội ruộng cấy lúa, chăn trâu trên đồi. Buổi sáng đi học thì buổi chiều
gánh phân ra đồng. Quần áo, sách vở thì luôn lấm lem bùn đất. Đứa nào có cái xe
đạp cũ kỹ để đi học là may mắn lắm rồi.
Chúng tôi
nhìn đám học sinh Hà Nội với con mắt luôn có một khoảng cách. Vậy mà chỉ sau
một thời gian Linh lại kết thân với tôi và thằng Thân. Tôi và thằng Thân cùng
tuổi, nhà ở gần nhau, cùng học với nhau từ lớp vỡ lòng cho đến cấp 3. Hai thằng
chúng tôi như hình với bóng. Dù hai đứa khác nhau về tính cách lẫn hình dáng. Tôi
vốn tính hấp tấp, nóng nảy, thấy việc gì chướng tai, gai mắt là nói luôn. Thằng
Thân thì tính tình trầm tĩnh, ít nói. Trông nó lúc nào cũng lù đù như chuột chù
phải khói. Có người còn bảo nó đần. Ấy vậy mà khi Linh làm bạn với hai thằng
chúng tôi lại rất thích trò chuyện trao đổi với nó. Hai chúng tôi đều học giỏi.
Tôi là học sinh giỏi văn, thằng Thân giỏi toán, còn Linh thì giỏi cả văn lẫn
toán. Chúng tôi hình thành một bộ ba gắn bó rất khăng khít. Giữa tôi và Linh
chỉ là tình bạn. Con giữa thằng Thân và Linh thì đã vượt lên trên tình bạn một
chút. Ngày ấy, học sinh cấp hai đã đi bộ đội. Cánh học sinh cấp ba chúng tôi
lớn lộc ngộc. Năm nào chúng tôi cũng tiễn các bạn lên đường nhập ngũ ra trận.
Linh và Thân
yêu nhau rất bí mật, cả lớp không ai biết. Ngày ấy đang là học sinh phổ thông
mà yêu nhau thường bị nhắc nhở, kiểm điểm vì sợ ảnh hưởng đến học tập. Việc tôi
và thằng Phú phát hiện ra họ yêu nhau hoàn toàn tình cờ.
Ngày ấy quê
tôi rừng núi còn nhiều cây cối rậm rạp. Ở sườn đồi ven cánh đồng có những cây
thị cổ thụ. Mùa thị chín màu vàng sáng cành cây, hương thơm ngào ngạt. Khi còn
nhỏ cánh học trò chúng tôi hay rủ nhau leo cây hái thị ăn. Bọn con gái rất
thích có những quả thị bé tý teo bằng ngón chân cái để trong cặp sách, bỏ trong
túi áo cho hương thơm toả ra hít căng cánh mũi. Thằng Phú là đứa trong đoàn học
sinh Hà Nội sơ tán về quê tôi. Nó cận thị nặng, lúc nào cũng đeo cặp kính dày
cộp trên mắt.
Một hôm tự
dưng nó gạ tôi:
- Mày kiếm
cho tao một quả thị chín thật nhỏ nhé?
- Định tặng
em nào trong lớp hả?
Nó ấp úng
không trả lời. Tôi bảo:
- Thôi được!
Mày theo tao lên rừng. Tao sẽ trèo lên cây kiếm cho mày một quả thị thật bé
nhưng thật thơm.
Thằng Phú
rất thích, nó liền đi theo tôi. Tôi cũng muốn giúp nó cũng còn vì một lý do
khác. Bố mẹ nó là nhân viên của Thư viện quốc gia, họ cùng cơ quan đem theo rất
nhiều sách quý sơ tán về quê tôi để cất giữ. Nhờ nó mà tôi mượn được nhiều sách
hay. Tôi là một người mà bọn cùng lớp vẫn nói là một thằng "nghiện sách”. Tôi
có thể đọc sách bất cứ lúc nào. Chỉ cần nghe nói ai có sách là tôi lân la tìm
cách mượn cho bằng được. Có cuốn sách chỉ được mượn qua đêm, tôi thức suốt đêm
để đọc. Từ ngày Thư viện quốc gia đem sách sơ tán về quê tôi, nhờ thằng Phú mà
tôi có được những cuốn sách rất hiếm để đọc.
Tôi và thằng
Phú chui vào khu rừng rậm rạp, nơi có mấy gốc thị cổ thụ trên cành đầy quả
chín. Giống thị là thế, cây càng già, quả càng sai và hương lại càng thơm.
Hương thị khiến người ta có cảnh giác thư giãn, sảng khoái, hứng khởi trong
lòng.
Tôi dắt
thằng Phú chui vào chỗ gốc cây thị già. Vừa đến một cây cọ thì nghe có tiếng
động, tiếng người thì thào phía gốc cây thị. Tôi giữ thằng Phúc đứng lại. Vạch
lá cây ra nhìn, tôi chợt nhận ra đó là thằng Thân và Linh. Thân và Linh đang
đứng sát bên nhau cạnh gốc cây thị. Linh đang cầm trên tay một quả thị chín
vàng. Còn thằng Thân thì đang ôm ngang lưng cô gái. Đôi má của Linh đỏ ửng.
Hình như họ vừa hôn nhau. Tôi thấy phục thằng Thân quá. Lù đù như nó mà lại yêu
được một đứa con gái đẹp nhất trong số con gái ở Hà Nội sơ tán về làng tôi.
Đúng là tẩm ngẩm tầm ngầm mà dẫm chết voi, như các cụ vẫn nói.
Giữa lúc tôi
đang cố ngó nghiêng để xem thằng Thân và Linh có "hành động” gì thêm không
thì thấy vạt áo mình bị giật mạnh. Thằng Phú túm tay lôi tôi lùi lại chui ra
khỏi đám cây rừng rậm rạp, tránh xa gốc cây thị. Nó lôi tôi đi như bị ma đuổi
phía sau lưng. Tôi bị vấp vào một gốc cây cụt bên lối
đi đau điếng. Tôi làu bàu:
- Mày làm gì
thế! Không lấy thị nữa à?
- Không… về
thôi!
- Sao thế?
- Đã bảo về
là về cơ mà…
Tôi nghĩ
bụng: "Không biết thằng này mắt cận lòi như thế liệu nó có nhìn thấy cảnh
thằng Thân và Linh ôm nhau không nhỉ! Chắc là nó chả nhìn thấy gì đâu!”. Nhưng
rồi tôi lại tự hỏi: "Nếu không nhìn thấy thì việc gì nó lại bực bội thế.
A… hoá ra nó cũng rất thích cái Linh. Nó gạ tôi trèo hái thị chín là để đem cho
cái Linh…”.
Sau bận ấy
tôi thấy tự dưng thằng Phú buồn bã và học kém hẳn đi. Nó cũng là một thằng học
giỏi của lớp. Mấy tuần sau thì lớp tôi xảy ra một chuyện. Sau giờ ra chơi thằng
Phú kêu mất cái bút máy Kim tinh và năm đồng là tiền học phí nó đem đến
lớp chưa kịp nộp cho thầy giáo chủ nhiệm. Ngày ấy cánh học sinh nông thôn chúng
tôi có một chiếc bút máy Trường Sơn là đã sang lắm rồi. Chỉ có đám học sinh Hà
Nội sơ tán về là có bút máy Kim tinh. Việc thằng Phú
kêu mất bút và tiền khiến lớp tôi nhốn nháo hẳn lên. Thầy chủ nhiệm lập tức xin
phép tạm dừng tiết học tiếp theo để tổ chức điều tra. Đội cờ đỏ của lớp được
giao nhiệm vụ kiểm tra các ngăn bàn. Họ tìm thấy trong hộc bàn chỗ thằng Thân
ngồi cái bút Kim tinh và tờ giấy bạc năm đồng cuộn nhỏ, nhét
tít ở phía trong hộc bàn. Thằng Thân tái mét mặt đi vì sợ hãi và xấu hổ. Nó cúi
gằm mặt xuống mặt bàn. Tôi là bạn thân của nó. Tôi biết nhà thằng Thân rất
nghèo. Buổi sáng đến trường nó chỉ có một khúc sắn ăn lót dạ, không có bát cơm
rang như tôi. Ngày giáp hạt nhiều bữa buổi trưa đi học về nó cũng chỉ có sắn
luộc ăn thay cơm. Có lần năm lớp 8 đi cắm trại cả bọn góp cơm nắm, muối vừng,
trứng luộc để ăn chung thì nó bảo bận tý nữa mới ăn. Đoạn nó len lén lẩn ra
phía bờ suối. Tôi cầm nắm cơm lặng lẽ đi theo. Đến bờ suối, nó nấp sau một gộp
đá lôi cái bọc giấu trong người mở ra. Nó chỉ có hai củ sắn cho bữa trưa. Thì
ra vì vậy mà nó ngại ăn chung cùng các bạn trong lớp. Đang nhai củ sắn, nó chợt
há hốc mồm khi thấy tôi đứng sững ngay trước mặt. Tay nó cầm củ sắn run run.
Tôi ngồi xuống cạnh nó. Tôi bẻ đôi nắm cơm đưa cho nó một nửa và cầm luôn củ
sắn còn lại của nó. Tôi biết, nhà thằng Thân nghèo, nó vẫn mơ ước có một cây
bút máy nhưng nhất định nó không phải là một thằng ăn cắp. Làm bạn với nó từ
nhỏ đến bây giờ nên tôi hiểu. Nhưng, tôi cũng không làm sao mà thanh minh cho
nó được.
Thằng Thân
không nhận mình đã lấy cây bút máy Kim tinh và tiền của thằng Phú. Nhưng nó cũng
không thể giải thích tại sao cái bút và năm đồng lại ở trong ngăn bàn của nó.
Thằng Thân buồn lắm. Đợt 26-3 năm ấy lẽ ra nó được kết nạp vào đoàn cùng tôi
nhưng lại bị huỷ quyết định.
Cuối năm lớp
10 có đợt gọi nhập ngũ. Tôi và một số bạn trong lớp có danh sách trúng tuyển
nghĩa vụ quân sự. Thằng Thân cũng đã khám sức khoẻ và đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Nhưng nó không đủ điều kiện nhập ngũ vì chưa phải là đoàn viên thanh niên lao
động. Nó buồn lắm. Từ ngày nó "dính” vào cái án ăn cắp thì quan hệ giữa nó
và Linh cũng không còn thân thiết nữa. Bộ ba của chúng tôi cũng tan luôn. Tuy
vậy tình bạn giữa tôi và Thân không thay đổi. Tôi mãi mãi coi nó là một người
bạn thân nhất mặc nhiều lúc nó cố ý tránh xa tôi. Hôm tôi lên đường nhập ngũ,
nó đèo tôi lên tận huyện tập trung. Lúc chia tay, nó dúi vào tay tôi tờ bạc một
đồng. Không nhận thì sợ nó giận. Tôi biết để có được một đồng bạc cho tôi nó đã
phải gánh mấy gánh củi sang tận chợ Tam Dương ở huyện bên cạnh để bán cho được
giá. Nó định nói với tôi một câu gì đó thì thôi vì nhác trông thấy Linh và
thằng Phú đi đến. Nó xiết chặt tay tôi rồi lảng ra khỏi đám đông của những
người đi, người ở ồn ào.
Phú và Linh
đến để tiễn tôi lên đường nhập ngũ. Phú tặng tôi một cuốn sổ bìa cứng để ghi
nhật ký. Linh thì tặng tôi một cái khăn mùi-xoa có thêu hai chữ "kỷ niệm”.
Chiếc khăn tay thơm ngát mùi hương thị chín…
* *
*
Tôi được
biên chế về trung đoàn 246B. Thời chống Mỹ, quân đội ta đều có các đơn vị A và
đơn vị B. Đơn vị có chữ A thường là khung huấn luyện, đơn vị có chữ B là đơn vị
chiến đấu. Mặt trận cũng đặt là theo chữ cái A, B, C sau này thêm mặt trận K
nữa. A là mặt trận miền Bắc. Miền Bắc cũng phải đánh nhau với máy bay của bọn
Mỹ. Mặt trận B là chiến trường miền Nam, C là chiến trường Lào, K là Campuchia.
Ngày ấy cứ nói đi B tức là sẽ vào miền Nam chiến đấu. Ở chiến trường A (miền
Bắc) còn có hy vọng sống, còn đi B thì phần sống trở về rất thấp. Làng tôi ngày
ấy mười người đi B thì chỉ có ba, bốn người trở về. Cũng vì thế mới có chuyện
nhiều người mang danh hiệu "bê quay”. Đó là những người không chịu nổi bom
đạn, hy sinh bỏ mặt trận hoặc đào ngũ khi được biên chế vào đơn vị B, trên
đường đi chiến trường thì trốn quay trở về hậu phương.
Đơn vị tôi
khẩn trương huấn luyện để chi viện cho miền Nam. Hồi ấy chỉ là bọn "lính
quèn” nên tôi không biết chuyện có kế hoạch chuẩn bị tổng tiến công giải phóng
miền Nam năm 1975, chỉ biết sẽ ra đi không biết ngày nào trở về. Chúng tôi được
cấp phát các loại vũ khí, trang bị, quân trang để sẵn sàng lên đường. Khẩu súng
AK nhãn hiệu "made in CCCP”, bộ quần áo, tăng võng, cái bình tông
"made in China” va cái ca tráng men sắt tây có in dòng chữ "Quyết tâm
đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Một buổi
trưa ăn cơm xong tôi vừa chợp mắt thì tiểu đội trưởng kéo chân gọi nhỏ:
- Ra ngay
chiêu đãi sở có khách đến thăm!
- Khách nào
thế hả anh?
Tôi hỏi.
Tiểu đội trưởng lắc đầu:
- Chả biết!
Cũng là lính tráng. Nghe nói cùng quê với ông. Nhớ là chuyện trò tâm sự gì thì
đến trước giờ báo thức buổi chiều phải về để đi tập chiến thuật nhé!
- Vâng…
nhưng cùng là lính tráng sao trực ban không cho vào luôn trong doanh trại hả
anh?
- Quy định
là như thế! Vào đây để các ông trò chuyện ầm ầm, đơn vị mất ngủ, chiều đi tập
thế nào được hả!
Tôi vội mặc
quần áo ra nhà chiêu đãi sở. Một người mặc quân phục vải Tô Châu mới tinh đang
ngồi chờ sẵn. Tôi vô cùng ngạc nhiên nhận ra đó là thằng Thân. Thằng Thân rất
vui mừng vì gặp được tôi. Hai thằng ngồi nói chuyện với nhau suốt buổi trưa.
Qua lời kể
của thằng Thân tôi lờ mờ hiểu được mọi chuyện.
Ngay sau khi
tôi lên đường nhập ngũ thì chi đoàn lớp 10B cũng tổ chức kết nạp đoàn cho thằng
Thân. Trong một buổi sinh hoạt lớp Thằng Phú đã nhận việc nó đến mượn cuốn sách
hoá học của thằng Thân đã sơ ý để quên cái bút Kim
tinh và tờ năm đồng
vào hộc bàn chỗ ngồi của thằng Thân. Khi mọi việc vỡ lở nó đã định nhận lỗi của
mình ngay nhưng lại sợ khuyết điểm nên không dám nói. Bây giờ nó thấy hối hận
nên xin chịu kỷ luật trước lớp và chi đoàn.
Việc thằng
Phú nhận là vô tình bỏ quên cái bút máy và tiền vào hộc bàn đã xoá được cái tội
ăn cắp cho thằng Thân. Trong lớp có người nghi ngờ việc "vô tình bỏ quên”
của thằng Phú nhưng không ai muốn truy cứu. Việc xong xuôi, êm đẹp thì thôi.
Ngày ấy ai cũng sợ khuyết điểm, mất thành tích chung của tập thể. Lớp không có
người ăn cắp thì càng tốt. Cô bé Thu, lớp trưởng kiêm bí thư chi đoàn lớp tôi
ngày ấy là một người con gái rất xinh, tính tình hìền dịu, nhu mỳ, lúc nào cũng
chỉ sợ thành tích lớp mình kém lớp khác. Hôm lớp xảy ra chuyện "ăn cắp”
của thằng Thân, tôi để ý thấy Thu rất buồn. Cả năm xây dựng phong trào thanh
niên, tổ chức phong trào thi đua của lớp thế là công lao đổ hết xuống sông,
xuống bể. Thu đã khóc sưng cả mắt và buồn hơn chính cả thằng Thân- tên tội phạm
số 1 của lớp 10B chúng tôi ngày ấy.
Thân thoát
tội ăn cắp và được xem xét kết nạp vào đoàn thanh niên lao động. Đơn xin nhập
ngũ của nó lập tức được chấp nhận, và nó trở thành một người lính, một đồng đội
của tôi. Nó cũng ở một đơn vị B đóng quân gần đơn vị. Đơn vị nó cũng đang khẩn
trương huấn luyện để chuẩn bị hành quân ra mặt trận chiến đấu.
Lại nói về
chuyện ở lớp 10B ngày ấy. Thằng Phú bị kiểm điểm vì đã gây ra chuyện nghi ngờ
trong lớp có kẻ ăn cắp, làm cho lớp tôi mất điểm thi đua trong học kỳ 1. Cuối
năm học, thằng Phú không đạt tiêu chuẩn "Đoàn viên 4 tốt”. Thế mà nó có vẻ
chẳng lo lắng, buồn phiền gì. Sau này chúng tôi mới biết việc nó đứng lên nhận
khuyết điểm trước lớp đã gây họa, làm oan cho thằng Thân là có một sự hy sinh,
đánh đổi của một người khác. Người đó chính là Linh. Linh đã đoán biết ngay là
thằng Thân là nạn nhân, bị ném đá giấu tay, vu oan giáo họa. Linh cũng biết cả
người đã ném đá giấu tay và lý do vì sao hắn làm như thế. Linh đã gặp Phú. Rồi
sau đó Linh đã nhận yêu nó. Sau khi thằng Phú nhận lỗi trước lớp, chịu hình
thức kỷ luật hình như Linh còn hiến dâng cho nó tất cả. Linh đã cứu danh dự cho
thằng Thân như thế đấy. Chẳng biết Linh làm như vậy là khôn hay dại.
Đám học sinh
cùng lớp, cùng trường, nhất là bọn học sinh thủ đô sơ tán về nông thôn có nhiều
đứa bảo là thằng Phú ngu, tự dưng lại giơ đầu chịu báng, nhận hết khuyết điểm
về mình một cách hoàn toàn tự giác như thế. Khi thằng Phú không đạt tiêu chuẩn
"Đoàn viên 4 tốt”, có người đẫ gặp để chia sẻ, an ủi nó. Họ không biết
thằng Phú làm như thế là nó đã "bắn một mũi tên trúng hai đích”. Nó đã có
được một người con gái đẹp. Điều quan trọng hơn là nó còn đạt được một mục đích
khác nữa mà bọn chúng tôi ngày ấy không một ai nghĩ tới.
Thằng phú có
một ông chú làm ở Bộ Tổng tham mưu quân đội. Ông này là cán bộ cấp cao, biết
được nhiều thông tin bí mật. Ông biết chuyện sẽ tổng động viên chuẩn bị cho
những chiến dịch lớn giải phóng hoàn toàn miền Nam. Là một người lính chiến,
ông càng hiểu rõ sự khốc liệt, chết chóc của chiến tranh. Thằng Phú là đứa con
của anh ruột ông, cũng là cháu đích tôn của dòng họ. Ông ấy tính đến chuyện an
toàn cho thằng cháu. Khi đi công tác qua Vĩnh Phú, ghé thăm anh trai và cháu ở
nơi sơ tán, ông đã bày cách để thằng Phú khỏi phải đi bộ đội. Việc thằng Phú
nhận khuyết điểm gây nên sự hàm oan cho bạn nên cuối năm học không đạt tiêu
chuẩn "Đoàn viên 4 tốt” lại là một cơ hội tốt. Thế là nó cũng không đủ
tiêu chuẩn đi bộ đội. Đi bộ đội đánh Mỹ ngày ấy chỉ ưu tiên cho những thanh
niên ưu tú mà thôi. Sau đó một thời gian ngắn nó chuyển trở về Hà Nội, làm lại
học bạ và đi học đại học, trong khi thằng Thân và tôi cũng chuẩn bị ra chiến
trường.
* *
*
Buổi trưa
hôm ấy tôi và thằng Thân đã nói với nhau rất nhiều chuyện. Chúng tôi nhớ về
ngày ấu thơ cùng nhau cắp sách tời trường, nhớ về kỷ niệm những đêm lửa trại
thanh niên, cả chuyện hai thằng trốn học đi bộ lên huyện xem phi công Mỹ bị bắt
sống tại núi Sáng. Bao nhiêu chuyện được nhắc lại nhưng tiệt nhiên không thấy
thằng Thân nói về chuyện của nó với Linh. Nó chỉ tặc lưỡi nói mấy cậy thị trên
đồi Ma mùa này ra quả xanh sai lắm, ánh mắt thì lại có vẻ xa xăm, thoáng buồn.
Lúc chia tay tôi thằng Thân bảo:
- Đơn vị tao
sắp đi rồi… Hẹn gặp mày ở quê sau ngày chiến thắng nhé!
- Ừ! Mày
cũng phải cố gắng mà rèn luyện. Trông mày nhỏ con, gầy yếu thế liệu có đủ sức
mà leo qua đỉnh Trường Sơn không đấy?
- Mày yên
tâm! Nhất định tao sẽ không bao giờ chịu lùi bước đâu.
Chúng tôi
chia tay nhau.
Sau ngày
miền Nam giải phóng tôi có gặp lại thằng Thân nhưng không phải tại quê hương
trung du của chúng tôi như lời hẹn ước ngày còn ở thao trường huấn luyện Thái
Nguyên. Thằng Thân đã không trở về quê sau ngày chiến thắng trong một mùa thị
chín như là lời nó đã hẹn với tôi…
Vào đến
chiến trường tôi và thằng Thân không gặp lại nhau lần nào nữa. Chúng tôi cũng
chẳng có thư từ gì cho nhau được vì đơn vị luôn luôn cơ động. Đơn vị của thằng
Thân tham gia nhiều chiến dịch từ Đà Nẵng đến Sài Gòn. Tôi thì ở một đơn vị dự
bị, luôn luôn di chuyển phía sau đội hình tác chiến, chuyên giải quyết hậu quả
các trận đánh. Vì thế có nhiều người vẫn nói đùa bảo chúng tôi là loại lính
chuyên "nhặt ống bơ”, thu chiến lợi phẩm.
Tôi gặp được
thằng Thân trong một tình huống không ngờ tới.
Đó là mấy
ngày sau ngày giải phóng Sài Gòn. Hôm ấy, tiểu đội của chúng tôi nhận nhiệm vụ
đến trạm phẫu tiền phương đưa đi mai táng một chiến sĩ vừa hy sinh do vết
thương quá nặng sau trận đánh ở Xuân Lộc. Chúng tôi đưa thi hài người chiến sĩ
ấy vào khu vực nghĩa trang của mặt trận. Ở đây đã có nhiều chiến sĩ hy sinh
trong trận đánh để công phá Xuân Lộc- "cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn. Sau
khi chôn cất người lính vừa hy sinh xong, chúng tôi chia nhau nắm hương đi cắm
trên các nấm mộ những anh em chôn trước xung quanh ngôi mộ mới. Đến một nấm mộ
còn tươi màu đất tôi chợt trố mắt khi nhìn thấy dòng chữ viết bằng sơn đen trên
tấm bia tạm làm bằng gỗ: "Hà
Văn Thân, sinh năm 1956, quê quán Lập Thạch, Vĩnh Phú, hy sinh ngày 29-4-1975”.
Đúng là thằng Thân bạn của tôi rồi. Tôi thấy tim mình nhói lên, cổ đắng ngắt.
Khổ thân mày quá Thân ơi, sao mày lại nằm ở cái nơi xa quê này. Tôi gần như
khụy xuống. Tôi lập cập cắm mấy nén nhang lên nấm đất còn mới. Tôi cứ ngồi vốc
từng nắm đất đắp thêm lên mộ thằng Thân cho đến khi mấy anh em giục mãi mới
loạng choạng đứng dậy. Sau này trước khi trở về Bắc, tôi còn cố đến thăm thằng
Thân thêm một lần nữa. Thằng Thân hy sinh chỉ trước ngày toàn thắng một ngày.
Nó đã chiến đấu rất dũng cảm. Nó ngã xuống khi dùng thân mình che đạn cho một
thương binh.
Sau này
thằng Thân cũng được trở về quê hương vào một mùa thị chín sau hơn hai mươi năm
ra đi. Nó nằm trong nghĩa trang liệt sĩ. Cạnh nghĩa trang liệt sĩ có một cây
thị già. Cái cây có lẽ phải đến trăm tuổi, năm nào cũng sai hoa, lắm quả. Mùa
thị chín hương thị bay thơm ngan ngát khắp cả khu nghĩa trang.
Một lần về
quê, tôi gặp cái Thu, lớp trưởng 10B ngày nào. Thu đang học trường cao đẳng sư
phạm tỉnh. Thủ kể lại chuyện sau khi tôi và Thân nhập ngũ, các bạn học sinh Hà
Nội sơ tán lên cũng chuyển về thủ đô. Thằng Phú và Linh đều trúng tuyển đại
học. Khi hai người cưới nhau, Linh có gửi một cái thiếp mời về nơi sơ tán cho
lớp trưởng Thu nhờ báo tin cho các bạn. Nhưng Thu cũng không đi Hà Nội dự đám
cưới của họ được.
Khi chiến
tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng, đơn vị tôi hành quân lên tuyến trước.
Khi chiến tranh nổ ra tôi có gặp lại thầy giáo chủ nhiệm lớp 10B tại mặt trận.
Thầy đã chiến đấu và hy sinh rất dũng cảm. Tôi đã viết một truyện ngắn về thầy.
Đó là cái truyện ngắn "Thầy ơi” đăng trên báo Văn nghệ Trẻ. Những lần sau
về quê, bạn học cũ chẳng mấy khi gặp lại. Mỗi người giờ đã ở một phương trời,
có rất ít thông tin về nhau. Riêng các học sinh Hà Nội sơ tán lên quê tôi thời
chiến tranh chống Mỹ thì chả gặp lại ai cho đến khi gặp Linh ngoài chợ rau
ngoại thành.
* *
*
Một ngày
nghỉ, theo địa chỉ Linh dặn, tôi tìm đến nhà của Linh và Phú.
Đi đến cuối
cái ngõ nhỏ ngoằn nghoèo, tôi tới một ngôi nhà nhỏ hai tầng cũ kỹ ở cuối con
đường. Ngày xưa thấy bọn học sinh thành phố về quê quần áo bảnh bao cứ nghĩ là
họ sống khá giả lắm. Nhưng thành phố cũng có những vùng ngoại ô giống như nông
thôn thế này.
Linh mở cổng
đón tôi. Cô đưa tôi vào nhà đến bên một ngoài đàn ông đang ngồi trên một chiếc
xe lăn. Người đàn ông nghểnh cổ lên nhìn khách. Đoạn, ông ta ú ớ mãi mà không
thốt lên thành tiếng. Riêng tôi thì do biết trước nên tôi nhận ngay ra đó chính
là thằng Phú của gần bốn mươi năm trước. Tôi nói:
- Nhận ra
tao không hả Phú? Tao là Hà… thằng Hà "nghiện sách” của lớp 10B đây!
- Nhận… nhận
ra rồi!- Phú cũng reo lên mừng rỡ.
- Sao mày
lại… bị như thế này hả?
Tôi nắm tay
thằng Phú hỏi, nó im lặng không trả lời.
Linh rót cốc
nước lọc mời tôi. Phú bảo vợ:
- Có gói
càphê Ban Mê Thuột hôm qua bà tổ trưởng dân phố mới cho đấy, pha mời anh Hà…
- Thôi… tôi
uống nước lọc cũng được!
Tôi ngồi
xuống cái ghế. Thằng Phú lăn cái xe đến cạnh ghế của tôi. Ba chúng tôi cùng
ngồi ôn lại quãng đời học sinh xa xưa. Qua câu chuyện của Phú và Linh, chắp nối
thông tin lại tôi hiểu được phần nào về chuyện của hai người bạn cũ.
Ngày ấy, khi
tôi và thằng Thân đi bộ đội thì Linh và Phú trở về Hà Nội và cùng vào trường
đại học bách khoa. Tốt nghiệp ra trường cả hai đều nhận công tác tại Hà Nội.
Phú đã lên đến chức trưởng phòng của một bộ lớn. Tai họa xảy ra với Phú khi nó
bị tai nạn sáu năm trước đây. Hôm đó trời mưa to, gió lớn nó đi làm về muộn.
Hôm ấy nó được thông báo ngày hôm sau lên gặp lãnh đạo bộ để nhận quyết định bổ
nhiệm chức cục phó. Nó rời cơ quan rất muộn. Đang phóng xe máy trên đường thì
nó bị một cái cây gãy đổ xuống trúng người. May mà không chết. Nó bị chấn
thương cột sống nặng nằm liệt giường tại bệnh viện cả năm trời. Hai vợ chồng đã
phải bán căn nhà mặt phố ở trung tâm để lấy tiền chạy chữa. Thế là con đường
công danh của nó đang lên như diều thì bị đứt phựt. Hai thằng con trai thì một
thằng lại vướng vào chuyện ăn chơi, nghiện hút, nhà có thứ gì bán được đều tìm
cách lấy trộm đem bán. Khi nhà hết của thì nó đi ăn trộm của hàng xóm phải đưa
vào trại cải tạo và cai nghiện. Linh phải xin nghỉ hưu non trước mấy năm để
chăm sóc chồng. Họ chuyển nhà ra ngoại thành ở. Linh thả đám rau muống ở cái ao
gần nhà thỉnh thoảng cắt gánh ra chợ bán kiếm thêm tiền mua thức ăn cho chồng.
Phú thì suốt ngày ngồi trên xe lăn trông nhà. May mà gần đây bà tổ trưởng dân
phố kiếm được cái nghề làm hoa giả, hoa lụa bảo nó tham gia cùng làm với các
anh chị trong tổ hưu cho vui. Nó cũng có thêm chút thu nhập và một niềm vui.
Tôi tìm lời
động viên chia sẻ với vợ chồng Phú-Linh hứa sẽ thường xuyên đến thăm hai người.
Căn hộ chung cư của tôi cũng không xa ngôi nhà của họ lắm. Khi thấy tôi có ý
muốn về Linh đứng dậy bảo:
- Anh đi theo em!- Linh nói rồi leo lên cầu thang. Tôi ngơ ngác hỏi lại:
- Anh đi theo em!- Linh nói rồi leo lên cầu thang. Tôi ngơ ngác hỏi lại:
- Đi đâu
vậy?
Phú cũng
bảo:
- Thì ông cứ
đi theo Linh khắc biết!
Tôi đắn đo
nhưng cũng theo Linh lên gác.
Vừa lên đến
tầng hai tôi đã ngửi thấy mùi hương thị chín thơm ngát.
Linh đưa tôi
đến trước cái bàn thờ ở giữa gian nhà. Tôi nhìn thấy ảnh của hai ông bà già
treo chính giữa bàn thờ. Tôi nhận ra đó là ảnh bố mẹ của Phú mặc dù khi cùng cơ
quan sơ tán về quê tôi họ trẻ hơn trong ảnh rất nhiều. Khi Linh đang bật lửa
đốt mấy nén hương thì tôi lại giật mình nhận ra một bức ảnh nhỏ bằng bàn tay
trong một cái khung bé xíu đặt ở bên phải bàn thờ ngay phía sau cái đĩa có một
quả thị chín vàng ươm. Đó là ảnh của thằng Thân. Thì ra Phú và Linh thờ thằng
Thân cùng bố mẹ mình.
Tôi cắm mấy nén hương vào bát nhang.
Tôi cắm mấy nén hương vào bát nhang.
Mùi hương
thơm và mùi thị chín quyện vào nhau có mùi thơm rất lạ, rất khác.
Hương thị
thơm khiến tôi thấy nhớ quê hương da riết với bao kỷ niệm ngày xưa một thời
tuổi trẻ ồn ào, nông nổi.
Vậy là đã
lại đến một mùa thu…
Hà
Nội, tháng 10-2011
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật lại- ngày 15/9/2015
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 02.5.2012Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
___________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét