Truyện ngắn Trạch An Trần Hữu Hội (Cập nhật lại)
Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015
Lận đận!
– Truyện ngắn Trạch An Trần Hữu Hội (Ninh Thuận/SG)
Thứ
Sáu - 02/08/2013 13:21
Toán
cầm một triệu đi về, còn đổi mấy tấm vé, gởi cho kịp con đi thực tập. Vọng ngồi
ngẫm nghĩ vẩn vơ đời của hắn mà chạnh lòng. Nói rằng khổ lắm, khổ đến cùng tận
thì chưa đến nỗi, nhưng cứ lận đận cơm áo gạo tiền thì hắn là kẻ điển hình nhất
trong đám bạn bè cùng lứa của Vọng.
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Trạch An Trần Hữu Hội
Họ tên Trần Hữu Hội
Sinh 1955. Tại An Lưu, Quảng Trị.
Thường trú trước 2015: Ninh Sơn, Ninh Thuận
Nơi ở và viết hiện nay: TP. Sài Gòn
Email: trachan555@yahoo.com.vn
_____
Toán vừa bước vào nhà Vọng, vừa
móc túi lôi ra mấy tờ vé số, ném mạnh xuống bàn:
-
Chán thiệt, Chúa lúc nào cũng nặng tai mà nhẹ tay!
-
Sao, chuyện gì mà lại có Chúa ở đây?
-
Thì còn ai ngoài “Ngài” nữa! Con nó đi thực tập, gọi về xin tiền, gom cả nhà
được trăm mốt, chừa năm chục mua bún mai vợ bán vài tô kiếm tiền qua ngày, còn
lại tớ mua sáu tấm vé. Hai vợ chồng cầu nguyện suốt đêm, chiều lại dò, nó trúng
giải tám, không được một phần ba số tiền
con nó cần! Mình có ham gì nhiều, thêm cho mình một hai số, thừa thừa ra chút,
đưa mẹ nó đi cắt cái trĩ, càng ngày càng lòi ra, thấy nó nhăn nhó mà xót ruột!
Cái bao tử mình nó cũng hành, đau mình ráng chịu được, nó có ung thì cũng kệ mẹ
nó, nhưng thấy vợ con vậy thương không chịu được! Không lẽ còn hai mẫu đất mà
bán luôn thì lấy gì ăn!
-
Từ tốn, ngồi xuống đi, giải tám còn hơn không có giải nào à?
-
Thì biết là vậy nhưng mà mình hy vọng mãi, cầu xin mãi, bao năm nay rồi! Với lại nếu không trúng thì chấp nhận,
xem như “ Ngài” chưa nghe, còn hy vọng, đằng này chứng tỏ có nghe, nhưng nghe
nhỏ, giờ thì vô phương!
Vọng
phì cười:
-
Nó xin bao nhiêu?
-
Triệu rưởi, tiền xe và ăn ở một tháng!
Vốn
thân tình, là bạn từ thời học trung học đệ nhất cấp, rồi về sống cùng trong một
địa phương. Qua cái thời kỳ độc thân sau 75, Toán lại muộn màng chuyện vợ con,
gần bốn mươi tuổi mới lấy vợ. Hoàn cảnh Toán thật bi đát, dù làm thì cật lực
không ai bằng, người càng ngày càng gầy ra, xui xẻo cái số mệnh! Người ta trúng
mía cả thì hắn mất mùa riêng , lúc được mùa chung thì giá tụt xuống dưới đáy,
lỗ công chặt! Bét gì hai ba mùa người ta cũng trúng được một mùa, mà trúng được
là thanh toán ngân hàng, nần nợ, còn xây được cái nhà! Có người chỉ năm sào
thôi, mà cũng ấm cũng êm, ung dung, cứ “sáng ngậm đắng chiều nuốt cay” (Sáng cà
phê chiều uống rượu). Ai như hắn! Từ năm mẫu đất, bán hết ba mẫu trả nợ, rồi
chia ra làm một mẫu mì một mẫu mía, gọi là “mất cái này được cái kia”, cũng
trật lất. Nợ ngân hàng cứ chồng lên, mà con thì đứa đầu đang học Cao Đẳng, giờ
mới đi thực tập, còn ba đứa, đang nằm trong các lớp phổ thông!
- Thôi
thì xem như có tiền cho con đi thực tập rồi. Tao bù, cho mày mượn một triệu nữa
là được chứ gì?
-
Mẹ kiếp, lại bám thằng “cà rem!”.
Hắn
vừa thờ dài vừa buông người xuống ghế, một tay ấn ấn cái bao tử, có lẻ đang đau, một tay che mũi. Một chiếc xe chở mía chạy ngang
qua nhà Vọng, con đường nhựa đang đi được, có dự án cày để làm lại, thế rồi dở
dang ba năm nay, bụi mù trời!
oOo
Toán
gọi Vọng là thằng “cà rem” vì Vọng cũng tã tơi, nghèo, lại bị đột quy liệt mất
một tay! May mắn là trời cho vợ con sớm hơn chút, cũng bốn đứa con nhưng lớn cả
rồi, giờ thì con đã đi làm, tháng năm vất vả rồi cũng qua, không còn lo lắng,
có thiếu thốn chút ít thì mấy đứa con bù đắp, dù không dư nhưng cũng ít thiếu.
Những lúc kẹt tiền công cán, phân tro, hắn lại tới Vọng, khi có khi không,
nhưng được cái là sẵn lòng. Có lần Vọng sửa lại cái nhà, chẩn bị khởi công thì hắn kẹt tiền thuê
xe cày đất trồng mía:
- Bao
nhiêu mầy?
-
Bảy triệu!
-
Chắc chịu quá!
Nói
thế nhưng trong lòng không yên, Vọng lại hỏi:
-
Bao lâu mày có, hai tháng kịp không?
- Nếu
không kịp cho mày thì tao bán lúa non!
Biết
tính hắn, Tự trọng và Tự ái thì hắn nhất ! Tiền công thợ thường thì xong nhà
mới cần,Vọng đưa cho hắn bảy triệu. Đến ngày xong nhà, thấy hắn chạy bán lúa
non, giá rẻ quá sức tưởng tượng, Vọng nóng mặt không cho bán, tự tay cầm sổ đỏ
lên ngân hàng, vay bù vào chờ đến lúc gặt! Lúa thì tàm tạm, còn hy vọng vào
mía.
Được
mùa cho cam, mía vụ này cũng chẳng ra gì!
oOo
Toán
cầm một triệu đi về, còn đổi mấy tấm vé, gởi cho kịp con đi thực tập. Vọng ngồi
ngẫm nghĩ vẩn vơ đời của hắn mà chạnh lòng. Nói rằng khổ lắm, khổ đến cùng tận
thì chưa đến nỗi, nhưng cứ lận đận cơm áo gạo tiền thì hắn là kẻ điển hình nhất
trong đám bạn bè cùng lứa của Vọng.
Ngày
hắn ở Quy Nhơn ra học ở Quảng Trị. Nổi nhất lớp vì nhìn qua là biết con nhà
giàu. Từ ăn mặc đến cách tiêu tiền, tuy mới học lớp bảy nhưng hắn chững chạc
hơn Vọng và bạn cùng lớp, mặt mày lại dễ coi… Cũng từ cái chổ ấy mà hắn bị dập
một trận tơi bời trong nhà chơi của trường. Vọng đứng ra can ngăn dù khá muộn,
mặt hắn đã bê bết máu! Từ đó thân nhau.
Năm
72 loạn lạc, hắn được vào học trường tư thục Việt Anh Đà Lạt. Trong khi đó,
Vọng chuyển hết trại tạm cư này đến trại tạm cư khác, trường này chuyển qua
trường khác, tỉnh này chuyển qua tỉnh khác! Những năm gần đây, tuổi xế chiều,
cái phong trào họp lớp, họp trường rộ lên… Vọng, nếu đi cho đủ đầy thì cũng
chục lớp, chục trường, dù chỉ bảy năm
học trung học!
Dạo
thi tú tài II, năm đó thi Trắc Nghiệm, máy IBM chấm thế nào lọt hết vài ngàn
bài thi. Bạn bè học trường tạm cư, có thầy kiêm tới ba môn, học bạ phải thuê
Giáo sư các trường công lập ký thay cho hợp lệ, vậy mà cũng có tên, còn hắn thì
không! Ức quá, hắn cạo trọc đầu, học miệt mài thi lại kỳ hai. Vọng quá ngạc
nhiên là vì biết hắn học không thua ai, dân ban B có hạng.
Ngày
gần thi lại, có kết quả bổ sung, trường gởi danh sách về tận nhà, tên hắn nằm
hạng “Bình”! sau “Tối ưu” và “Ưu”! Điểm Toán – Lý - Hóa cao chót vót!
Mơ
ước từ lâu được vào trường Võ Bị Dalat, hình ảnh hào hùng và huyền sử “Rút gươm
tuyên thệ trên đỉnh Lang Biam”, mộng “Tang bồng hồ thỉ”, quyến rũ hắn từ những
ngày theo học tại đây. Không ghi danh hay thi vào trưòng đại học nào, hắn thi
vào Trường Võ Bị. Điểm thì cao nhưng người hắn thì thấp, cởi giày đứng lên đo,
hắn thiếu tới ba phân! Nhiều người cho biết trước nhưng hắn không tin!
Hắn
bị bạn bè cười, tặng cho cái tên là “Người hùng thước mốt” (1m10!)! Nói cho
luôn vần thế, chứ hắn cũng tới một thước năm bảy (1m57)
Với
cái chiều cao ấy, Trường Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia cũng chê, chỉ có trường Bộ
Binh Thủ Đức chờ đón hắn vào! Nhưng chưa kịp mãn khóa, tháng 4/1975 ập đến, hắn
đi cải tạo chung với Sĩ Quan, hai năm!
oOo
Thà
là dốt nát không biết tính toán làm ăn và lười nhác chi cho cam. Đằng này, hắn
kế hoạch lắm, siêng năng ít ai bằng, có lần ghé thăm cái rẫy của hắn, Vọng phục
cái cần cù, rẫy sạch và ngăn nắp như nhà mới xây! Người xưa nói: Nhất nước, nhì
phân, tam cần, tứ giống… Hắn đủ cả bốn yếu tố này nhưng vẫn trật!
Không
rầu sao được, có lần mía lên cao đẹp ơi là đẹp… Mùa này mà thu hoạch thì chắc
chắn ngon lành. Tội nghiệp vợ và mấy đứa con hắn, gì chứ cái TiVi “ nội địa”
lem nhem hình ảnh, lúc có hình lúc không, lần này phải thay. Làm lại cái nhà
trên chứ từ ngày ông nội mất, xập xệ đến không muốn bạn bè ghé thăm, bộ ghế bàn
cũ rích từ thời não thời nao, vẹc-ny tróc hết, người ta thì Salon nệm láng tưng,
ngồi êm ái… Còn nữa, chiếc xe Trung Quốc cũ mèm hư lên hư xuống, hết “đề” được,
sáng ra đi rẫy, đạp xặc xừ, ống “bô” bễ, nổ bôm bốp như súng máy! Thay tuốt,
hắn cũng nghĩ vậy.
Đám
mía bắt đầu khô lá, ngày chặt cũng gần kề… Chạy vạy đăng ký nhà máy đường lên
lịch cho xe chở… Nhà máy thì còn đỡ tốn đỡ hao, cái anh tài xế và đám bốc vác
mới hao nặng. Ăn sáng, ăn lỡ, ăn trưa, ăn chiều... bữa nào bét cũng vài trăm!
Thuê công chặt cũng khó khăn vì tới mùa thu hoạch, vậy mà có người hứa chặt cho,
đâu vào đó rồi, còn vài hôm nữa thì chặt. Ác tăng cái thằng mất dạy nào vứt cái
tàn thuốc ngay bờ ranh, hay cái gì đó không biết, cũng không loại trừ cái
chuyện buồn tay thì đốt chơi! Cháy sạch sành sanh, hai đám, có ông Phú bên cạnh
cũng vạ lây. Mà cũng chưa biết ai lây ai, đám nào cháy trước đám nào cháy sau.
Khi cả hai chạy trối chết trong đêm, vấp té lên té xuống, vào tới nơi thì chỉ
đứng nhìn mà khóc chớ làm gì được, gió thổi lửa lên cao ngút trời! Vợ và mấy
đứa con khóc to nhất! Tiền công chặt cao hơn vì chặt mía cháy rất cực.
Tại
nhà máy, nhân viên nhà máy lấy mẫu vô phòng "thí nghiệm"đo độ đường,
“phù phép” thế nào mà chữ đường giảm hơn một nửa, năn nỉ lấy lại mẫu khác, rút
ba cây khác, gặp ngay cái nhìn lạnh tanh, lỗ te tua!
Thì
làm lại và hy vọng mùa tới. Hắn lại cật lực, nhưng rồi chị vợ bấy lâu gánh bún
loay xoay cũng có đồng ra đồng vào, thế mà khi người ta tráng "bê
tông" con đường chạy dọc thôn, đường sạch đẹp thì hàng quán lại mọc lên,
nông dân lâu nay quen ngồi chồm hổm bên cái gánh, nay cũng ưng kéo cái ghế,
ngồi lau đũa lau bát, tán dốc dăm câu cùng ai đó, ăn tô bún, rồi đi ra miệng
ngậm cái tăm, ta đây đi ăn sáng về, ăn quán hẳn hoi!
Hắn
cũng muốn xây cái quán, nhưng xập xệ thì không ai vào, mà làm kha khá, trông
được một chút là phải nói tới chục triệu trở lên, tiền đâu mà xây, vậy là cứ
cái gánh! Gần năm nay, hậu môn lại ra máu, ngồi chồm hổm cũng đau, mà ngồi ghế
cũng đau, vợ hắn xanh xao hẳn!
Rồi
hắn cũng xanh xao. Hàm răng chục năm nay sâu ăn hư mấy cái răng cấm, nhổ thì qua
trạm xá nhổ miễn phí, mấy lần nhổ, hết mấy cái răng quan trọng, gọi là mất sức
nhai! Thôi thì trệu trạo nuốt đại cũng xong, nhưng mà không xong, dạo này cái
bao tử nó nhoi nhói rồi đau thiệt tình, có khi đau quá hắn muốn văng tục!
Không
biết đến khi nào cái lận đận mới qua. Ngay trong đám bạn cùng lứa, có người
trúng số đặc biệt tới hai lần, một lần mấy tấm! Còn hắn, vụng đường tu chăng?!
oOo
Lâu
nay, khi cái tuổi ngũ thập qua vài năm, Vọng hay ngẫm nghĩ vẩn vơ về cái may
cái rủi, cái số cái phần, nghĩ hoài mà chẳng "Tri" được cái
"Thiên mệnh"!
Cứ
xét như giữa hai người, Vọng và Toán thôi, tuổi thì cùng một tuổi Ất Mùi như
nhau. "Cung, Mạng" thế nào mà hai đứa lại có cuộc đời khác nhau?!
Vọng thì làm không bằng một nửa hắn, vậy mà không đến phải khốn khó như bạn.
Hồi
đi học, cũng có học được cái môn "Triết học". Đọc được dăm đều về môn
này, Đông có Tây có. Khi thì thấy ông này đúng, đến xem ông kia thì thấy cũng
gần đúng...
Vọng
mỉm cười, cười câu "Ngũ Thập tri Thiên Mệnh"!
Rồi
hoang mang với câu "Thiên cơ bất khả lậu"!
Lẩn
quẩn hoài, Vọng buông một câu:
-
Ối dào, chả biết đâu mà lần!!!
Ninh Thuận, 02 tháng VIII năm
2013
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập
nhật lại- ngày 26/09/2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Thuân ngày 02/08/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Những
tờ đơn ly hôn…– Truyện ngắn Trạch An Trần Hữu Hội (Ninh Thuận/SG)
Thứ
ba - 09/07/2013 13:21
Ngồi
trong căn phòng tập thể dành cho giáo viên độc thân của trường, Khiên trầm ngâm
nhìn ra ngoài hiên, chén nước trà vẫn còn nóng, hờ hững đưa lên môi nhấp một ngụm, anh tằng hắng rồi bổng như ý thức ra cái thực
tại: Mình đang cô đơn, nhưng là một cảm giác cô đơn dễ chịu, pha chút thanh
thản, yên bình, vào cái tuổi năm mươi lăm!
Tác giả Trạch An Trần Hữu Hội
Họ tên Trần Hữu Hội
Sinh 1955. Tại An Lưu, Quảng Trị.
Thường trú trước 2015: Ninh Sơn, Ninh Thuận
Nơi ở và viết hiện nay: TP. Sài Gòn
Email: trachan555@yahoo.com.vn
_____
Ngồi trong căn phòng tập thể dành cho giáo viên độc thân của trường,
Khiên trầm ngâm nhìn ra ngoài hiên, chén nước trà vẫn còn nóng, hờ hững đưa lên môi nhấp một ngụm, anh tằng hắng rồi bổng như ý thức ra cái thực tại:
Mình đang cô đơn, nhưng là một cảm giác cô đơn dễ chịu, pha chút thanh thản,
yên bình, vào cái tuổi năm mươi lăm!
Muộn màng duyên nợ. Khiên học Đại học sư phạm Huế, ra trường, anh xin
vào Nam, về dạy môn Sinh cấp 3 tới chín năm nơi cái trường cấp 2 và 3 này, anh
mới lập gia đình. Chị cũng là giáo viên, nhưng là giáo viên cấp 1. Hiệu trưởng
Thành thấy anh một thân một mình, tuổi cũng đã lớn nên mai mối…
Ngày cưới nhau, anh Khiên ba mươi mốt tuổi, còn chị kém anh năm tuổi,
hai mươi sáu.
oOo
Chuyện mai mối của thầy hiệu trưởng Thành chưa chắc đã có kết quả nếu cô
Tuyến không chủ động… Bởi lúc này Khiên cũng đang có một giáo viên cùng bộ môn,
mới ra trường ba năm, mến cái hiền của Khiên. Nghiệt cái là cô Lành cũng là
người kín đáo, cả trường không ai hay biết gì về tình cảm mới chớm trong lòng
họ!
Là một người chân chất, Khiên không đẹp trai nhưng thuộc loại nhìn được,
anh cao ráo, vừa người, hiền và ít nói. Ngay sau khi thầy Thành giới thiệu hai
người với nhau, cô Tuyến thân mật như đã
yêu nhau từ lâu. Nào ghé nhà tập thể, nào mua trái cây, nào đi chợ và làm bếp
giúp… Những chiêu trò “phổ thông”, cho Khiên cảm tưởng đây chính là “môt người
vợ hiền ngoan”.
Nhưng ngoạn mục nhất là chiêu chót, với chiêu này, cô Tuyến hạ gục một
lúc cả cô Lành và thầy Khiên, đạt mục đích thật nhanh chóng!
Tối hôm đó có chiếu phim ở sân bóng xã. Nghe thông báo là thanh niên nam
nữ trong xã xôn xao! Nghe cái tên phim
cũng đã thấy lãng mạn: “Xô- nát bên hồ”! Thời này, mọi người đều khát khao một
đêm giải trí! Một dịp hẹn hò…
Cô Tuyến đến nhà tập thể để rủ
Khiên đi xem phim, đã thấy Lành ở đó!
Lành trẻ và đẹp hơn hẳn Tuyến! Khiên vui vẻ, vô tình, mời cả hai đi coi phim!
Hai cô gái cũng chị chị em em thật lịch sự. Phim hay và lãng mạn. Nỗi khát khao
của tuổi trẻ với nghệ thuật phim ảnh làm cả sân bãi im phăng phắc, chỉ còn
tiếng thuyết minh lập bập, câu trước lộn ra câu sau, nhưng họ vẫn hiểu được mạch phim. Đúng vào
lúc cảnh phim hai người dang thong thả bơi thuyền trên hồ… Tuyến mượn chiếc bấm
móng tay của Khiên. Đang mê mải theo dõi phim, Khiên móc túi đưa cho Tuyến.
Phim hết, mọi người trầm trồ tiếc rẻ, cả hai người, Khiên và Lành không
thấy Tuyến đâu, tưởng là Tuyến đã về nhà cô ấy trước vì có việc gì đó.
Có thể cái lãng mạn trong phim làm Lành mạnh dạn thêm một chút, cô cùng
Khiên về nhà Tập thể. Cửa khép nhưng không khóa và có đèn! Khiên đẩy cửa, trố
mắt, còn Lành thì hét lên thất thanh rồi chạy ngược trở ra đường!
Tuyến nằm gần như trần truồng với tấm đắp mỏng, đắp ngang phần giữa
thân, như đang ngủ, da thịt của phần còn lại lồ lộ dưới ngọn đèn điện!
Lành vừa chạy vừa khóc. “Thì ra anh chàng Khiên này không vừa! Con gái
vào nằm trong phòng tự nhiên như thế thì chắc cũng đã lắm lần, lắm cô! Lại có
cả chìa khóa phòng nữa chứ!”
Tuyến vờ như hốt hoảng, cô kéo chăn lên cao một chút, phần ngực và hai
đùi vẫn lồ lộ trước mắt Khiên.
- Ôi, Thầy về rồi à… Đang xem phim em tự
nhiên chóng mặt, mượn chìa khóa về phòng thầy định nằm một lúc, rồi ngủ quên!
- Cô Tuyến có sao không, tôi chở cô về nhà nhé?
- Em nhức đầu, người nóng lắm! Đây này, thầy xem, thầy xem…
Tuyến cầm tay Khiên đặt lên trán, lên bụng và ngực, rồi vòng tay ôm
ngang lưng Khiên. Người Khiên cũng nóng ran, hơi thở anh dồn dập, mùi thơm da
thịt của Tuyến đưa anh chơi vơi trong nổi thèm muốn khát khao… Anh mơ hồ nhớ đến
một cảm giác như thế từ rất lâu… Hồi ở quê, khi anh học cấp hai, chơi trốn tìm
với cô bạn cùng xóm, vô tình tay anh chạm vào ngực, cả hai ngây ngất nơi đống
rơm sau nhà. Lần đó anh còn bé dại, chỉ là cảm xúc của sự gần gũi khác giống
phái. Bây giờ, ba mươi mốt tuổi, với nổi rạo rực của thằng đàn ông, anh không
cần gì phải kìm giữ…
Nhưng lần đó, đêm đó, lại đem đến cho anh nổi hối hận dày vò hai mươi
bốn năm!
Ông trời cho Khiên cái trí nhớ không bền, hay tại anh cũng không muốn
lưu lại trong ký ức những nỗi đắng xót của mười mấy năm đầu sống đời hôn nhân
với Tuyến. Khi anh thấy cuộc hôn nhân càng ngày càng tệ hại. Cách suy nghĩ,
cách cư xử, lời ăn tiếng nói của Tuyến… Hôn nhân trở thành một sự đọa đày!
Năm tháng qua dần, khi anh mất hết kiên nhẫn để chịu dựng, có ý định ly
hôn thì đã hai đứa con! Trai đầu mười tuổi và bé gái bảy tuổi! Chính chúng là
niềm vui, hạnh phúc và hy vọng… mà anh có được trong cuộc hôn nhân này!
oOo
- Ôi trời ơi, hơn mười một giờ rồi mà ông còn ngồi xem “phim séc” à?
Tôi họp hội đồng giờ mới xong mà ông không chợ không búa thì trưa nay ăn cái
gì? Đàn ông người ta sao hay ho, đàn ông mình thật chán hết chổ nói, ai đời đi
dạy hơn hai chục năm mà chỉ được cái
chức tổ trưởng bộ môn. Thật xấu hổ!
Cô Tuyến túm sợi dây điện giựt một phát, chiếc máy vi tính tắt phụp, ba
cái đề thi học kỳ hai của khối 10, 11, 12 anh soạn cả buổi sáng chưa kịp
“save”, biến luôn!
Cô Tuyến lên chức thật nhanh, mới ngày nào chân ướt chân ráo từ ngoài
Nghệ An vào với cái bằng 9+1, Hai đợt học Bổ túc và Đại học từ xa, cô đã có
bằng Đại Học, mức lương cao hơn Khiên nhờ chức vụ, cô làm Hiệu Trưởng trường
phổ thông cơ sở mười hai năm nay rồi! Đang mon men cái chức phó phòng Giáo Dục! Cô thường đi họp với lão Tân, Thường trực huyện, có khi gần sáng mới về đến
nhà!
- Dạy với dỗ, ngày nhà giáo mà chẵng ai thèm quan tâm cho cục xà bông
đừng nói chi đến cái áo sơ mi! Không có tôi thì cái nhà này chết đói!
- Đi dạy không xong thì làm kinh doanh buôn bán đi cho vợ con nhờ. Thằng
Thạnh không có chữ đui nào, học không hết lớp ba mà buôn gỗ giàu có, xe này xế nọ. Con vợ cứ
phổng phao càng ngày càng trẻ đẹp… Ông không nhìn qua cho tui nhờ!
Không biết họp Hội đồng sáng nay có chuyện gì không! Nhưng những khi
không họp, cũng đều thế cả… Về nhà thấy
chồng là la hét!
Hôm nay thứ năm, sáng nay anh đã đưa hai con về ngoại từ sớm, tranh thủ
ra đề thi.
- Hai đứa về ngoại rồi, ăn tạm cái gì cũng được mà!
- Ăn tạm, ăn tạm cái gì là cái gì? Tui mệt ăn không nổi. Kiểm tra với
kiểm trẻ, phòng với phiếc, cứ quay như con vụ… Anh đi mua cho tôi bát phở!
Khiên mặc áo, dắt xe đi…
oOo
Chuyện chức quyền của Khiên kể ra cũng chậm thiệt! Bản tính anh không
biết nịnh nọt, không ngang bướng nhưng lại chuộng cái trung thực. Cái cửa thăng
quan tiến chức là phải đảng viên mà anh cứ cảm tình đảng hoài, không kết nạp
được. Nghe đâu khi về địa phương của anh
sưu tra lý lịch. Cán bộ địa phương cho biết cha anh ngày xưa là Việt gian, đi
dạy cho Tây. Gia đình có hai anh là lính
ngụy chết trận!
Khiên nhớ tới chuyện của bố mà ngày còn bé anh thường nghe kể. Ông đánh
thằng Tây Thanh tra sở học chánh khi hắn về thanh tra trường, thấy một giáo
viên bệnh, gục mặt xuống bàn, hắn cho là ngủ gục rồi mắng: “Các anh là một lũ
heo, chỉ ăn và ngủ!”.
Đập thằng Tây xong ông trốn lên Ba Lòng theo Việt Minh. Cái cung cách
nhà giáo làm ông không sống nỗi. Bị cho là Trí thức tiểu tư sản, phê bình kiểm
thảo thường xuyên… Ông bỏ về lại, bị lính Tây bắt, đập dập phổi, nằm nhà lao
hai năm! Chứng hen suyển theo ông cho đến khi chết. Ngày ông mất, Khiên học
lớp sáu, lớp đầu bậc trung học!
Giáo viên toàn trường đều mến anh, học sinh nào cũng quý cũng thương… Khiên vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi kiến thức, lại tận tình.
20 tháng 11 hằng năm, từ cái thời bao cấp, còn độc thân, các em đến thăm
mang theo quà, khi thì bột ngọt, khi thì mét vãi… Anh đều bắt đem về, không
nhận:
- Nhà em nào cũng khổ, đem về, thầy một thân
một mình, có tiêu chuẩn rồi… Em nào thương thì cho thầy chậu bông, cây hoa…thầy
chưng cho vui mắt, vậy là thầy vui rồi!
Buôn bán! Những ngày kham khổ vì đã lập gia đình, bao nhiêu đêm anh trằn
trọc với ý nghỉ bỏ nghề dạy học, đi buôn gỗ lậu như nhiều người. Nhưng cứ nhớ
tới cái cảnh lén lút, bắt bớ, đối đầu với Quản lý thị trường, Thuế vụ, Kiểm
lâm… anh ngao ngán! Họ ngang ngược và hách dịch quá anh không chịu nổi! Có thầy
vừa dạy, vừa buôn gỗ, giàu lên trông thấy. Cũng nhờ cái “mác” Giáo viên, họ năn
nỉ ỉ ôi, anh không làm được!
Thời bao cấp qua, anh mua cái máy vi tính, mở cái photocopy. Nào ngờ
Công An hoạnh họe ngày đêm. Anh đâu biết in ấn là thuộc quản lý của an ninh!
Chịu nhục nuốt giận, khi cho năm chục ngàn, khi cho trăm ngàn… Gắng gổ vì vốn
mua máy móc còn mắc nợ! Khi nhà trường bắt đầu in ấn các đề thi, bài tập, tài
liệu, giáo án… Anh mừng thầm .
Nhưng cái gì cũng có phe có cánh. Thầy Toản phụ trách Công đoàn trường
mua ngay cái máy “photo” mới cứng! In nhanh và đẹp, in luôn cả tài liệu thu nhỏ
cho học sinh quay cóp! Vợ thầy Toản đon đã miệng mồm… Kinh tế nhà thầy Toản lên
phới phới. Vừa rồi thay mực thế nào lại bị kẹt giấy, tháo ra thì hư mấy cái “ru
lô”. Khiên chẳng buồn sửa! Thợ Nha Trang vào thay, bét cũng mất triệu bạc!
Cô
Tuyến lại có dịp chì chiết anh!
- Sao
anh không học nơi người ta mà làm cho tui nhờ, đồ hậu đậu!
oOo
Từ
ngày sự quá quắt của cô Tuyến “leo thang”. Khiên có một cách “trả thù” sau mỗi
lần cãi cọ. Nói là trả thù nhưng thực ra, chỉ là trấn an bản thân, xoa dịu cái
uất ức trong lòng. Cũng chỉ như cái anh A.Q.của Lỗ Tấn, nhiều lần anh nghỉ
vậy! Cách đó là: Ngồi vào máy thảo đơn ly dị!
Hơn
mười năm nay, anh đã viết không biết bao nhiêu tờ… Mỗi lần viết, anh như được
bộc bạch cùng ai đó, như tâm sự cùng trang nhật ký! Mỗi lần viết anh thêm một
vài ý, một vài câu chì chiết cho hả dạ. Viết xong, anh đọc đi đọc lại vài lần,
có khi để đến cả tuần, chừng nào cơn giận nguôi nguôi anh mới xóa. Xóa chứ
không xóa thì làm sao mà gởi cho được, hai đứa con còn dại quá, mỗi lần nghĩ
đến chúng, anh rươm rướm nước mắt! Bấm “đề lét”!
Nhưng
rồi cái ngày in tờ đơn ấy ra cũng đến. Cách nay sáu tháng, đứa con út tốt
nghiệp Cao đẳng, việc làm tạm ổn nhờ một người bạn sắp xếp dùm…
Trước
mặt hai con và cô Tuyến, anh nói ra ý nguyện của mình:
- Ba
nói ra với hai con đều này chắc hai con cũng không ngạc nhiên, các con giờ đã
lớn, hiểu tất cả những gì các con đã thấy, những gì mà hơn hai chục năm nay ba
phải chịu đựng. Giờ hai đứa đã ổn, chuyện vợ chuyện chồng hai con sau này tính
sau, ba hết nhẫn nại rồi. Ba ly hôn!
Cả
ba sửng sốt. Họ tưởng Khiên sau bấy nhiêu năm chịu đựng, đã thành kẻ nhu nhược,
khiếp hãi trước cô Tuyến!
Hôm
ra tòa, chánh án là một học trò cũ, Nghiêm giọng hỏi:
-
Cô có muốn hòa giải không?
-
Tôi không muốn, thưa tòa!
-
Thầy thì sao?
-
Em ạ… (những người có mặt tại tòa hôm đó cùng cười ồ khi Khiên cứ như nói với
học trò!) Tôi xin lỗi! Thưa tòa, tòa hãy giải thoát dùm tôi. Không, tôi đã cố
gắng hơn hai mươi năm nay, quá đủ rồi thưa tòa!
Tòa
xử thật nhanh vì anh không màng gì đến tài sản.
Nhớ
đền giờ phút tòa tuyên bố, “Thuận theo đơn ly hôn của hai người… Chiếu theo
luật…” Anh sung sướng đến không còn nghe gì nữa!
Ánh
nắng mai vừa xuyên qua giàn bông giấy, lọt xuống làm lỗ chỗ khoảng hiên, nơi
căn phòng ngày xưa anh từng ở. Khiên nhấp thêm ngụm trà, anh vẫn đang trong cảm
giác lâng lâng, thanh thản, yên bình.
Ninh Thuận, 06 tháng VII, năm
2013
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập
nhật lại- ngày 26/09/2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Thuân ngày 09/07/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Nghèo-Hèn!
– Truyện ngắn Trạch An Trần Hữu Hội (Ninh Thuận/SG)
Thứ
ba - 17/06/2013 13:21
Thằng
Khâm, mẹ hắn, cùng hai đứa em gái dừng
xe trước ngôi nhà của chủ. Vẻ hùng hổ lúc ở nhà biến đi đâu mất! Ké né dựng hai
chiếc xe gần cái cổng đóng kín, tiếng chó sủa trong nhà vọng ra làm hắn thêm
ngại… Cổng mở, cô chủ chỉ lớn hơn hắn một tuổi, hầm hầm, té tát mắng vào mặt
hắn: - Cái mặt chó mày còn vô đây làm chi, giỏi thì đi luôn đi…
Tác giả Trạch An Trần Hữu Hội
Họ tên Trần Hữu Hội
Sinh 1955. Tại An Lưu, Quảng Trị.
Thường trú trước 2015: Ninh Sơn, Ninh Thuận
Nơi ở và viết hiện nay: TP. Sài Gòn
Email: trachan555@yahoo.com.vn
_____
Thằng
Khâm, mẹ hắn, cùng hai đứa em gái dừng xe trước ngôi nhà của chủ. Vẻ hùng hổ
lúc ở nhà biến đi đâu mất! Ké né dựng hai chiếc xe gần cái cổng đóng kín, tiếng
chó sủa trong nhà vọng ra làm hắn thêm ngại… Cổng mở, cô chủ chỉ lớn hơn hắn
một tuổi, hầm hầm, té tát mắng vào mặt hắn:
-
Cái mặt chó mày còn vô đây làm chi, giỏi thì đi luôn đi…
-
Em vô xin chị sáu triệu tiền còn lại… Và giấy tờ của tụi em…
Cô
chủ Nga vừa chống nạnh, vừa đưa ngón tay xỉa xói vô cái mặt ốm xanh của thằng
Khâm làm hắn cứ thụt lùi, nói giọng the thé như bị ai bóp cổ:
- Hả,
sáu triệu nào? Hả..tụi mày là con chó phản chủ... Hai đứa mày làm thuê tao trả
tiền… đẻ con tao nuôi cho lớn rồi tụi mày bỏ đi không thèm ỉa vào tai tao một
tiếng… Giờ tiền gì, tiền gì mà vô đòi? giấy tờ gì, ai giữ giấy tờ tụi bây?
Hàng
xóm nhìn qua nhưng không ai tới… Lát sau, Thái, cậu chủ, cũng chỉ hơn hắn ba
tuổi, từ trong nhà đi ra. Không cần nói năng, nhào vào tát liên tục vào hai cái
má xương xẩu của thằng Khâm… hắn lại thụt lùi cho tới khi lưng hắn đụng vào
tường, cậu chủ đấm một phát vào ngực, hắn ôm ngực co rún người lại…
Xong,
móc điên thoại gọi đi đâu đó. Có thể là công an xã, có thể là dân phòng…
Mẹ
và hai em gái hắn đứng như trời trồng, cũng đàn bà, nhưng không hàm hồ và hung
dữ bằng vợ chồng chủ!
Mẹ
hắn năm nỉ nhưng cánh cổng đã đóng lại, chỉ còn tiếng chó sủa và bốn bà con
thằng Khâm đứng chơ vơ…
Có
mấy người xúi nó lên xã báo, nhưng hắn biết là cậu Thái nhậu nhẹt thường xuyên
với họ. có báo cũng chẳng ăn nhằm gì,
không chừng bắt ngược lại mẹ con hắn, cho là phá rối trật tự…
Đứa
ở mới là một cô bé người dân tộc, da ngăm đen, cầm cái chổi ra quét sân.
***
Nếu
tính riêng vợ thằng Khâm thì đã làm thuê cho nhà này hơn sáu năm rồi… Cái thời con Liên, vợ hắn, mới mười sáu
tuổi. Ông bà chủ, là cha mẹ của cậu Thái nhà này chưa qua Mỹ. Khâm thì mới ở
hơn ba năm nay.
Hồi
con bé Liên được người hàng xóm ở Cam
Ranh, dẩn vào cùng ông Nguyên bà Lan, thì đúng là lên thiên đường! Ở nhà mẹ,
Liên làm rẫy khổ cực suốt năm mà hai mẹ con không nuôi nổi nhau! Làm thuê cũng
chỉ có chút tiền may cái áo ngày tết, không mua được đôi dép…
Vào
nhà ông Nguyên bà Lan. Áo quần tha hồ, con bé sững người khi bà Lan đứng trên
thềm ném xuống chỗ hai mẹ con ngồi một bao to áo quần còn thơm mùi Mỹ! Một số
mặc vừa, có cái hơi rộng, có cái hơi chật, nhưng đẹp quá! Còn lại, Bà Lan nói
với mẹ của con Liên:
- Chị
đem hết ra ngoài quê, cho bà con kẻo tội.
Đêm
hôm đó, bà Lan nói với mẹ con Liên:
- Chị
để nó làm cho tui, công cán tui không để lỗ cho nó, ăn uống thì trong nhà tui
chị cũng thấy đó… thịt cá tha hồ. Gắng ngoan và siêng năng. Vài năm lớn, đẹp và
hấp dẩn ra, con gái tui ở bên Mỹ về, không chừng còn kiếm cho nó thằng Việt
Kiều, mẹ con chị tha hồ mà sướng!
Sáng
mai, Mẹ con Liên lên xe về, bà Lan đưa nguyên một tờ năm trăm mới cứng:
- Chị
cất đi, về ngoài Cam Ranh mà xài, con Liên ở đây tui lo…
Xe
thì chạy, mẹ con Liên tuy ngồi trên xe nhưng bà cảm thấy như đang bay!
Con
Liên đêm nằm không ngủ được. Mấy tiếng “Lấy chồng Việt Kiều” huyễn hoặc tâm trí
nó!
Nói
về siêng năng thì con Liên siêng có tiếng ngoài xã nó ở, không những thế, con
Liên còn là đứa có sức, việc rẫy nương hắn làm không thua ai, giờ mấy việc của
nhà chủ, tuy chưa biết hết việc gì, hắn vẫn không hề lo sợ.
Thấm
thoát gần ba năm. Mẹ con Liên tết nào cũng vô thăm.Tiền công bà Lan trả tuy
thấp hơn người ta, tính ra một tháng chỉ một triệu rưởi! Nhưng nhìn con gái
phỗng phao trắng trẽo chị cũng yên dạ yên lòng.
Hôm
vợ chồng bà Nguyên–Lan đi Mỹ, có làm tiệc chia tay, chị cũng vào… Tiếng là vào
dự tiệc, nhưng phận tôi đòi… chẳng qua là vào phụ việc cùng con! Chỉ vui cái là
cô con gái chủ bên Mỹ về, cho chị một tờ Năm mươi đô la. Lần đầu chị thấy tiền
Mỹ… đem ra khoe, bà con xóm làng chắc phải trầm trồ… nhà chị có phúc!
Ông
Bà Nguyên – Lan đi, mối làm ăn da bò muối vẫn để lại cho con là vợ chồng cậu
chủ Thái - Nga. Mọi công việc thì con Liên coi pha, nhưng cái việc muối da bò mấy
năm nay con Liên quá vất vã! vừa nặng nề, vừa ngâm chân, ngâm tay trong nước
muối, lại luôn ngập trong mùi hôi thối, tanh tưởi của nhà kho!
Gần
đây, mùi hôi làm hàng xóm không chịu được, kiện lên xã, cậu Thái mua một miếng
đất rẫy xa nhà… Con Liên giờ phải kéo xe hai bánh chở da vào kho rồi mới làm
công việc nặng nhọc là muối!
Những khi mệt, hắn hay nghỉ tới
lời hứa gả cho Việt Kiều của bà Lan.
May
mà cậu Thái thuê thêm được một người làm, thằng Khâm, mối lái đâu mấy người
buôn da bò từ trên Đơn Dương dẫn xuống. Khâm hơi man mát, nói bị cà lăm, lớn
hơn con Liên ba tuổi.
Dạo
này da bò không những từ trên thị trấn đem về, còn có thêm từ Đơn Dương gởi
xuống bằng xe đò… có ngày tới năm bộ. Hai đứa gần như cả ngày trong nhà kho
muối.
Trưa, thằng Khâm biết chạy xe Hon đa, chở con Liên về nấu ăn cho chủ rồi
ăn qua loa vài miếng, chạy bộ bới cơm vào cho Thằng Khâm…ăn xong thì nghỉ một
chút rồi hai đứa bắt tay làm tiếp công việc…
Mệt
lắm! Trưa, thằng Khâm nằm trên cái giường của hắn, gần cửa, ngủ say như chết,
ban đêm hắn cũng ngủ đây để coi da bò. Chừng một giờ thì lo dậy làm kẻo cậu
Thái vào bất ngờ kiểm tra… Con Liên không có giường, trải cái bao nằm nơi cửa
sau.
Cậu
chủ trả thằng Khâm một tháng không biết mấy, chỉ sau này khi thành vợ chồng hắn
mới biết là nhiều hơn hắn năm trăm . Mấy năm không tăng không giảm!
*****
Tuy
lớn hơn Liên ba tuổi, nhưng do hơi man mát, nên Liên cứ tau mày với Khâm, Khâm
cũng vậy.
Trưa
nay con Liên nằm nơi cửa sau, cứ nóng hừng hực khi nghỉ tới chuyện hồi đêm.
Đêm
qua, con bé con cô cậu chủ tự nhiên nói ngủ một mình sợ ma. Cô Nga kêu Liên từ
dưới chái bếp lên lầu, nói:
- Mày
trải cái mền dưới nền bên phòng con Phụng, ngủ với nó. Tự nhiên nhõng nhẽo bày
đặt sợ ma, cái con này!
Khuya, hắn nghe trong phòng cô cậu chủ có nhiều tiếng lạ, như đang đánh
nhau. Chuyện này thì thường… có lần cô Nga còn nói to:
- Đ.M.
mày nghe Thái, Tao ly dị mày! Tao thà về mổ bò mổ heo với cha mẹ tao như hồi
còn con gái hơn là ăn mấy đồng tiền đô mà cứ chửi lên đánh xuống! Cái mặt mày,
tao mà bỏ thì có chó nó ưa!
Bốp,
huỵch, hự…loạn lên… Có khi trong bữa ăn, có khi nhà có người đang nhậu… Hồi ở
với cha mẹ. Cô Nga bán thịt, dữ và hàm hồ nổi tiếng, cả chợ này ai cũng biết.
Không
nghe tiếng chửi nhau, con Liên đứng dậy tới gần cửa phòng… Nhìn vô lỗ khóa, cả
hai vợ chồng đang trần truồng quấn nhau trên giường, con Liên nghe tiếng cô Nga
xuýt xoa, rên ư ử.
Hắn
trở lại nằm xuống… Cứ muốn dậy, lén nhìn qua lỗ khóa.
Trưa
nay hắn cũng nóng hầm hập, cứ nhìn chăm vào thằng Khâm đang ở trần nằm ngủ gần
cửa…
Khi
cái bụng con Liên to lên rồi, hàng xóm ai cũng nói:
- Lửa
gần rơm mà, ở với nhau trong cái nhà muối da bò cả ngày thế không bầu mới lạ!
Nói
vậy, cả xóm ai cũng thương hai đứa. Chỉ ghét là ghét vợ chồng Thái - Nga. Gần
ngày sinh, cô Nga bảo xui không cho sinh trong nhà, đuổi con Liên về Cam Ranh,
thằng Khâm đến ngày con Liên sinh, cũng xin đi theo.
Mẹ
tròn con vuông. Nghe đâu có vợ chồng ông Công an ngoài đó, là người tử tế, thuê
cả hai, cơm ăn rồi tháng cho năm triệu. Trong xóm ai cũng mừng cho thằng Khâm
và con Liên.
****
Chưa
có người làm thay thế, kể ra kiếm cho được người làm như Khâm- Liên không dễ. Thật
thà và siêng năng.
Cô
cậu chủ Thái –Nga vất vã trông thấy!
Đánh, chửi nhau thường xuyên! Nhà cô Nga cho đứa em trai xuống giúp cũng
không xuể việc.
Ông
Bà Nguyên – Lan bên Mỹ về.
Cậu
Thái lái chiếc Inova chở bà Lan ra Cam Ranh. Ngon ngọt thế nào mà khi vào, có cả
hai đứa, thằng con bốn tháng và cả mẹ con Liên cùng vào! Bà Lan nói với hai
đứa:
- Dì
coi hai đứa như con, từ nay thằng Cu là cháu ngoại dì, đưa giấy chứng minh dì
lên nhập khẩu cho vợ chồng và làm khai sinh cho thằng Cu vào trong nhà luôn.
Nga-Thái tháng cứ trả cho hai đứa ba triệu bảy, còn một trăm đô dì để dành cho
tụi con bên Mỹ, sau này làm vốn liếng cho thằng Cu, còn không muốn thì hai năm
dì về một lần, dì đưa đủ cho hai ngàn tư mà sắm vàng.
Tính ra một năm, hơn ở với ông Công an chỉ bảy
trăm ngàn một tháng, nhưng nghe bà Lan nói tới “hai ngàn tư đô” thằng Khâm và
con Liên ngất ngây!
Bà
Lan lại qua Mỹ. Cô Nga cũng trả ba triệu bảy một tháng, nhưng làm bể cái tô,
cái chén, cái ly… cũng trừ lương, có mấy bộ đồ cô Nga cậu Thái không mặc, cho
hai đứa, tưởng đâu cho không ai dè tính tiền, trừ vào lương.
Hôm
tết bà Lan về. Sửa nhà sửa cửa, đám cưới cho cậu Gôn.
Hai
đứa rụt rè đùn dẩy nhau hỏi tiền “Đô”, Bà Lan nói mát rượi:
- Dì
về lần này nhiều việc, giờ không còn tiền, coi như cậu Gôn nợ hai đứa. Nhà vợ
cậu Gôn giàu lắm, thế nào cũng cho vợ
chồng cậu Gôn vốn liếng, trả lại hai đứa mấy hồi!
Thằng
Khâm và con Liên không dám khóc, nhưng nước mắt rưng rưng!
Năm
tháng gần đây, cô Nga chỉ đưa mỗi tháng một triệu bảy, nói là “để giữ lại cho
tụi mày”.
Tuần trước, lấy cớ về thăm mẹ, con Liên nói “mượn” bốn triệu đem về cho
mẹ, rồi gởi thằng Cu luôn, cô Nga rất thích gởi thằng Cu về ngoại nó cho rãnh!
Thằng Khâm trốn đi hai ngày sau. Định tìm về ở với vợ chồng ông Công an.
Mẹ
thằng Khâm và hai em gái nó tiếc xót, cùng nhau xuống đòi sáu triệu và giấy tờ…
****
Tất
cả toàn là lời hứa ngon hứa ngọt. Có cái gì làm bằng chứng đâu mà kiện với cáo,
ai nghe vợ chồng thằng Khâm!
Hàng xóm nhiều người bảo họ dại này nọ, còn bảo thằng Khâm sao không
đánh lại cái thằng Thái cọm rọm cho hắn
chừa, thằng Khâm mạnh hơn gấp mấy…
Ông
Giáo nhà đối diện ngẫm nghĩ, rồi sửa lại cặp kiếng:
- Cái
“nghèo” thường đi kèm với cái “dại” cái “hèn”, người ta nói “nghèo-hèn” mà lại.
Thế mới có chuyện!
Tháng VI, 2013
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập
nhật lại- ngày 26/09/2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Thuân ngày 17/06/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Có một
bản nhạc, có lời như thế… – Truyện ngắn Trạch An Trần Hữu Hội (Ninh
Thuận/SG)
Thứ
ba - 21/05/2013 13:21
*Cho tuổi học trò của tôi và những ai từng
lớn lên nơi chốn ấy cùng những Kỷ niệm ngọt ngào…” Hoạt đứng như trời
trồng trước sân nhà đứa cháu ngoại. Hình ảnh Miên nổi bật lên trong đám người
xôn xao ra vào cổng chợ, sang trọng và đẹp lên nơi vùng quê chân lấm tay bùn!
Bao nhiêu năm xa cách, vẫn không khác xưa là bao. Tần ngần nửa muốn chào hỏi,
nửa lại thôi!
Tác giả Trạch An Trần Hữu Hội
Họ tên Trần Hữu Hội
Sinh 1955. Tại An Lưu, Quảng Trị.
Thường trú trước 2015: Ninh Sơn, Ninh Thuận
Nơi ở và viết hiện nay: TP. Sài Gòn
Email: trachan555@yahoo.com.vn
_____
*Cho tuổi học trò của tôi và những
ai từng lớn lên
nơi chốn ấy cùng những Kỷ niệm ngọt
ngào…”
Hoạt
đứng như trời trồng trước sân nhà đứa cháu ngoại. Hình ảnh Miên nổi bật lên
trong đám người xôn xao ra vào cổng chợ, sang trọng và đẹp lên nơi vùng quê
chân lấm tay bùn! Bao nhiêu năm xa cách, vẫn không khác xưa là bao. Tần ngần
nửa muốn chào hỏi, nửa lại thôi!
Nhưng
Miên đã thấy, nhận ra anh một cách không ngờ:
-
Anh Hoạt! Anh về khi mô?
-
Hôm qua, Miên về lâu chưa?
- Em
về hơn nửa tháng ni rồi, Lâu ni anh ở mô?
Hoạt
suýt phì cười vì Miên cố gắng phát âm theo tiếng mẹ đẻ. Ừ, dù gì cũng về quê
mà! Mấy mươi năm sống bên ấy, chừ nói lại chắc Miên phải "vận dụng"
trí nhớ lắm!
-
Anh ở trong Ninh Thuận, anh về hoài, mỗi lần về nghe nói Miên cũng vừa về
nhưng qua lại rồi! Như mặt trời mặt trăng vậy!
Mắt
Miên chớp chớp, nhìn bâng quơ ra con kênh phía trước chợ! Hoạt cũng nghèn nghẹn
trong cổ, anh tằng hắng mấy lần!
Chiếc gắn máy nhẹ nhàng đến sau lưng Miên, một cậu trai trạc 18, chào
anh rồi hỏi Miên:
-
Về chưa o?
-
Anh về có việc gì không, khi mô vô lại trong nớ?
-
Anh đưa cốt mạ về nhân tiện sữa lại lăng gia đình luôn!
-
Mai em đi tỉnh mua ít đồ, anh có việc gì trên nớ không?
-
Có lẻ phải lên hỏi mua vật liệu, vừa ra chưa tính toán gì cả!
Miên
lục trong áo khoác, lấy chiếc điện thoại đưa cho đứa cháu:
-
Con lưu số máy bác ấy cho O, anh đọc đi
Hoạt đọc số máy, Miên chào anh rồi lên xe, nhìn cử chỉ chậm chạp
của Miên, Hoạt chợt đưa năm ngón tay lên vuốt mái tóc đã muối tiêu của
mình, "Miên thua mình một lớp, cũng không còn trẻ nửa để mà nhanh
nhẹn!"
***
Thủa ấy hai đứa thân nhau, mặc dù không cùng làng, Hai làng cách nhau
một con khe nhỏ và một đám đất gọi là nương làng. Ngôi trường nằm gần chợ và
thuộc đất của làng Hoạt, Hai nhà thân nhau vì hai ông bố cùng làm việc ở xã.
Miên có một người anh hơn Hoạt một tuổi, nhưng Hoạt lại gắn bó với Miên hơn! Đi
học, Hái hoa khoai, chơi trốn tìm ở nương làng, đi dọc theo khe hái quả giành
giành về làm mực màu... hai đứa luôn đi chung!
Tiếng
đứa cháu gọi từ trong nhà làm cắt dòng hồi tưởng của Hoạt:
-
Ừ, ăn cơm rồi à, cậu vào đây!
-
Cậu có quen bà Miên à, Bà hay về lắm.
-
Ừ, hồi ông ngoại và ba của cô ấy cùng làm việc ở xã. Mấy đứa đi học về
chưa?
Hai
đứa cháu nhỏ dưới bếp bưng lên hai dĩa thức ăn đặt xuống bàn: "Con chào
ông khi hồi mà ông không nghe!"
-
À, rứa à, Ông lớn rồi nên hơi nặng tai! Ngồi xuống đi mấy con. Anh mỉm
cười vì hai chữ “nặng tai”! Anh không nghe vì lúc đó anh không còn nghe gì
ngoài giọng nói thân quen đến ngọt ngào của Miên. Cũng không còn ai tồn
tại quanh anh ngoài người phụ nữ có đôi mắt đen và hàng mi cong từ thơ ấu ấy!
Ăn xong, anh nghỉ trưa trong muôn vàn hình ảnh của ký ức xôn xao!!!
***
Quán
không đông vì ở gần chợ, một vài người có vẻ chờ đón "phu nhân", nôn
nóng với điếu thuốc lá. Nơi đây ngày xưa như trong bàn tay anh, vậy mà giờ lạ
lẩm quá!
Năm
63 lên tỉnh, ở quê gọi là mất an ninh, Anh cùng gia đình ở nơi đây, căn nhà
mang số 3 Gia Long, Bên cạnh Ty Xã Hội, đối diện là: Bến đò, bến giặt và cầu
nhảy. Cây Ngô đồng cao to đầy chim ban đêm về ngủ, hai quán chè đá bào nằm
gọn trong bóng mát của tàn lá. Anh là một trong những chú nhóc cừ khôi vì có
thể bơi qua lại 3 vòng vào mùa nước không lớn. Chỉ cần thấy chiếc máy bay L 19
chao cánh sắp hạ xuống đám đất bằng bên sông là anh và lũ bạn nhảy ào bơi qua
xem, Đã có lần anh được cho bay một vòng lên cầu Ga, về Sải, vòng qua An Đôn... vừa
thích thú vừa sợ hải!
Hàng Phượng ven sông cũng cho anh nhiều kỷ niệm. Những ngày biểu tình và
bưng bàn thờ ra đường, bọn anh hái hoa phượng cột thành từng chùm bán, rồi cùng
nhau ăn chè đá bào... Năm đầu lên tỉnh, anh học trường tranh (Chi nhánh trường
nam). Hàng cây nhãn nhiều bọ xít vẩn còn cái mùi khó chịu tận bây giờ! được cái
là kẹo sóc phía sau trường rẻ và ngon, mùi gừng ấm áp chi lạ !Năm sau qua
Trường nam, nằm giữa 2 con đường Trần hưng Đạo và Gia long. Qua đây anh thường
gặp Miên hơn, cô ấy học Trường Nữ, ngang ngang với hội Cổ học. Nhưng
"gặp" là "thấy nhau" chứ chẳng gì hơn !Lúc này không hiểu
vì sao nhà Miên lại ở trong Trại Gà Cổ Thành?! Năm ấy nhà anh chuyển xuống
đường Duy Tân, Gần Nghĩa Địa. Cầm phiếu báo Thí sinh chuẩn bị thi vào Trường
Nguyễn Hoàng thì cùng lúc, Trường Thánh Tâm gởi giấy báo tập trung. Bố anh muốn
anh đi Tu làm Sư Huynh..
Đang
miên man thì đứa cháu hôm qua cũng vừa chở Miên đến, nhìn quanh, Miên đề
nghị bưng hai cái ghế ra gần mé sông hơn một chút, Thì ra Miên đã là khách quen
của quán từ hồi nào rồi! Đứa cháu của Miên cũng vòng xe đi mất, bên nhau, Miên
nhìn trân vào mặt anh:
-
Không già, tóc anh ít bạc, có nhuộm không?
-
Không!
-
Tóc em bạc nhiều lắm, nhuộm lâu rồi! Anh sống trong đó có ổn không?
- Tạm
được, còn Miên?
-
Từ ngày anh ấy mất, em làm cầm chừng, may mà mấy cháu đã học xong, đi làm nên
em cũng đỡ! Em có cháu nội rồi đó!
Miên
thôi nhìn anh, đưa mắt qua bên kia sông, anh nhìn theo, Miên buột miệng hỏi:
-
Có nhớ gì bên đó không?
-
Có!
-
Nhớ gì?
-
Chùa Sư Nữ, hái hoa bị bắt!
-
Hái cho ai?
Hoạt
cười, nụ cười chứa cả niềm vui của kỷ niệm lẫn cái xót xa mất mát của tuổi thơ
! Ngày đó anh đã học lớp 9. cùng mấy đứa bạn rủ nhau qua lăng Thomas Thiện
chơi, gặp Miên cùng các bạn học mặc nguyên áo dài trắng qua chơi chùa .
Đò của Miên qua trước, anh qua chuyến sau và không biết có Miên, Đám áo dài
cuốn cả đám bạn anh theo như nam châm ! Anh gặp Miên tần ngần nơi bến sông của
chùa . Lúc này Miên Học lớp 8 Trường Nguyễn Hoàng .
-
Miên đi chơi chùa à?
- Nghĩ
hai giờ đầu Anh văn, bọn em "cúp cua" luôn hai giờ Sử-Địa! Hoa trong
chùa đẹp quá!
-
Ừ, Mấy ni cô khó lắm, không xin được mô!- Ngần ngừ một lúc, anh nói- Miên chờ
chút nghe.
Hoạt
quay vào chùa, tim anh đập thình thịch, mấy chậu Thược Dược đủ màu làm
anh lòa mắt. Một đám học trò cả nam lẫn nữ vây quanh một ni cô trẻ, anh quay
lưng che rồi ngắt một đóa!
- Ấy,
ấy, không được mô, ai lại ngắt hoa của chùa!
Ni
cô nói nhẹ lắm, chỉ trách thôi mà anh như bủn rủn vì gượng! Đã lỡ rồi, muốn dấu
cũng chẳng được, anh lí nhí xin lỗi và đưa trả cánh hoa cho ni cô!
- Thôi
lở rồi, cầm về đi, lần sau đừng nữa nghe!
Hoạt nhẹ người lí nhí cảm ơn, không hiểu vì mừng hay vì gượng, anh chạy
biến ra nơi Miên đứng, đưa cho Miên cành Thược Dược mà không nói gì!!!
72
với ly tán chia xa,kẻ đi người ở!
-
Hôm qua anh có nhận ra Miên không?
-
Ban đầu anh đoán! Nhưng sau đó, khi Miên quay hẳn lại thì anh chắc chắn mình
không nhầm!
Tay
Miên đặt nhẹ lên tay anh trên thành ghế, anh xúc động ,mỉm cười nhìn vu vơ ra song.
-
Anh cười gì vậy?
-
Nhiều lúc kể chuyện thời thơ ấu ở quê cho vợ anh nghe, anh kể về Miên với những
cái hoa khoai lang tím, khi nói Miên hay chìa má cho anh chà lên... Vợ anh hỏi
"Chị ấy có đẹp không?"
-
Anh nói sao?
Miên
quay hẳn người qua nhìn vào mắt anh, chờ trả lời, Hoạt chỉ mỉm cười bâng quơ
không nói, Miên hỏi lại "Anh nói sao?"
-
Anh nói "Cũng thường thôi!"
-
Vậy em "thường thôi" hay là "đẹp"
-
Thì anh cũng "thường thôi" mà. có đẹp đâu!
-
Anh có hay nhớ Miên không?
-
Lần nào về làng cũng nhớ!
Bất
ngờ Miên hỏi như từ đâu đó xa xăm lắm:
-
Nếu ngày đó mình lớn hơn chừng vài tuổi thì sao nhỉ?
Hoạt
lắc đầu:
-
Anh không biết, Miên biết không?
-
Miên cũng không biết!
-
Khi nào Miên qua lại?
-
Vài ngày nữa, em vô Sài gòn sắp Xếp vài chuyện. Anh vô đưa em lên máy bay được
không?
Mắt
Miên như rươm rướm, Hoạt cũng đượm buồn. anh lắc đầu nhè nhẹ:
-
Anh cố làm cho xong để còn vào đưa cháu thứ hai đi thi Đại học!
Bên
sông nắng chuyển màu, Miên nói với anh:
-
Hồi xưa tụi em hay viết lưu bút, đứa nào cũng thích và ghi cho nhau mấy câu của
một bài hát, em không nhớ tên và của ai! Em đọc xem anh có biết không ha:
"... Ấu thơ đi về đâu,
Đễ mưa bay
mùa ngâu...
Lòng mình thì muốn níu ân tình mải anh ơi,
Mà đời là suối nước vô tình vẫn êm trôi
Tiếc gì cũng xa rồi!”
Hoạt
lắc đầu, anh biết nó nằm đâu đó trong những bản nhạc thường gọi là Bolero, với
hoa phượng, sân trường, áo trắng… Anh ít
biết vì con người anh vốn hơi khô! nhưng nghe Miên đọc, anh thấy lồng ngực mình
như có cái gì cồm cộm, nằng nặng và... anh lần tìm tay Miên, bóp nhè nhẹ, anh
không buông ra, như cố níu giữ chút ấu thơ mà ai cũng có trong đời! Miên
khép đôi mi cong trời cho, một giọt nước mắt lăn trên má!
Tháng III-2012
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập
nhật lại- ngày 26/09/2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Thuân ngày 21/05/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Con
Vện của chị Lý Cầm… – Truyện ngắn Trạch An Trần Hữu Hội (Ninh Thuận/SG)
Thứ
tư - 01/05/2013 13:21
Từ ngày quê mất an ninh, thằng Hóa theo mạ
rời làng lên tỉnh, hắn mới vào lớp ba. Nay xong lớp nhì. Rứa là hai năm. Hóa đã
đi được xe đạp. Chưa ngồi hẳn lên yên như người lớn, nhưng đứng đạp cũng không
sao! Mấy lần chạy quanh chợ tỉnh, dọc sông Thạch Hãn mà không mỏi chân mỏi tay.
Hắn quyết định về làng.
Tác giả Trạch An Trần Hữu Hội
Họ tên Trần Hữu Hội
Sinh 1955. Tại An Lưu, Quảng Trị.
Thường trú trước 2015: Ninh Sơn, Ninh Thuận
Nơi ở và viết hiện nay: TP. Sài Gòn
Email: trachan555@yahoo.com.vn
_____
Từ
ngày quê mất an ninh, thằng Hóa theo mạ rời làng lên tỉnh, hắn mới vào lớp ba.
Nay xong lớp nhì. Rứa là hai năm. Hóa đã đi được xe đạp. Chưa ngồi hẳn lên yên
như người lớn, nhưng đứng đạp cũng không sao! Mấy lần chạy quanh chợ tỉnh, dọc
sông Thạch Hãn mà không mỏi chân mỏi tay. Hắn quyết định về làng.
Đã
hỏi chị hắn, chỉ chín cây số chơ mấy!
Hắn nhớ làng lắm ! Mấy lần mạ hắn về, mấy
anh chị cũng có về nhưng không cho hắn
đi theo, nói là lỡ có đánh nhau, chạy không kịp!
Cái
chi ở làng cũng làm hắn nhớ. Từ cái ao, cái đìa, cây sim, cây mốc, cho đến bờ
tre, ruộng lúa… nhưng hắn nhớ nhất là chị Lý Cầm và con Vện!
Hôm
nay chúa nhật. Hắn nhắc chiếc xe đạp ra,
đạp một vòng quanh Ty Xã Hội, xong hắn tuốt thẳng theo bờ sông, xuống chùa Tỉnh Hội ở Sải, rẻ qua Góc Bầu… bon trên
đường đá giữa làng Hạnh Hoa –Trí Bưu.. về làng!
Vừa
đạp vừa cười tý tửng! Cái chi hắn cũng nhìn, gặp ai hắn cũng thấy quen… chừng
như ai cũng biết hắn về làng bằng xe đạp, một mình…
Tới
Triệu Tài, đường vắng ngắt!
Chín cây số không xa là mấy so với sự háo hức nhớ làng của Hóa!
Không
mệt, không mỏi, băng qua chợ Cạn, Hóa tuốt theo đường đựng chạy vô làng. Nhà
hắn ở đằng Tây, chừ không ai ở, nhớ ngôi nhà lắm! Nhưng hắn lại ghé lên đàng
Đông trước, nhà chị Lý ở gần xóm giữa… Bẻ tay lái thật gọn, vào sân nhà, hắn cứ
tưởng là con Vện sẽ lao ra chào đón như hồi trước, nhưng im lìm! Tui tủi, hắn
muồn khóc, nghĩ chị Lý và con Vện quên hắn rồi!
Hóa
bỏ xe, vào nhà… chị Lý nằm trên cái giường tre, ốm yếu… hỏi như rên:
-
Ai đó?
-
Em, Hóa đây chị Lý!
-
Chú Hóa ơi…con vện chết rồi!
Hóa
bỗng khóc tức tưởi, càng lúc càng to. Nước mắt trào ra ướt má, ướt môi, mằn
mặn:
- Răng
mà chết rứa chị?
Chị
Lý Cầm không nói, quơ tay tìm tay Hóa kéo ngồi xuống giường! Đôi mắt mù lòa ràn
rụa nước mắt, mái tóc bạc xõa lòa xòa, từng lọn lơ thơ!
***
Cha
Hóa vai vế trong họ tộc khá lớn. Lớn cỡ mô hắn không tính được! Chỉ biết nhiều
người trong làng dù đã rất già, hắn vẫn kêu bằng chị. Lý Cầm là tên chồng, anh
Lý Cầm chết từ hồi nảo hồi nao rồi. Khi hắn có trí khôn, nhà chị chỉ còn chị và
một đứa cháu. Ngày ngày thằng cháu đi chăn trâu cho ông Tấn bên làng Phương
Sơn, tối về nhà. Cả ngày chị Lý có con chó đỡ đần!
Hóa
lên tỉnh một năm, thằng cháu bỏ đi lính! Chị Lý ở một mình với đôi mắt mù, may
là còn con Vện sớm hôm!
***
Hồi
còn ở làng, chơi mô thì chơi, cứ một hai ngày là thằng Hóa chạy vô thăm chị Lý.
Con
Vện quắn lưng quắn đuôi qua lại như làm nũng, mồm ư ử đón hắn từ xa. Trong nhà,
chị Lý biết có người tới thăm, mà người
thân.
-
Ai đó Vện?
Con
chó càng ư ử, chạy đến bên chị, dúi đầu mấy lần vào chân chị , rồi lại chạy tới
bên Hóa sủa ăng ẳng mấy tiếng.
-
Chú Hóa à?
-
Dạ!
- Vô
đây, vô đây, đi chơi có đội mũ không rứa? ngồi xuống đây kẻo nắng!
- Dạ
có.
Hóa
nói láo, hắn không đội mũ, ít khi hắn đội mũ và chị Lý la hắn hoài… Hắn nói láo
có đội mũ vì biết chị Lý không thấy!
Hóa
ngồi xuống bên chiếc chõng tre ở mái hiên. Cúi xuống ôm cổ Vện, nó sung sướng
cạ đầu vào tay, vào chân Hóa…
Như
đã thành lệ, Chị Lý lần ra nương bẻ mấy trái bắp, nướng cho Hóa hai trái, có
khi là mấy trái mãng cầu ủ trong đống rơm… Hắn vào bếp cùng ngồi với chị Lý ,
nghe chị Lý than phiền đôi mắt nhức, cái lưng đau, lỗ tai ù…những khi trở trời
mưa, nắng… Kể chuyện thằng Địch tội nghiệp, không được đi học phải đi chăn trâu!
Con Vên giỏi lắm, bựa ni “hắn” biết lấy cái chày đâm ớt cho chị… Bựa qua “hắn”
bị chó chợ cắn chảy máu…
Con
Vện là đứa con trời cho chị Lý!
Vện
biết hết nhà của cả làng, thậm chí hai làng kề bên hắn cũng biết một số nhà của
bà con…
Cốc
cốc cốc, tiếng gậy của chị Lý gõ vào cột nhà, không biết đang chơi đùa chổn nào,
Vện có mặt chừng một phút sau, cạ mỏm vào chân chủ chờ lệnh:
- Đi
qua nhà ông Dự một chút nà…
- Tới
nhà mụ Khóa…
- Qua
bên làng An Phó thăm mụ Manh chút…
- Đi
lên rú thắp nhang cho “cha mi”…
- Đi
chợ…
- Tới
nhà thờ họ Trần…
Vện
hiểu và biết hết! Cứ đi sát bên chân Chị Lý mà không hề làm chị vấp ngã. Tới
những chổ đường bị đào trổ nước ruộng, Vện dừng lại sủa to báo cho chủ, vừa lội
vừa cắn gậy. Có chổ Vện sủa to và gấp, Chị Lý biết là rộng và khó đi:
- Có
ai đó không, cho tui qua một chút…
Lúc nào cũng có ai đó dắt chị Lý qua, vừa
qua khỏi là Vện nhanh chóng “xin” lại cái gậy! Những lần đi chợ, chó trong chợ
nhiều và dữ, chị không cho Vện vô chợ, Vện ngoan ngoãn xuống nằm dưới cống trước trường, chờ cho đến khi thấy ai đó dắt
chị ra là nhảy lên “xin” lại cái gậy!
***
-
Răng mà con Vện chết rứa chị?
Nước
mắt lại trào ra từ hai hốc mắt kèm nhem, chị Lý ôm Hóa không nói.
- Chó chợ cắm chết à?
- Không!
- Ai đập à?
- Không phải!
- Rứa thi răng mà chết!
Chị Lý lau nước mắt, mặt sợ sệt thì thào:
- Bị bắn Hóa ơi!
- Mắc chi mà bắn?
- Đêm mô họ cũng đi …Thấy bóng họ là
hắn sủa!
- Ai bắn?!
- “Họ”, thôi đừng nói nữa! Lui đây, lui đây, chị chôn hắn sau ni!
Bên đụn rơm trèn trẹt, một lúm đất nho nhỏ như một nấm mộ, chị Lý ngồi
thụp xuống lấy hai tay xoa như xoa đầu con Vện, vừa xoa chị vừa khóc làm Hóa
cũng khóc theo!
Chị
Lý lau nước mắt thì thào vào tai Hóa:
- Em
về có ai biết không?
-
Trong nhà không biết, em nhớ làng nên về…
-
Chết cha, chừ lo mà lên liền đi!
-
Em chưa tới đầu nhà mà!?
-
Không tới nữa! lên, lên côi tỉnh đi.
Ngoài chợ Cạn có gặp ai không?
- Em
thấy chợ vắng vẻ, không gặp ai hết!
-
Rứa thì lên liền đi, nì, có mấy trấy mãng cầu nơi chổ nớ, lấy hết đem lên mà
ăn. Bựa ni không được về nữa nghe chưa!
Nước
mắt chị lý lại tuôn ra từ hai hốc mắt sâu!
- Chị
có chết cũng đừng về, hu…hu…hu…hức…hức ..nói với ông và mụ côi nhà là chị gởi
lời thăm!
Hóa
tủi thân khóc như mưa! đưa tay quệt nước mắt vào tay áo:
- Răng
chị để thằng Địch đi lính!
- Đêm
mô cũng bị kêu đi họp, cứ họp về hắn khóc! Không cho hắn đi chự trâu nữa!
- Răng
mà khóc?
- Họ
nói hắn là cháu Lý trưởng, ác ôn!
Hóa
không hiểu chi cả! “Họ” là ai, “Lý trưởng” là chi, “ác ôn” là
chi, vì răng mà phải bắn con Vện… Không hỏi nữa!
Ngồi
khóc thút thít, hắn thương chị Lý, từ nay không còn ai dắt đi chợ, đi thăm bà
con, đi thắp nhang trên rú, bên nhà thờ họ… thương con Vện, Thương thằng Địch,
không biết chừ hắn ở mô!!!
Nổi
sợ hãi không tên mà chị Lý gieo vào lòng hắn làm hắn lấm lét dắt xe ra ngỏ, cắm
đầu cắm cổ đạp như điên như dại…Vừa đạp hắn vừa khóc!
Chừ
hắn mới nhớ ra, lúc đi về, làng không một bóng người! Hắn sợ và ghét “Họ”!
Ngày 29 tháng 12 năm 2012
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập
nhật lại- ngày 26/09/2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Thuân ngày 01/05/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Hạt
mầm trót vay! – Truyện ngắn Trạch An Trần Hữu Hội (Ninh Thuận/SG)
Chủ
nhật - 21/04/2013 11:25
Một
giọng nữ gấp gáp, xúc động: “- Chị Mây chết rồi anh Hoàn ơi! Vừa đưa sáng nay,
em tình cờ đi thăm con bạn mới hay tin…Chị ấy đang đi từ phòng trà về nhà, một
cậu trai đi loạng choạng, chưa đụng chị ấy, nhưng chị ấy mất bình tỉnh thay vì
giảm ga, lại tăng thêm, xe đâm vào cột điện!!!”
Tác giả Trạch An Trần Hữu Hội
Họ tên Trần Hữu Hội
Sinh 1955. Tại An Lưu, Quảng Trị.
Thường trú trước 2015: Ninh Sơn, Ninh Thuận
Nơi ở và viết hiện nay: TP. Sài Gòn
Email: trachan555@yahoo.com.vn
_____
Chuông
điện thoại reo khi Hoàn vừa thức giấc, định ngồi dậy.
- A
lô!
Một
giọng nữ gấp gáp, xúc động:
-
Chị Mây chết rồi anh Hoàn ơi! Vừa đưa sáng nay, em tình cờ đi thăm con bạn mới
hay tin… Chị ấy đang đi từ phòng trà về nhà, một cậu trai đi loạng choạng, chưa
đụng chị ấy, nhưng chị ấy mất bình tỉnh thay vì giảm ga, lại tăng thêm, xe đâm
vào cột điện!!!
- À….à..
xin lỗi, ai vậy?
- Em,
Phú đây mà… Bây giờ em đang đón xe lên, xe bus.
- Lên
đâu?
- Lên
trên Ninh Sơn…
- Làm
gì vậy?
-
Em lên nhà! Vừa đưa đám chị ấy xong em chạy ra xe bus ngay nè…
Hoàn
ngồi mấy giây không hiểu ai chết và ai báo tin!
- Xin
lỗi, em là ai vậy ha?
-
Phú đây mà! Phú gần nhà anh, bán vật liệu đó!
- À
Phú!
Lúc
này Hoàn mới hiểu, nhưng chưa biết nói gì!
- Em
thấy hôm trước chị ấy cứ hỏi thăm anh, nhờ em xin số điên thoại, nên em báo cho
anh… Hôm đám cưới con em, chị ấy lên, chờ anh, tưởng em có mời anh! Thấy chị ấy
buồn mà tội!
- À,
Mây, sao mà chết vậy?!
- Chị
ấy tự tông vào cột điên! Anh cầu nguyện cho chị ấy đi, tên thánh là Luxia!
-
Anh cảm ơn Phú nhé!
Đến
lúc này, Hoàn mới hiểu hết cuốc điện thoại… Anh tắt máy ngồi thừ ra một lúc… có
lẽ lát nữa rồi gọi lại. Vừa xin lỗi đã không nhận ra Phú, và hơi bất ngờ nên hờ
hững với tin buồn của một người mà mình đã từng quen, từng thân thiết!
Hoàn đốt một điếu thuốc, ngồi nhớ lại cuộc điên thoại sáng nay. Mây
Chiều là Nikname của một người bạn tên là Phan Thị Loan! Một số bạn quen từ lâu
thì biết cái tên thật này. Gần 15 năm trở lại đây, Loan luôn giới thiệu tên
mình là Mây.
****
Có
lẽ cũng đã gần ba mươi năm. Sau chuyến vượt biển ở Phan Thiết không thành, Hoàn
không bị bắt vì bể từ khi chưa xuống bãi. Trở về nhà trên chuyến xe. Anh tình
cờ gặp Loan. Lúc ấy là kế toán của một trường Trung Học ở Phan Thiết.
Tránh
đi xe Phan Thiết-Phan Rang, gần trưa, anh đón được một chiếc xe khách Sài
gòn-Nha Trang. Vừa lên xe một quãng chưa ra khỏi Phan Thiết, xe ngừng ăn cơm!
Anh xuống đứng bên lề đường ngoài quán
ăn một quãng... tránh gặp người quen. Áng chừng
thời gian ăn đã xong, Hoàn quay lại nhưng xe vẫn chưa chạy, anh đứng dựa
vào thân chiếc xe tránh nắng, nhưng cái nắng giữa trưa không đổ bóng phía nào.
Một cô gái có lẽ cũng không ăn trưa, đang đứng đó, tờ báo che trên đầu… Hoàn mỉm
cười và cô ấy gật đầu cười lại. Tờ báo được banh rộng ra thêm, tạm đủ che hai
người.Lên xe, Loan đổi chổ cho một hành
khách, hai người ngồi bên nhau.
Một
cô gái gốc Huế, sinh ở Phan Rang.
Sau
khi cùng xuống Phan Rang, Hoàn về nhà mình ở Ninh Sơn và gần như không nhớ gì
chuyến xe và cô gái tên Loan. Nhưng hai ngày sau, cô ấy vào ngay nhà khi Hoàn vừa đi rẫy về, chuẩn bị tắm . Trên
tay có một túi Thanh Long và chiếc túi
xách nhỏ mang trên vai.
Có
lẽ những bản nhạc hát cùng nhau, cùng bạn bè của Hoàn, làm tình cảm của Loan
thêm thân thiết. Với anh, Hoàn thấy mến cái gàn gàn có vẻ bất cần, thêm chút
thông minh… trong con người ấy. Nhà anh luôn có bạn, nhạc vàng bị cấm nhưng
cũng vẫn được bạn bè của Hoàn hát hằng đêm với dăm ba xị rượu… Sau đó Loan vào
ngủ với mẹ anh, còn anh, nằm sắp lớp với đám bạn ở nền nhà… Loan ở lại bốn ngày
tại nhà Hoàn, những ngày vào suối cùng bạn bè vẫn không làm Hoàn thêm chút tình
cảm nào! Chỉ lúc đưa Loan lên xe, anh mới có chút bồi hồi khi bắt gặp ánh mắt
nhìn buồn bã của Loan, Hoàn nhận ra Loan khá đẹp!
Rồi
không gặp lại nhau đến chừng sáu, bảy năm.
****
-
Anh Hoàn!
- Loan! Em làm gì đây?
- Em
chờ tàu vào Sài gòn, còn anh?
Chen
vào chỗ Loan vừa nhích ra, cơn mưa bất ngờ làm nhà ga thêm chật chội, hành
khách chen chúc nhau dưới hàng hiên.
- Anh
cũng vào Sài Gòn.
- Lâu
nay anh làm gì?
- Anh
cũng chỉ ở trên đó thôi, có đi tù gần ba năm.
-
Anh chưa lấy vợ à?
- Chưa,
còn Loan?
- Em
lấy chồng rồi…
- À,
anh ấy làm gì vậy Loan?
- Lái
máy ủi cho công trường thủy lợi anh à.
- Tốt
lắm, có công ăn việc làm như thế thì ổn định và hạnh phúc lắm rồi…
Lạc,
một người bạn của Hoàn đang đi vào ga, Hoàn gọi bạn, rồi chào Loan. Hoàn tới
bên Lạc, cả hai tìm quán ngồi chờ… Vào đến Sài gòn, anh tìm Loan chào tạm biệt,
nhưng đông đúc, chen lấn quá không tài nào tìm được.
Và
rồi anh lập gia đình.
Năm
tháng trôi dần trong cuộc mưu sinh vất vã. Một lần về thị xã Phan Rang rữa ảnh.
Chỗ anh ở không cho phép đặt máy rọi, các thợ ảnh phải về cửa hàng nhiếp ảnh
Quốc Doanh ở thị xã để phóng hình, vì xe cộ khó khăn, nên Hoàn phải ở lại…
Anh
gặp lại Loan. Sau một lúc chuyện trò, Loan mời Hoàn về nhà chơi. Nghe Loan có
nhà riêng ở thị xã, anh cũng mừng thầm cho cô ấy. Khi về đến nơi, mới biết là
anh chồng đã bỏ mẹ con Loan, hơn một năm rồi. Loan sống với đứa con trai mà không
cần biết anh ấy đi nơi nào!
Từ
chối ở lại, lấy cớ là phải về cửa hàng rọi ảnh trong đêm để sáng mai còn sấy khô,
cho kịp lên lại Ninh Sơn, thời này mọi khâu tráng rọi ảnh còn thủ công và vất
vã… Loan nhìn anh không nói gì, mắt buồn rầu làm Hoàn lúng túng, chào nhanh rồi
đi ra ngỏ.
Lúc
này đã chuyển qua hình màu, trong nhà lại mở thêm kinh doanh internet, bán băng đĩa nhạc… Hoàn
thường xuyên xuống thị xã để làm hình ở Lab, lấy hàng… Cuộc sống cũng không khá
hơn là bao. Một gia đình gồm hai vợ chồng và ba đứa con, thu nhập cũng đắp đổi…
Mỗi lần đi như thế, anh thường mua vài tấm vé số cầu may…
Hoàn
vừa chạy xe vào thị xã vừa tìm người bán vé số... Anh dừng lại sát một người bán
vé số đi bộ bên đường.
-
Cho tôi mấy tấm vé.
-
Anh mua mấy tấm… Ôi, anh Hoàn!
Loan
lặng đi một giây rồi những giọt nước mắt buồn tủi thay nhau lăn trên má!
Hoàn
nhìn lại, Loan đang mang thai, chắc cũng đã vài tháng!
-
Anh ấy về lại rồi ư?
- Với
một người khác, nhưng cũng đã bỏ Loan!
Hoàn im lặng không nói, một cái gì đó như lòng thương cảm dâng lên, cồm
cộm trong lồng ngực!
- Vào
quán kia đi, mình nói chuyện một lúc!
Loan
lau nước mắt, ngoan ngoãn theo anh vào quán…
Loan
hỏi anh có thường lên mạng không, anh nói thỉnh thoảng, nhà có kinh doanh
internet. Loan xin nikname của Hoàn và
ghi nikname: Maychieu57@yahoo.com
Hoàn
lấy cho mình năm tấm vé, lấy thêm năm tấm dúi vào tay Loan.
Anh
nhớ cũng có vài lần Loan nhắn tin, nhưng đa số là không trùng thời gian có anh trên
mạng, Hoàn trả lời tin nhắn, rồi phải lo quán xuyến mấy cái máy dở hơi vì… mua
với giá rẻ!
***
Cơn
đột quỵ làm Hoàn liệt nữa người! Ở vào tuổi năm mươi bảy, Hoàn tuyệt vọng và buồn
rầu! May có những lời an ủi của mọi người mà bớt đi phiền muộn! – Không chết là
may, còn minh mẫn mà nhìn con cái cũng hạnh phúc lắm rồi!
Những
lần tái khám và điều trị thường xuyên làm Hoàn mệt mỏi. Hơn một năn nay, anh
tạm phục hồi chút sinh lực.
Một
buổi chiều, anh nghe điện thoại reo:
- Xin
lỗi, Có phải máy của anh Hoàn không ạ?
-
Vâng, tôi Hoàn đây. Cô là ai?
-
Anh Hoàn! Em, Loan đây anh Hoàn. Nghe anh bị đột quy, em muốn lên thăm quá nhưng
ngại, nhờ mãi mới lấy được số điên thoại của anh!
- À,
Loan! Em thế nào?
- Em
đang làm quản lý cho phòng trà Giai Điệu. Lúc nào cũng nhớ anh với bản “Em tôi”
của Lê Trạch Lựu!
-
Giờ anh còn hát hò gì nữa đâu!
Thực
ra, thỉnh thoảng các con và vợ Hoàn, vẫn thường đến các phòng trà ở Sài Gòn
trong những lần đi tái khám, hát Karaoke trong nhà cho anh vui! Anh vẫn hát
được những bản nhạc yêu thích, trong đó, có khi là “Em tôi”.
- Phòng
trà có tổ chức hát với nhau, đông khách lắm, có mấy người trên đó xuống chơi
hoài. Em mời anh xuống một lần cho vui được không?
- Khó khăn lắm Loan à… Anh dường như rất khó đi xa nhà.
- Em mời luôn cả chị, về đây em lo mọi chuyện…anh nên đi xe bus.
Những cuộc gọi thương hơn, Loan cũng an ủi anh và muốn anh vui! Hoàn
luôn từ chối vì thấy khó khăn và bất tiện. Có một hôm:
- Mười bốn tháng Tư này là sinh nhật em! Em tổ chức tại “Giai Điệu”. Em
cho taxi lên đón anh được không? Nếu anh không muốn ở lại thì xe đưa anh lên
lại sau tiệc luôn. Có anh Lân bạn anh cùng đang ngồi đây, anh nói chuyện chút
nhé.
- A Lô, Lân đây, Hoàn nhớ mình không? Lân dạy trường Lâm Sơn ngày nào
đây mà!
Trong đầu Hoàn lướt nhanh qua những gương mặt người quen cũ, Anh nhớ ra
Lân, Giáo viên thời bao cấp, có đôi mắt lồi lém lĩnh.
- Nhớ, mình nhớ rồi, Lân còn dạy không?
- Hưu rồi ông ạ, nghe Loan nói Hoàn bị bệnh… Hai anh em định rủ nhau lên
thăm mấy lần mà chưa đi được, hay sẵn dịp này về chơi một chuyến đi. Loan nó
mong ông lắm!
- Để xem lại, nhưng cũng khó khăn lắm Lân ạ.
***
Hoàn
không dự được sinh nhật Loan, anh cũng buồn. Hôm trước sinh nhật một ngày, anh
báo tin. Loan nói thật nhẹ vào máy:
- Em
vẫn hy vọng phút chót có anh.
Loan
tắt máy.
Hai
ngày sau sinh nhật, Loan điên thoại:
-
Em và anh Lân đang ngồi quán cà phê gần nhà anh. Anh qua được không? Anh Lân
qua chở nhé.
- Thôi
được, con gái anh chở anh qua, khỏi phiền Lân, chờ nhé.
Lân
và Hoàn cũng đã quá lâu không gặp. Huyên thuyên chuyện trò, thỉnh thoảng anh
hỏi Loan vài ba câu. Loan im lặng nhìn anh. Một vài lần Loan nắm cánh tay bị
liệt, vuốt ve mấy ngón tay cứng đơ…
Trời
về chiều, quán vắng khách, Loan chuẩn bị về, Trao cho anh một túi giấy:
- Em
gởi anh hai tập nhạc tiền chiến. Có chiếc đĩa hôm sinh nhật…
Loan
ôm lấy Hoàn và hôn lên trán, mắt Loan long lanh:
- Em về!
- Ừ,
Loan về, có dịp anh về chơi…
***
Hoàn
vào nhà và nhờ con gái bỏ chiếc đĩa vào xem. Chỉ toàn những gương mặt lạ. Khách
hát, nhảy… Những bản nhạc quen. Loan đi lui tới các bàn… Cuối cùng, Loan cám ơn
bạn bè và hát mà không cần giới thiệu tên bản nhạc. Ban nhạc lúng túng chuyển
theo…
“Người nằm co… như loài thú… khi mùa đông về… người
nằm yên không kêu than buốt xương da mình…từng tiếng người… từng tiếng người… gọi
hoài giữa đêm…
“Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây… còn
bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này…còn bao lâu… cho mây đen tan trên bầu
trời… còn bao lâu… tôi xa em… xa anh… xa ta..
“Người
nằm đó như hạt lúa gieo vào đất này…
“Người
còn đó.. nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài…nhuộm đất này,…nhuộm cho hồng… hạt
mầm trót vay…
Vợ
và con gái cùng ngồi xem với Hoàn… Vợ Hoàn thốt lên:
-
Chị ấy buồn quá phải không anh! Sinh nhật mà không thấy chị ấy vui chút nào!!!
***
Cũng
chỉ mới bốn ngày sau hôm ấy! Cuốc điện thoại sáng nay làm Hoàn sững sờ! Anh
nhẩm lại từng lời trong bài hát “Phúc âm buồn” của Trịnh Công Sơn. Giọt nước
mắt đọng trên khóe mắt, khóc cho một “hạt mầm trót vay!”
Tháng IV.2013
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập
nhật lại- ngày 29/09/2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Thuân ngày 21/04/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Đêm
Phan Thiết… – Truyện ngắn Trạch An Trần Hữu Hội (Ninh Thuận/SG)
Thứ
Tư - 03/04/2013 21:25
Hương
ngồi trên bãi cát, nhìn mông lung ra biển. Thoáng trong gió, vẫn còn một cảm
giác sợ sệt mơ hồ… Hình ảnh của Hiến hiện lên, dập dềnh, dập dềnh…theo cơn
sóng. Những giọt nước mắt lại dâng lên mi… Những giọt nước mắt không ngừng chảy
từ hai mươi chín năm nay.
Tác giả Trạch An Trần Hữu Hội
Họ tên Trần Hữu Hội
Sinh 1955. Tại An Lưu, Quảng Trị.
Thường trú trước 2015: Ninh Sơn, Ninh Thuận
Nơi ở và viết hiện nay: TP. Sài Gòn
Email: trachan555@yahoo.com.vn
_____
Hương ngồi trên bãi cát, nhìn mông lung ra biển. Thoáng trong gió, vẫn
còn một cảm giác sợ sệt mơ hồ… Hình ảnh của Hiến hiện lên, dập dềnh, dập
dềnh…theo cơn sóng. Những giọt nước mắt lại dâng lên mi… Những giọt nước mắt
không ngừng chảy từ hai mươi chín năm nay.
Hai
mươi chín năm. Kể từ ngày chị rời nơi đây với niềm hy vọng ít hơn nổi sợ hải !
Niềm tin về một nơi có cái ăn, cái mặc,
cuộc sống không phải lo toan từng bữa, từng ngày…Hạnh phúc được sống cùng Hiến,
bên nhau mãi mãi… Quá xa xăm mơ hồ. Trong khi nổi sợ hải, bất an… thì hiện hữu
thường trực trong lòng chị và cả Hiến. Nỗi lo lắng cho bản thân và cả cho nhau.
Hai
mươi chín năm đơn độc, nuôi đứa con mà
thượng đế đã hào phóng ban cho chị,
không, cả Hiến nữa! Nó đã cho chị niềm hạnh phúc, cho chị niềm tin rằng Hiến
vẫn sống bên mẹ con chị, cho chị nghị lực… để không buông xuôi trước những đa đoan, cô quạnh nơi
xứ người!
- Hiến
ơi, ổn rồi, ổn lắm rồi…Chỉ có niềm đau , nổi buồn không có anh. Hiến ơi!
Gió
biển cuốn ra khơi xa những lời thầm thì như tiếng thở dài của Hương…
****
Sau
tiếng chuông, học sinh rời phòng học như một đám ong, Hương uể oải nhìn buổi chiều buông xuống trên thành phố
hắt hiu, một nổi buồn lo lại dến ngập lòng chị mỗi khi đêm về. Những bước chân
nghiêm nghị cố tạo, Hương bước qua cổng trường Hữu Nghị, nay đã là Phan Bội
Châu, nhưng vẫn chưa ai quen với tên gọi này, hướng về nhà tập thể.
Bất
giác, Hương quay lại, một gã cán bộ đội chiếc nón cối nhoẽn miệng cười:
-
Hiến! Anh, anh được tha à?
- Không,
cứ đi tiếp đi. Anh trốn trại! Có chỗ nào ngồi nói chuyện một lát không em?
-
Về phòng tập thể của em?
-
Không, kiếm cái xe nước mía nào khuất khuất chút, mình ngồi hay hơn.
Trời nhá nhem tối, băng qua chợ. Xe nước mía nào cũng vắng khách… Hiến kéo hai cái ghế con ra
xa, dựa lưng vào tường rào một căn nhà phố, nhìn ra dường, cô bé mang đến hai ly
nước mía còn sủi bọt, dặt lên một chiếc ghế khác…
- Họ
cần một người biết tiếng Anh. Khỏi chung vàng!
- Em
định cuối tuần này về đi thăm anh…
Đôi
mắt Hiến rạng rỡ, trên khuôn mặt ương bướng mà chị luôn muốn ghì lấy mỗi lần
hai người gần nhau…
-
Khi nào đi vậy anh? anh có cùng chuyến không?
-
Hai ngày nữa, cùng chuyến. Nghe nói cần thêm một người biết tiếng Anh, anh mừng
quá!
-
Liệu họ có đồng ý không?
-
Phải đồng ý, cái Hải bàn anh giữ mà.
Chiếc
hải bàn mua bằng sáu chỉ vàng, qua hai chuyến đi không thành, anh vẫn chôn dấu
được trước khi bị bắt. Nó là chiếc bùa hộ mạng của Hiến.
-
Cũng những người cũ hả anh?
-
Một số cũ, lần này có một tay vừa cải tạo về, làm việc có vẽ kỷ càng hơn. Mua
bãi hai cây. Họ cho người ra tới trại giam Sông Cái liên lạc với anh.
-
Cái nón cối này…
-
Anh “chôm” của một tay cán bộ, bộ đồ này của một người trong nhóm cho.
Hương
nhìn cái áo trắng cụt tay rộng thùng thình, cái quần kaki màu nâu và đôi dép
râu màu đen... Nhìn chung, Hiến giống một cán bộ ngành Thương nghiệp hay Lương
thực.
-
Đêm nay anh ngủ đâu?
- Anh
đinh thuê chiếu ngủ ở bến xe Phan Thiết, nhưng coi bộ không nên. Có thằng bạn ở
bên thành đoàn, TNXP, nhưng cũng ngại cho hắn. Xuống Trường Y Tế Phong Nẫm cùng
Lý thì phải giải thích này nọ về chuyện trốn trại. Anh rất ngại cô em họ lắm
mồm này! Có lẽ anh ra Ga ngồi chỗ nào kín nhất, qua đêm. Em cứ về nhà tập thể
như mọi khi.
- Ga
đông người quen ngoài mình đi buôn lắm!
- Không
lên tàu nên cứ tìm chỗ khuất mà ngồi… Có gì cũng dể chạy!
-
Em ở cùng anh được không?
- Không
nên, Các bạn ở tập thể trường thắc mắc.
- Tụi
nó biết em hay xuống Lý, chắc nghỉ tối nay cũng vậy.
Hiến
im lặng. Anh thèm được bên Hương biết bao nhiêu! Bốn tháng trong trại anh nhớ
Hương đến quay quắt! Lần trước lâu hơn nhưng ở tận Bà Rịa, Hương lo lắng nhưng
không biết ở đâu nên chẳng thăm, anh chấp nhận, cũng nhớ nhưng không bằng lần
này! Hiến thở dài nắm tay Hương.
-
Cũng được em ạ!
****
Khuất
trong đám cây dại lúp xúp xa đường ray xe lửa. Hiến nằm nhìn lên trời cao với
những vì sao lấp lánh. Nổi bất an cũng vơi dần…
Anh
nhớ tới những ngày nào, khốn đốn từ những chuyện không đâu…
Sau
75, Anh chấp nhận những đổi thay của Xã hội như một số Thanh niên khác. Cũng
háo hức xây dựng một cuộc sống mới. Một đất nước thanh bình không chiến tranh,
không lệ thuộc vào ngoại bang… Anh tham gia Phong Trào Thanh Niên và làm phó bí
thư chi đoàn, bên cạnh, nhờ có hai năm Đại học, anh được chỉ định làm
Tuyên-Văn-Giáo thôn.
Nhiệt tình của anh vấp phải một chuyện nhỏ nhưng người ta cho là lớn.
Anh bị nghi ngờ…
Khoảng
tháng 10/75. Chủ trương xóa đi tàn tích văn hóa cũ: Dâm ô, đồi trụy và nô dịch,
không lành mạnh…
Không sai, trong xã hội cũ, theo anh, bên cạnh những cuốn sách hay, vẫn
có những cuốn sách mang nặng những nội dung không hay và nhảm nhí thậm chí tục
tằn. Địa phương của anh… trước đây có nhiều người đi làm sở Mỹ. Những cuốn
Playboy, Tranh khỏa thân… vẫn còn đâu đó trong dân. Không có giá trị bao nhiêu
về nghệ thuật, tư tưởng…
Chiều
hôm đó, anh có nhiệm vụ thông báo trên loa phóng thanh của thôn về chủ trương
thu giữ và tiêu hủy sách cũ. Các thôn khác cũng như thế.
Sáng hôm sau, rất nhiều sách được người trong thôn mang đến nộp. Có sự
chứng kiên của Tuyên Giáo Huyện, địa phương của anh được đánh giá là thành phần
Trí Thức nhiều nhất trong Huyện, trong Xã.
Hiến
vui cười với những bà con bạn bè đem đến những cuốn truyện kiếm hiệp của Kim
Dung, Hàn Giang Nhạn…Truyện trinh thám 007, Z.28 của “Người Thứ Tám”…Một số của
“Người Khăn Trắng”, Dương Hà, Tùng Long ...Trong đó có một số, anh không cho là
đồi trụy, tuy nhiên , cũng không cần phải trả vì đa số cũng chỉ loại sách xem
giải trí.
Khoảng gần trưa. Một chiếc xe kéo tay mang đến một xe sách. Tất cả
khoảng bảy thùng “các tông” lớn có nhỏ có. Anh nhận ra người kéo xe là con trai
của Thầy giáo Lê Thanh Ninh. Thầy dạy Sử - Địa
một trường Trung học ở Quy Nhơn. Người đi theo là vợ của thầy… Gương mặt
cô ấy trông thật thảm hại:
- Thầy
bị đau nên không đi được, cô đem sách đến nộp.
Hiến
biết Thầy bị phổi nặng, nước da thầy đã chuyển qua xanh tái, kèm theo những
tiếng ho khan từ hai tháng nay.
Hiền
mở mấy thùng “các tông” xem qua. Một số tập san: Văn, Văn Học …còn phần nhiều
là Tự Điển, Sách Tham khảo, Thế Giới Sử, Việt Sử… Một số tác phẩm văn học Tiếng
Anh, Pháp… Và cả những bản dịch Việt Ngữ…
Hiến
bối rồi thật sự vì khó phân định…
Có
lẽ cũng thấy xót xa cho chồng, cô Ninh nói nghèn nghẹn:
- Thôi…
cô về nghe em…Con ở lại kéo xe về sau…
Hiến
tự dưng hốt hoảng:
- Khoan
cô ạ, em thấy trong này có một số, có lẽ cô mang về cho thầy chứ không phải
nộp!
Anh
Tuyên Giáo Huyện, một cán bộ, nghiêm mặt:
- Không
mang về được. Nộp và tiêu hủy tất cả! Anh lấy quyền gì mà trả lại?
Hiến
lôi ra mấy cuốn tự điển Hán-Việt, Anh-Việt và Pháp-Việt… Cuốn “Phong Lưu Đồng
Ruộng” của Toan Ánh… bỏ lên bàn:
- Những
cuốn này mà dâm ô đồi trụy và phản động ở chỗ nào?
Những
năm học Đại Học, mấy cuốn sách này là mơ ước của anh, nó khá đắt!
Anh
cán bộ quay qua mấy Du kích:
-
Mấy anh cho vào trụ sở đi…Tất cả!
Nhân
lúc Hiến đang đứng bên xe kéo, gã cán bộ đẩy chiếc ghế của anh ra sau, kéo
chiếc ghế hắn đang ngồi qua chính giữa bàn. Hiến nghe nghèn nghẹn trong ngực,
máu dồn lên mặt anh đỏ gay:
-
Đồ…dốt!
Tiếng
hét của anh làm tắt lặng hết mọi âm thanh! Không có ai dám nói với cán bộ Tuyên
Giáo Huyện như thế cả!
Bước
chân Hương nhẹ nhàng đến và tiếng nói nhỏ nhẹ làm Hiến trở về với thực tại:
-
Anh chờ lâu không? Em ghé nhà con bạn mượn ít tiền. Bánh mì khá cứng, anh cố ăn
nhé.
-
Bạn em không nghi ngờ gì chứ?
- Không
đâu, Nó có gia đình…biết em hay kẹt tiền giữa tháng mà.
Hiến
thấy đói cồn cào. Anh ăn ngấu nghiến ổ bánh mì cứng sửng, Nhưng mùi vị tuyệt
vời ngòn ngọt của tinh bột làm anh có cảm giác khúc bánh mì ngon nhất từ trước
tới nay! Cả một ngày anh chưa có gì vào bụng!
Hương đưa khúc bánh mì mới ăn một phần cho Hiến:
- Anh
ăn dùm em đi, em không nuốt nổi!
- Không,
em phải ăn. Anh chan nước mía vào cho em nhé, sẽ mềm hơn.
-
Không, em mừng quá không ăn nổi!
Hiến cầm tay Hương, Ghì lấy đầu nàng, nụ hôn nóng bỏng gắn lên môi, đôi
môi khao khát vồ vập nhau với tất cả ngọt ngào nhung nhớ… Và rồi ..hai thân thể
tan chảy trong nồng nàn yêu thương!
- Qua
được, mình có làm đám cưới không anh?
-
Có ai quen đâu mà đám cưới, chỉ có làm phép ở nhà thờ là đủ, ha em?
- Ừ
nhĩ, em quên ! à mà những người cùng chuyến sẻ dự lể cưới tụi mình!
- Có
thể, một số có đạo thôi…
- Lạy
Chúa, cho lần này mình có…
Hiến
ôm vai Hương, hôn lên tóc:
- Không
lần này thì lần khác cũng sẻ có, Anh thế này mà không có con sao?!
-
Em muốn có ngay từ lần đầu, sẽ hạnh phúc hơn khi nghĩ đến hôm nay, nơi góc
khuất của Ga này, trên thảm cỏ này!
-
Ừ, sẽ có đó em, chúng ta yêu nhau mà!
-
Em sẽ nhớ mãi đêm này: 21 tháng 5 năm 1984.
Lại
một nụ hôn dài trong gió và mùi dầu hăng hắc của sân ga!
****
Trời
tối như bưng. Nhóm của Hiến tập trung đủ 26 người trên bãi, chờ hơn một giờ rồi!
Bao
lo âu nghi hoặc! Càng lo âu họ càng im lặng như nín thở, hướng mắt nhìn ra biển
nguyện cầu, họ sợ bị bỏ rơi!
Hiến
và Hương cũng cùng tâm trạng với họ.
Chừng
20 phút sau, ngọn đèn đỏ mờ mờ hiện ra cách xa bờ chừng 50m, xoay vòng làm
hiệu. Hiến đáp lại bằng ngọn đèn pin cũng màu đỏ cầm trên tay…
Tất
cả thở phào, Hiến nói vừa đủ cho mọi người nghe:
- Lội
ra mau. Ai có con dại thì cột chặt vào người, nhớ bịt miệng thật chặt khi nó
khóc.
Đều
này anh dã nói trước, thế mà lúc này cũng nhắc lại như một phản xạ tự nhiên!
Trên thuyền có tiếng nói rõ mà nhẹ:
- Người
giữ hải bàn và người biết tiếng Anh lên trước đi.
Hiến trả lời cũng rõ và rắn:
- Tôi
giữ hải bàn, tôi sẽ lên sau cùng.
- Những
bàn tay đàn ông kéo những người trong nhóm Hiến lên ghe, rất nhanh và êm thấm,
anh đẩy lưng Hương, hai bàn tay cùng đưa ra đón hai người… Ghe chật, trong đêm
tối, anh gặp ánh mắt thân thiện của “người mới cải tạo về”:
- Gọi
mình là Phú.
- Tôi
là Hiến, có lẻ nhỏ hơn anh! Bao nhiêu tất cả vậy anh Phú?
- 53
mạng lớn nhỏ.
Chiếc
ghe chèo theo hướng ra biển, sóng vỗ nhẹ hai bên mạn ghe.
Hình
như ai cũng thấy dấu hiệu của may mắn khi tiếng máy bắt đầu nổ. Chiếc ghe lao
nhanh trên sóng, xa dần bờ yên tỉnh!
****
Đêm, Ngày, rồi đêm và ngày… Đêm lạnh ngắt, ngày nắng như thiêu…
Những
gương mặt đàn ông cũng như đàn bà. Phồng rộp, đỏ au… lũ trẻ được trùm khăn kín
mít, nằm trong lòng người thân như đã chết! Những cơn sóng cao, nhồi con tàu
như chiếc lá khô mỏng manh, hầu hết đàn bà tựa vào nhau lờ đờ… Có tất cả chín
người đàn ông, nhưng sóng, gió và nắng làm họ rũ rượi như những bệnh nhân!
Hương cũng ôm một cháu bé, con của một người có ba cháu nhỏ đi cùng, tựa vào
chiếc thùng phuy đựng nước đặt giữa ghe, mặt và thân cháu bé đã mưng mủ nhiều
chỗ!
Ngày
thứ sáu, Phú kéo Hiến và hai người đàn ông còn khỏe mạnh khác, đến bên chỗ tài
công, hét trong tiếng sóng và gió:
- Lương
thực và nước gần cạn, hạn chế tối đa. Ai có con dại, lấy sẵn cho họ một Bi đông
và dặn họ tiết kiệm, tránh đi lại nhiều.
Một
người rụt rè:
-
Chừng bao lâu nữa thì…
-
Bốn năm ngày, nếu may mắn thì chúng ta có thể thấy Philippin, nhưng mong nhất là
gặp một tàu ngoại quốc tử tế, hình như hải phận Quốc Tế rồi.
Niềm
hy vọng lóe lên trên những gương mặt sầu thảm!
Sáng
ngày thứ bảy, trời yên ắng hiền hòa! Những chú cá chuồn từ đâu xuất hiện lao
vút qua ghe, một số con rớt vào ghe làm mọi người mừng rỡ!
Ngày
sau lại sóng gió lớn hơn, sẫm tối thì mưa. Những con sóng dữ dội chưa từng thấy
nhồi chiếc ghe lên cao rồi lắc giật liên tục!
Phú
thét lớn với Hiến trong khi tay ôm chặt cột cabin:
- Cột
chặt dây vào mũi ghe rồi lần tới đây đi…
Phải
ba lần Hiến mới hiểu Phú nói gì. Anh nằm soãi người kéo cuộn dây tói tìm đầu mối, khó khăn lắm
mới cột được vào mũi ghe. Anh lần dây bò giữa ghe về phía Phú, vừa bò anh vừa
hét cho mọi người bám chắc vào dây. Đoạn đường từ mũi ghe đên cabin như dài vô
tận! Khi Phú cùng Hiến đang cột dây vào thân chiếc cột, một con sóng cao kèm
nhiều tiếng thét nỗi lên, không thấy gì ngoài mưa và gió!
Gần
sáng, sóng gió không còn hung dữ, Hiến và Phú hãi hùng nhìn cảnh tượng trên
ghe. Hơn nửa số người biến theo cơn sóng gió! số còn lại nằm gọn giữa lòng ghe
ngập nước, không thể phân biệt được ai còn sống và ai đã chết, bốn thùng phuy
nước uống lật nghiêng… Không thấy cả tài công! Chiếc máy im re không động tỉnh!
Hiến
đến bên Hương, có lẽ nhờ hai thùng phuy nước trống rỗng kèm hai bên nên Hương
đã không văng xuống biển! Bụng Hương còn chút hơi ấm.
Phú
gục đầu rên rỉ như một con thú. Vợ và hai đứa con gái không còn, đứa con trai
nằm lịm bên anh! Không có ai, không có một cái gì trên mặt biển chứng tỏ rằng
hơn ba chục con người vừa rớt xuống đó đêm qua! Chỉ còn một số đồ đạc dập dềnh…
Ghe
như đứng yên, nhồi theo từng con sóng. Không còn lương thực, không còn nước,
nắng như thiêu… Hiến buông người nằm xuống bên Hương, bàn tay anh nắm chặt tay
Hương, Nổi hối hận dâng lên trong lòng! Rồi trong đầu Hiến lóe lên một lời
nguyện cầu khẩn thiết: “Lạy Chúa, Xin cứu chúng con!”
***
Năm
ngày trôi dật dờ…
Không
một chiếc tàu nào đi ngang. Mấy người chết bắt đầu bốc mùi thối! Phú và Hiến
cùng ý nghĩ : “Cho họ xuống biển thôi!”. Trên ghe còn lại đúng 16 người, 16 cái
thây bất động! Phú và Hiến gom họ vào trong cabin. Những con chim biển chao
lượn trên bầu trời nắng chói! Tấm bạt được căng ra hứng sương đêm… Phú và Hiến
đến nhỏ từng giọt vào những đôi môi nứt nẻ!
Những con tép biển búng vu vơ, có con rơi vào ghe. Phú nhìn Hiến, cả hai
bò đi nhặt rồi chia cho mỗi người mỗi con…
Những
ngày sau, cả hai lên nằm trên cabin, cạnh chỗ căng bạt, cố gắng nhặt những con
tép quý báu… Bên dưới cabin, đã có thêm mấy cái xác bốc mùi!
Mọi
hy vọng đều tan biến trong cái đói lã và khát bỏng cổ: “Bờ!”, Đó là đều duy
nhất còn lại trong những bộ não đã dại đi vì đói khát!
Phú
và Hiến cũng không còn sức, mặc cho những cái xác bốc mùi! Người chết và người
sống không còn phân biệt được nữa.
Sẩm
tối, biển lại mưa! Phú và Hiến mừng đến dại người… Cả hai lăn hai cái phuy để
giữa ghe hứng nước, nổi mừng tăng thêm cho cả hai chút sinh lực. Sóng đánh vào
chiếc ghe lắc lư, cả hai cố giữ hai cái phuy đang chao đảo, hơn hai giờ mưa, hai
cái phuy không cần phải giữ, đã đủ nặng đễ đứng yên. Biển tối đen và những cơn
sóng.
Hiến
lần đến bên Hương, cơn mưa và nước như phép mầu làm Hương gượng ngồi dậy khi
Hiến đến. Hiến ôm vòng qua người Hương lạnh ngắt, Hương thều thào vào tai Hiến:
-
Có hứng được gì không anh?
- Có,
gần đầy hai thùng em ạ.
- Anh
Phú thế nào rồi?
- Còn
sống, anh ấy đang ngồi với con.
Hiến
nhớ đến hai con tép mò được hồi chiều, trong cái lỗ trũng gần bánh lái… Anh
đứng lên chập choạng đi về sau ghe. Mưa và sóng vẫn giật từng cơn. Khi trở lại,
một cơn sóng tràn lên ghe với cú lắc mạnh làm Hiến văng xuống biển. Hương thét
lên hoảng hốt quay lại phía Hiến, nhưng một màu tối đen và mưa gió quất vào mặt.
Hương gục xuống hai bàn tay nức nở:
-
Hiến, Hiến…ơi!
Chỉ
có sóng, gió, mưa và một màu đen của đêm.
****
Hương
mở mắt, nhìn quanh, gắng ngồi dậy mà không được. Miệng và mũi chị cảm thấy mát
lạnh, có cái gì như chiếc mặt nạ nhỏ chụp lên đó.
Một
người phụ nữ mặc áo Blue trắng, da ngăm đen, mập mạp, đến bên chị mỉm cười, nói
một câu gì đó chị không hiểu, Bà ấy không nói tiếng Anh!
Người
phụ nữ giảng giải thêm thật nhiều, nhưng chị chỉ đoán, có lẽ đây là Philippin
vì nó được nhắc lại nhiều lần! Người phụ nữ nhẹ nhàng dặt bàn tay lên trán chị
một lát, rồi vẩy tay cười hiền, rời khỏi giường.
Bốn
ngày sau, Hương biết mình sống sót cùng hai cha con Phú, và thêm ba người nữa.
Tàu tấp vào Philippin rạng sáng hôm sau, khi cơn mưa vừa dứt.
Phép
màu đã xảy ra, nhưng quá muộn màng! Chị lại bật khóc:
-
Hiến ơi! Anh đâu rồi Hiến ơi!
Như
một tia chớp lóe lên trong đầu… Chị đặt cả hai bàn tay lên bụng… Chị nhắm mắt
nguyện cầu!
Ninh Thuận 22 tháng 3 năm 2013
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập
nhật lại- ngày 26/09/2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Thuân ngày 03/04/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Số
phận … – Truyện ngắn Trạch An Trần Hữu Hội (Ninh Thuận/SG)
Thứ
hai - 04/03/2013 13:21
Trực
cuộn cái dây máy ảnh quanh ống kính, cho vào túi xách, ngán ngẫm nghỉ đến tối
nay phải ở lại vùng kinh tế xa xôi này! Không phải là một phóng viên đi làm
phóng sự. Anh chỉ là tay thợ ảnh chụp đám cưới! Đây là lần thứ hai anh vào chụp
tại vùng này…
Tác giả Trạch An Trần Hữu Hội
Họ tên Trần Hữu Hội
Sinh 1955. Tại An Lưu, Quảng Trị.
Thường trú trước 2015: Ninh Sơn, Ninh Thuận
Nơi ở và viết hiện nay: TP. Sài Gòn
Email: trachan555@yahoo.com.vn
_____
Trực cuộn cái dây máy ảnh quanh ống kính, cho vào túi xách, ngán ngẫm
nghỉ đến tối nay phải ở lại vùng kinh tế xa xôi này! Không phải là một phóng
viên đi làm phóng sự. Anh chỉ là tay thợ ảnh chụp đám cưới! Đây là lần thứ hai
anh vào chụp tại vùng này…
Chiếc
xe đạp nằm đó như nói: ”Tôi không cõng ông về được! Ông cũng không vác nổi tôi
qua suối đâu!!!”
Khách
đám cưới lần hồi ra về, 9 giờ đêm trong vùng này thật hoang vu…
- Anh
ở lại nhà chủ hay về vậy anh?
Trực
quay lại nhìn, một phụ nữ khá sạch sẻ và đẹp, hơi đen nhưng vẫn còn nét mặn mà
dù đã trung niên! Hình như cô ấy là người giúp nấu tiệc cho đám cưới.
- Nhà
chủ không biết có chỗ không nữa?! Khách bạn về đông quá! Tôi muốn có cái võng
nằm đại đâu đó sáng mai về!
Hung,
tên anh chủ nhà - Hung nhưng không dữ!- Anh nói với Trực:
- Anh
thợ nhiếp ảnh chịu khó vào trong rạp ngủ chung với mấy đứa cháu tui nhé. Chịu
khó một đêm mà… lu bu quá chẳng biết làm sao!
- Không
sao…Mình có cái võng nào không anh Hung?
-
Không có nữa chơ…
Người
phụ nữ góp ý, hơi ngần ngại:
- Nếu
anh thợ không chê thì qua nhà em nghỉ đỡ một hôm, nhà chỉ có hai mẹ con và bà
chị! Chừng một giờ nữa là cháu đi rừng làm củi rồi.
- Ừ
được đó! Hung mừng rỡ.
-
Có phiền gì cho chị không vậy!
Trực
cũng ngại ngần…
- Không
có gì đâu anh…xem như lở đường lở sá mà!
****
Họ
toàn là dân thành phố. Mà là dân có máu mặt trước đây, nhưng thuộc diện “không
lao động”.
Hồng.
Người phụ nữ cho Trực ngủ nhờ trong nhà mình tối nay. Trước là một bà chủ, có
ba cây xăng ở Thị Xã. Anh chồng gốc người Hoa. Sau 75 đi cải tạo vì ghiền ma
túy. Không biết gia đình lo lót thế nào mà từ trại cải tao, anh ra bờ biển Phan
Rí, lên thuyền vượt biên qua Mỹ khỏe re!
Chị
vợ ở nhà sau đợt đánh tư sản trở thành tay trắng, chồng đi rồi nên bên nhà
chồng cũng chẳng đoái hoài…
Số
vàng mà họ dấu được, còn để dành cho những chuyến vượt biển cả nhà sau đó vài
năm.
Vô
công rỗi nghề, phường cho lên Kinh tế mới!
Có
bà chị, Trước đây là vợ lẻ của một ông quận trưởng đâu tận dưới Miền Tây. Bơ vơ
cũng tìm về… với em gái, nhà chẳng còn ai…
Hồng
giới thiệu ngắn gọn với bà chị:
- Anh
thợ chụp ảnh cưới bên nhà anh Hung, không có chỗ nên qua mình ngủ nhờ! Chị chưa
ngủ à?
Người
đàn bà ngồi trong chiếc mùng cũ kỷ, ánh đèn không soi được gì …chỉ mờ mờ một
dáng người gầy, khô khan… Vừa ngáp vừa ngồi dậy…
- Ngủ
chung với thằng Túc, Khuya nó đi rừng rồi!
- Ngồi
chơi chút rồi ngủ cũng được, chi dậy nói chuyện cho vui…
-
Ah..à, Có chuyện chi mà nói!
Bà
chị nói trong tiếng ngáp, cũng cho chân xuống đất, vặn to ngọn đèn dầu…
-
Có thuốc không cho tui điếu?
- Có
đây chị!
Trực
nhanh nhạy rút gói thuốc ra mời... Cũng may anh ghiền thuốc nên khi nào cũng
thủ sẵn…
- Anh
ngồi chơi, Hồng đi rót nước…
Hai
cốc cà phê bột và một bình trà được bưng lên, ngọn đèn dầu vặn to làm không khí
trong nhà bớt buồn tẻ. Đứa con trai 16 tuổi thức dậy, lể phép chào khách rồi
mang ba lô, vác cưa đi làm củi trong rừng. Trời tối đen, Trực nhìn đồng hồ, 11
giờ đêm.
Người
phụ nữ đã có vẻ tỉnh táo, sau vài ngụm cà
phê và hai điếu thuốc… Kể về quá khứ xa xôi của mình… Chị kể một cách chân thực
làm Trực say sưa theo câu chuyện đời của chị.
****
Tan
trường, Sử Thị Kim Anh chờ cô em kế Sử Thị Kim Hồng trước cổng trường. Cô học
lớp đệ tam, cô em học lớp đệ ngũ. Là con nhà giàu, lại đẹp, cả hai là hoa khôi
của trường Duy Tân.
Chiếc
xe Honda PC 20 nổ máy rè rè làm nhiều nữ cũng như nam sinh ghen tỵ!
Một
chiếc xe chạy ngang, loa mở to hết cỡ, quãng cáo đoàn xiếc moto bay tối nay
diễn ở sân vận động. Chiếc moto màu xanh đen trần trụi với chiếc ghi-đông cao,
được để trên chiếc bệ trong lòng xe không trần, đập vào mắt Kim Anh, bỗng chốc
hấp dẫn cô một cách kỳ lạ!
Cô
là người hiếu động, trong gia đình cha mẹ ít khi hài lòng về cô. Kim Anh biết
vậy nhưng không làm sao khác được, muốn gì là làm đó… Năm ngoái, cô không ngần
ngại tát tai một cậu học sinh cùng lớp khi cậu này nghịch, cột vạt áo dài của
cô với Hà, bạn gái ngồi kề, làm rách áo cả hai! Cậu học sinh hùng hổ phản ứng, Kim Anh đã không ngần ngại
nhảy lên bàn đá bụp vào mặt làm cậu học trò choáng váng! Nếu không phải là con
gái thương gia Sử Kỳ Hào thì chắc đã bị đuổi học.
Kim
Anh chở Hồng lạng một vòng ra sân vận động xem qua có thật tối nay có diễn xiếc
không. Đúng là họ đang chuẩn bị.
Kim
Anh nôn nóng, nhưng tối hôm đó đoàn xiếc xin lỗi hoãn lại vì chưa chuẩn bị xong.
Đêm
sau và suốt bốn đêm đoàn xiếc diễn, không đêm nào vắng mặt Kim Anh!
Nhiều
trò hấp dẫn như khỉ đi dây, nhảy qua vòng lửa, nhào lộn… đều nhạt nhẻo đối với
Kim Anh, chỉ có mục moto là cuốn hút cô.
Tay
diễn viên xiếc mặc chiếc áo may-ô ngắn tay, sát nách, phô tấm thân lực lưỡng và
dẻo dai… nhào lộn đủ các tư thế từ ngồi, đứng, quỳ, hai chân, một chân, và cả
hai tay cầm ghi-đông toàn thân chổng lên trời trong khi xe cứ chạy quanh làm
Kim Anh mê mẩn!
Muốn
gì làm đó, thích ai thì Kim Anh không ngại ngần tiếp xúc và bày tỏ…
Ba
ngày sau khi đoàn xiếc rời thi xã ra Nha Trang, Kim Anh biến khỏi nhà, hai ngày
sau thì gia đình phát hiện tiền và vàng mất! Không biết bao nhiêu, chỉ biết là
nhiều!
Ông
Sử Kỳ Hào lái xe ra tận Nha Trang, đem theo ông cảnh sát, mang súng hẳn hoi,
nhưng chủ đoàn xiếc cũng chẳng biết là tay moto biến đi đâu, Đoàn bỏ màn diễn
moto trong những ngày lưu diễn kế tiếp!
****
Kim
Anh đã theo chàng trai lái moto trốn về Miền Tây. Trong một phòng trọ ở Cần
Thơ. Cô sống như vợ chồng với anh mà không cần đắn đo tính toán! Năm đó Kim Anh
vừa tròn 17 tuổi!
Họ
gặp lại đoàn xiếc, Chàng trai lại rong ruổi trên những vòng tròn vô tận với
chiếc moto.
Sáu
tháng sau, trong một lần tập lái moto, cú ngã làm cô gãy tay trái.
Một
tháng sau, trong ngôi nhà lá của một bà lang vườn, cô trục cái thai trong đau
đớn!
Một
đêm trời mưa mịt mù, căn lều của đoàn xiếc chao đảo, người tình tuyệt vời của
Kim Anh đi uống rượu chưa về. Ông chủ đoàn xiếc vào và Kim Anh đê mê với những
ngón làm tình già dặn, từng trải!
Từ
đó chị thích ông chủ hơn chàng trai. Còn chàng trai thì thích những cô gái thôn
quê nơi những chốn đoàn đi lưu diễn hơn Kim Anh!
Bà
chủ không hề ghen tuông mà còn tỏ ra đon đã hơn với chị bởi không phải Kim Anh
là người đầu tiên ông chủ ưu ái, mà toàn bộ những người phụ nữ trong đoàn đều
đã qua tay ông, trở thành người làm công không lương, không thù lao! Bản thân
bà cũng thế mà!
Trong một lần biểu diễn, có ông Quận Trưởng xem, Kim Anh sau khi chạy
moto trong lồng xiếc, chị cho xe vọt ra ngoài rồi chạy quanh khán đài làm khán
giả vừa sợ vừa vổ tay không ngớt! Chưa hết, chị chạy thẳng ra chợ, đứng một bên,
len lỏi giữa chợ làm hoảng hồn bà con… nhưng rõ ràng là họ thú vị vì được coi
xiếc không mất tiền!
Tuần
sau thì ông quận trưởng đem xe đến đón chị đi chơi…
Đêm
đó, ông ngây ngất với cô gái trẻ, Kim Anh vẫn còn đẹp và nồng nàn trong ái ân!
Ông
thuê một căn nhà cho Kim Anh để tiện lui tới trong những lúc rảnh rỗi. Nhưng
trong người chị như được chảy một dòng máu giang hồ! Thỉnh thoảng, chị bỏ nhà quay
về dăm ba ngày với đoàn xiếc, biểu diễn những màn nhào lộn trên chiếc moto… Và
khi thì ông chủ khi thì chàng trai lái moto… Đến với chị nơi nào có thể ngã tấm
lưng… Chị vẫn cuồng nhiệt đê mê!
Năm
tháng qua đi…Cuộc đời chị như cánh bèo!
Qua
không biết bao nhiêu cuộc vui, bao nhiêu lần hồi hộp trên vòng quay moto và
cũng không biết bao nhiêu hoan lạc với những người đàn ông trên dòng đời trôi
nổi!
Biến
cố 75 đến, chị mất hết chỗ nương tựa… Lúc này mới nhớ là mình có một nơi chốn
từng được xem là Gia đình, là Quê hương!
Nhưng
quay về thì mọi sự đã thay đổi. Chỉ còn cô em hiền lành nơi vùng Kinh tế mới xa
xôi! Chị về sống với em gái. Những năm tháng hiên tại được nhúng trong màu hồng
của ký ức… Những lúc buồn vui...
Chị
không hề hối tiếc gì về quá khứ, chỉ buồn là không có một đứa con! Có lẽ do tay
nghề của bà lang vườn năm nọ!!!
****
Trực
vác chiếc xe sườn ngang qua suối… Đêm thì ồ ạt hung hãn nhưng sáng ra thì con
suối cạn và hiền lành như một con khe!
Chị
Hồng đưa anh ra bờ suối, trước khi đưa chiếc xe sườn ngang lên vai, anh hỏi:
- Chị
Kim Anh có hay than thở hay buồn gì về quãng đời đã qua không chị Hồng?
- Không
anh ạ, Chị ấy nói rằng như em ở nhà với cha mẹ, chồng con tử tế mà rồi cũng
giống nhau thôi, Cái số con người ta nó vậy mà!
- Vậy
khi lấy chồng, Hồng có Hạnh Phúc không?
- Tiền
bạc thì có, nhưng chồng em thì mê xì ke hơn mê em, có chồng cũng như không, có
lúc em muốn tìm chị ấy, bỏ hết, đi theo sống cuộc sống bụi đời cho thỏa thích,
nhưng rồi không dám!
****
Trực
gặp lại Hồng trong một đám cưới ở Thị xã.
Mười một năm sau! Anh ngạc nhiên và không tin vào mắt mình, nếu chị
không nhoẻn miệng cười và chào trước.
Hồng
thay đổi hẳn.. Đẹp, trẻ và sang trọng hơn cả thời trước rất nhiều, trong cái váy
hoa và mái tóc uốn bồng bềnh!
-
Chào anh Trực, nhớ em không?
-
Hồng? Nhớ nhưng thay đổi nhiều quá, suýt nhận không ra! Hồng còn ở trên Kinh tế
mới không?
-
Em về dưới này lâu rồi. Chồng em bảo lãnh cho con em đi Mỹ rồi, qua bên đó con
em ở riêng. Nó bảo em mua nhà và về thị xã ở, chờ nó bảo lãnh mẹ qua!
-
Thế chị Kim Anh thế nào rồi?
-
Chị ấy chết tám năm nay rồi. Hồi chị mất em muốn tìm anh chụp cho chị ấy mấy
tấm hình đám tang mà không ai đi kêu dùm. Căn nhà trên đó em để thờ chị ấy, thỉnh
thoảng em cũng có về thắp nhang và thăm bà con… nhớ lại những ngày khổ cực… cũng
buồn buồn vui vui anh ạ!
Trực
muốn mời Kim Hồng một ly cà phê, nhưng không có thời gian, MC đã giới thiệu hai
họ, cô dâu và chú rể lên ra mắt khách!
Anh
chỉ kịp hỏi đùa với Hồng:
-
Hồng có còn tiếc là không được theo chị ấy sống đời giang hồ nữa không?!
- Nếu bây giờ là ngày ấy, em cũng sẽ ao ước
như vậy anh ạ!
Tháng I năm 2013
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập
nhật lại- ngày 26/09/2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Thuân ngày 04/03/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Hoa nở
sau giao thừa – Truyện ngắn Trạch An Trần Hữu Hội (Ninh Thuận/SG)
Ngày
28/02/2014 18:27
Từ ngày
bán cái nhà ở quê, cơ ngơi mà vợ chồng ông tằn tiện dựng gầy hơn nữa đời mới
có. Ông vào Sài gòn mua một căn nhà, không to, nó chỉ dài hơn cái phòng ăn ở
nhà ông một chút, được cái là có thêm lửng và lầu, cũng tạm đủ cho cả gia đình
ông ta túc, ông thì cho là chật, nhưng các con ông thì cho là thoải mái vì bấy
lâu chúng ở nhà thuê, cứ chung nhau trên cái nệm mỏng. Ba đứa con gái và một
thằng con trai. Năm ngoái có thêm thằng rễ rồi đứa cháu ngoại ra đời, lại chuyển
nhà, cũng được hai phòng. Gọi là phòng nhưng chỉ đủ cho hai cái nệm thước tư, ở
giữa có cái ngăn bằng gỗ.
Tác giả Trạch An Trần Hữu Hội
Họ tên Trần Hữu Hội
Sinh 1955. Tại An Lưu, Quảng Trị.
Thường trú trước 2015: Ninh Sơn, Ninh Thuận
Nơi ở và viết hiện nay: TP. Sài Gòn
Email: trachan555@yahoo.com.vn
_____
Khi
hai đứa con gái cho nổ máy chiếc xe tay
ga, ông Hoán còn dặn với theo:
-
Mấy ngày trước thì chậu vừa vừa khoảng ba, bốn trăm, giờ này chắc chỉ một trăm,
trăm rưởi thôi con nhé. Nhớ lựa búp có chớm vàng mới kịp.
Tiếng “da” thật to của hai cô con gái làm ông Hoán yên tâm, ông kéo cái
bàn xa cầu thang thêm một chút, nơi ông định sẽ đặt cây mai chưng mấy ngày tết.
Từ
ngày bán cái nhà ở quê, cơ ngơi mà vợ chồng ông tằn tiện dựng gầy hơn nữa đời
mới có. Ông vào Sài gòn mua một căn nhà, không to, nó chỉ dài hơn cái phòng ăn
ở nhà ông một chút, được cái là có thêm lửng và lầu, cũng tạm đủ cho cả gia
đình ông ta túc, ông thì cho là chật, nhưng các con ông thì cho là thoải mái vì
bấy lâu chúng ở nhà thuê, cứ chung nhau trên cái nệm mỏng. Ba đứa con gái và
một thằng con trai. Năm ngoái có thêm thằng rễ rồi đứa cháu ngoại ra đời, lại
chuyển nhà, cũng được hai phòng. Gọi là phòng nhưng chỉ đủ cho hai cái nệm
thước tư, ở giữa có cái ngăn bằng gỗ.
Tự
cho mình là tằn tiện là vì khi vợ chồng ông lấy nhau, hai người không có lấy
một đôi nhẫn cưới. Gia đình hai bên thì có đó nhưng không còn gì mà cho. Những
đứa con ra đời trong thiếu thốn, xoay chạy cũng chỉ sữa “ông Thọ” pha thêm chút
đường, đứa nhỏ thì thế, mấy đứa lớn ăn thịt nhưng là thịt “bàng nhạng”. không
mỡ mà không nạc, tội chúng nó, nhai mãi mà không nhuyễn được đành phải nuốt chứ
nhổ thì uổng! Cũng may là ông bỏ dạy sớm, ra làm nghề chụp ảnh. Lương của vợ
ông một tháng không bằng ông chụp một cuộn phim đen - trắng. Bù qua sớt lại gọi
là đủ ăn, có dư ra đôi chục ngàn chơi cái huê cái hụi, để dành khi ốm đau!
Nhớ
cái ngày chia tay bà con láng giềng, ai cũng bịn rịn bởi ông là người hiền lành
tử tế. Nghèo thì nghèo thiệt, nhưng có chút gì cũng sẻ chia.Mười tám năm
trước,ông mua được cái xe máy, cả xóm nhờ chiếc xe. Đi đâu xa chút thì mượn, có
trở ngại công chuyên về trể thì ông cứ chiếc xe đạp, đạp đi chụp hình dạo. Đi bệnh viên Huyện,
Tỉnh thì ông chở đi, nhiều lần ông phải bỏ tiền nộp phạt cho Công an giao thông
vì chở ba người. “Vậy thôi, người ta đi bệnh viên chưa có tiền thuốc lấy đâu mà
nộp phạt!” Ông thường nói với vợ như vậy. Ông san sẻ cái khó của mọi người
nhưng với bản thân thì tiện tặn lắm. Ông thường dạy con như cách ông sống:
“Mình ăn thì hết chớ người ta ăn thì còn…”
Ông
càng mạnh miệng hơn khi cách nay bốn năm, một cơn đột quy đến với ông, tưởng
khó qua khỏi, vậy mà đưa vào tới Sài gòn, hai ba người hàng xóm lên xe theo ông, ông trở về yên ổn,
ca phẫu thuật đặt cái “Xì Ten” gọi là
thành công. Lúc lên xe, vợ ông lưng lối chỉ chín triệu bạc, cầm cái “lắc” vàng
mới mua được nhờ tiền hưu. Khi bệnh viên dòi đóng chín chục triệu cho ca phẫu
thuật thì cái chết cầm chắc trong tay. Tiên đâu có mà mổ. Hàng xóm, bạn bè…
thông báo cho nhau, tin bay tới bên Mỹ, bên Canada… Rồi như có phép lạ, đứa con
lên phòng dịch vụ bệnh viên đóng cái rụp! Hai mươi ngày nằm lại, lúc về, con ông
nói còn thừa cả chục triệu, sữa và quà không tính! Toàn tiền giúp của bà con
bạn bè, không nợ ai một đồng.
Giờ
thì ông đang chuẩn bị đón cái tết nơi cái chốn gọi là đắt đỏ nhì thế giới, sau
Hà Nội! Đó là người ta nói vậy chứ ông mới vào chưa tới hai tháng nên cũng chưa
biết gì!
Đắt
đỏ thì ông tính theo cái chuyện đắt đỏ, mua cây mai chưng tết thì vội gì mà dè
mấy ngày gần tết mà mua, cứ chiều ba mươi ê hề mà chọn, không bán rẻ thì chở về
Miền Tây, Quảng Ngãi, Bình Định…à, lỗ tiền xe!
oOo
Hai
đứa con trở về, khi nó thắng xe trước ngỏ, nụ cười trên môi ông Hoán tắt hẳn.
Hai chậu mai chúng mua về làm ông thất vọng, không có một búp nào ra hồn, búp
lá cũng chỉ lèo tèo:
-
Hết rồi hay sao con mua mai gì kỳ vậy? Xấu thế này mà rước tới hai chậu!
Hai
cô con cùng trả lời:
- Hết
rồi ba, con có mua bông giả về gắn thêm!
- Thì
thôi, về mua hoa tươi cắm cũng đẹp mà. Mai thế này thì chưng làm gì! Bao nhiêu
vậy?
-
Dạ…ba trăm.
Ông
Hoán buồn rười rượi, giận nữa, nhưng ví cận tết cận nhất, ông im lăng. Ngồi
xuống xoay xoay xem kỷ hết cây mai này tới cây mai kia, Ông tính chuyện ghép cả
hai cây làm một chậu!
Từ
cái ngày các con ông lớn lên, học ra trường rồi đi làm, gia đình ông cũng qua
cái túng thiếu, khỏi nuôi chúng cái ăn cái ở, ông cho chúng tự chi tiêu, nhiều
khi ông giật mình vì chúng tiêu pha khá rộng! Có hôm vào thăm, chúng chở ông đi
ăn nhà hàng Hàn Quốc, trả một triệu ba cho bữa ăn làm ông choáng váng! Khi
chúng hỏi “ngon không ba?”. Ông cười:
-
Nhiều tiền quá, cho ba tô phở thì ngon hơn!
-
Ba, ăn cho biết thôi mà, mai ăn mì tôm với tụi con ba ạ.
Ông
biết con ông rất thương cha thương mẹ. Nhưng từ cái bữa ăn đó, ông hơi lo vì chúng tiêu pha không như ý ông,
không như ông muốn! Vợ ông cũng như ông, nhưng thấy ông không vui an ủi:
-
Con nó làm được thì cứ cho nó tiêu pha, ngày còn nhỏ tụi nó khổ rồi!
Có một đều an ủi ông, ngày ông
vào thăm con nơi xóm trọ, người ta ai cũng chào ông thân tình, ông thấy lạ, hỏi
các con:
-
Sao họ biết ba mà chào hỏi thế, nghe nói “dân Sài gòn” không ai quan tâm tới ai
mà…
Chúng cười:
-
Tụi con cũng sống như ba vậy, quan tâm họ thì họ thương mình. “Mình ăn thì hết,
người ta ăn thì còn.”
Chúng lại nhắc cái câu ông thường nói.
Gặn
hỏi ông mới biết. Tháng lương đầu tiên của mỗi đứa, chúng mua sữa hết, đem biếu
cho người già nghèo khổ trong xóm, rồi sau này thỉnh thoảng chúng mua quà cho
họ, ai ốm đau thì cho tiền mua thuốc…
Ông
thích lắm, nhưng lâu rồi ông cũng quên. Giờ nhìn hai chậu mai, ý nghỉ “xem nhẹ
đồng tiền” lại lẩn quẩn trong tâm trí ông!
Thường thì khi nào thấy ông buồn hay có đều gi phật ý là các con hoặc
vợ ông
an ủi, lần này cả mẹ lẫn con im re, có phần vui hơn nên ông càng buồn!
“Thôi thì tết nhất, cứ có hoa là đẹp rồi”. Ông
cho cả hai gốc vào một chậu rồi đứng ngắm nghía, gắn thêm vài cái bông,
lá, búp giả… Chậu mai tươi lên. Đứa gái út đi chơi về lôi trong túi ra một nắm những trái cầu xanh. đỏ.
vàng… Phúc, Lộc, Thọ với tua tua… gắn lên trông cũng rực rỡ tết nhất, tuy có
hơi màu mè!
Thấy cả nhà vui ông cũng vơi
buồn.
oOo
Nhà
có lệ thường là sau khi cúng giao thừa, thắp nhang bàn thờ… thì ông lì xì cho
các con gọi là tài lộc đầu năm. Năm nay, vợ ông không chuẩn bị gì cả. ông hỏi
thì bà nói:
-
Mình lớn tuổi rồi, cứ để con cái nó mừng tuổi mình thôi.
Có
lẽ dã chuẩn bị sẵn, sau giao thừa chúng kéo nhau trên lầu xuống, đứa nào phong
bì đó, đến trước ông và vợ:
-
Chúng con mừng tuổi ba mẹ.
Ông
cảm động lắm, quên hết muộn phiền. Người ta nói: “nước mắt chảy xuống”. Ông
chưa hề đòi hỏi gì các con, cũng chưa khi nào chúng đem tiền về cho ông bà, mặc
dù chúng làm ra khá tiền… Nhưng mua chiếc xe, cái máy tính, ông nói với bà: “Cứ
cho con đi em…”
Xong thủ tục mừng tuổi, đứa con gái lớn nói:
-
Ba, hai chậu mai không phải giá ba trăm đâu ba!
Ông
nhăn mặt hỏi:
-
Vậy chớ bao nhiêu?
-
Dạ… bảy trăm!
Ông
muốn lớn tiếng la con, nhưng:
-
Khoan đã ba, nếu là ba, ba cũng mua giá đó mà có khi hơn, nếu trong túi ba
có nhiều tiền… Mai thì vô số chậu đẹp,
chỉ giá hai, ba trăm, búp nhiều… nhưng có bà già ngồi với hai cây mai này, bên
cạnh là đứa cháu đang vốc cơm ăn, Hai bà cháu ở Tây Ninh, hai gốc mai này là
mai nhà, nghe người ta kháo nhau đem mai lên Sài Gòn bán được nhiều tiên nên
nhờ người bứng hộ, đem lên bán kiếm tiên về mua thuốc cho ba đứa bé bị bệnh.
Không biết chăm nên không ra búp ra hoa chi cả, bốn ngày rồi không ai mua! Khi
con thấy đứa bé vốc nắm cơm đã khô trong cái hộp xốp, con quyết định mua hai
gốc mai, hỏi giá, bà nói:
-
Một trăm ngàn củng được, đủ tiền xe cho nội về Tây Ninh thôi! nội lỡ dại nghe
người ta nói mà tham…
-
Con gởi bà hai trăm cho hai cây mai, xì xì đứa bé năm trăm. Hai đứa con biết là
có thể bị lừa, nhưng nếu không thế thì chắc chắn là mấy ngày tết cứ ray rứt
không yên!
Ông
lặng người, mắt ông đỏ lên rồi bên khóe lăn xuống môt giọt nước mắt, giọng ông
nghèn nghẹn,
-
Ba cảm ơn các con, là ba, ba cũng sẽ như thế, có bị lừa cũng được!
Ông
hạnh phúc lắm, trong ông như vừa rộ lên một rừng hoa! Những gì ông dạy con cái
bấy lâu nay đã đơm hoa và nỡ rộ. Ông nhìn chậu mai, nó như đã nỡ hoa thật, ông
lại lẩm bẩm: “Ba…ba cảm ơn các con!”.
Sài Gòn,12 tháng 2, 2014
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập
nhật- ngày 26/09/2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Thuân ngày 28/02/2014
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Một cái
Tết khó quên! – Truyện ngắn Trạch An Trần Hữu Hội (Ninh Thuận/SG)
Thứ
tư - 30/01/2013 21:21
Từ Châu
âu, Hòa qua Canada thăm hai đứa em, rồi từ đó về nhà… đã gần cuối tháng chạp.
Anh chuẩn bị cho mấy ngày Tết, giản dị như tính cách của mình. Vừa dọn xong bàn
thờ, anh thắp ba cây nhang… Xoa hai bàn tay vào nhau, nhìn nén nhang tỏa mùi
thơm và làn khói mỏng bay lên, anh nhìn tấm hình Cha và Mẹ… Tự dưng nước mắt
Hòa rưng rưng!
Tác giả Trạch An Trần Hữu Hội
Họ tên Trần Hữu Hội
Sinh 1955. Tại An Lưu, Quảng Trị.
Thường trú trước 2015: Ninh Sơn, Ninh Thuận
Nơi ở và viết hiện nay: TP. Sài Gòn
Email: trachan555@yahoo.com.vn
_____
Từ
Châu âu, Hòa qua Canada thăm hai đứa em, rồi từ đó về nhà… đã gần cuối tháng
chạp. Anh chuẩn bị cho mấy ngày Tết, giản dị như tính cách của mình.
Vừa
dọn xong bàn thờ, anh thắp ba cây nhang… Xoa hai bàn tay vào nhau, nhìn nén
nhang tỏa mùi thơm và làn khói mỏng bay lên, anh nhìn tấm hình Cha và Mẹ… Tự
dưng nước mắt Hòa rưng rưng!
Hòa
là con trai thứ nhưng anh chứng kiến sự vất vã khốn khó của cha mẹ nhiều hơn ai
cả. Những năm trước 75. Cha me anh, với đồng lương công chức, lo cho sáu đứa
con ăn học. Anh con trai trưởng thì đi tu từ nhỏ, hàng tháng cũng đóng tiền cho
nhà dòng, nhưng không đáng kể. Hòa đậu tú tài phần hai xong anh thi vào Đại học,
phải vào Huế chứ ở quê anh không có trường.
Sống
xa nhà, ký túc xá buồn cũng còn chịu được. nhưng số tiền ít ỏi mẹ dành dụm hàng
tháng không đủ vào đâu… May nhờ có một anh sinh viên lớp trước, cũng xa nhà và
khó khăn như anh, đang làm Giám thị cho một trường tư thục bậc tiểu học, nhà
trường tuyển thêm giám thị, anh được nhận qua sự giới thiệu của anh bạn. Anh bảo
mẹ thôi gửi tiền hàng tháng, tự xoay xở với số tiền lương kiếm được.
Năm
72 quê anh phải di tản, gia đình vào Ninh Thuận. Còn anh, vào ở với chú ruột ở
Sài Gòn. Tiếp tục học ở trường Đại Học Văn Khoa!
Năm
75, anh chuẩn bị thi tốt nghiệp thì toàn bộ thay đổi… Cha anh đi cải tạo… mẹ
anh chỉ làm Y tá nên không phải đi lâu, được làm Y tế thôn, không lương…
Ngày
cha anh trình diện đi cải tạo cùng với những người trong thôn, trong xã… Cứ
tưởng rằng chỉ vài tuần, ai ngờ sau khi phân loại, cha anh được đưa đến một
trại khác, tận Tuy Hòa!
Sáu
năm sau cha anh trở về… ông còm cỏi dần… Hai năm sau ông chết với chứng ung thư
phổi.
Mẹ
và mấy anh em vất vả làm thuê làm mướn cũng qua được, nhưng trong túng thiếu vô ngần… Các em đều bỏ học,
trừ bé út.
Là
lao động chính trong nhà… anh có mặt trong toàn bộ công tác nghĩa vụ: Từ thủy
lợi, khai hoang đến lao động công ích địa phương…
Hòa
đưa tay vuốt chút bụi nơi tấm hình mẹ, nhớ tới bà với những sáng đi chặt mía
thuê, thức dậy từ 3 giờ sáng, đi bộ bảy cây số đến rẫy mía chờ, có lúc chủ chê
yếu không thuê… chỉ lấy đàn ông hoặc con trai! Mẹ thất thiểu trở về, nước mắt
rưng rưng!
Những
khi có anh đi cùng, anh chặt, mẹ bó thì đỡ khổ, có việc cho cả hai người!
Nhớ
tới những ngày ấy, anh còn cái cảm giác sợ sệt, lo lắng… dù đã qua rất lâu!
Cha
anh mất ba năm, đến mẹ anh phải nhập viện! Cũng vào những ngày cuối năm!
***
Nhà
bươn chải vẫn không đủ cái ăn, người ta ăn cơm độn, nhà Hòa chỉ ăn toàn sắn
lát, hoặc khoai, chế biến cách gì rồi cũng ngấy… Thau canh cũng là khoai… nhờ
chút nước mà nuốt trôi được những lát
sắn lổn chổn! Mẹ và anh thì không sao, nhưng mỗi bữa ăn, nhìn các em,
Hòa cúi mặt xót xa, còn mẹ thì nước mắt
đọng khóe mi!
Trạm
xá không tìm ra bệnh gì, bệnh viện tỉnh cũng chịu… nghi là ung thư, chuyển vào
bệnh viện ung bướu tận sài gòn, đành bỏ mặc cho mấy anh em ở nhà, nhờ hàng xóm trông giùm, anh đưa mẹ lên chiếc xe
chạy bằng than, về tỉnh rồi vào sài gòn, lưng lối chỉ ba tờ máy cày, một trăm
rưởi đồng bạc… bà con ai cũng thương nhưng không có mà cho! May là anh mượn
được của một bà buôn, hứa là sẻ lột hết tôn căn bếp cho bà sau khi mẹ về!
Mẹ
bị ung thư gan thật! Anh nhớ lại mắt và da mẹ càng ngày càng vàng đi, trước
thời gian phát bệnh!
Nhập
được viện cũng là một khó khăn! Hơn 10 ngày anh chỉ ngủ ngồi ngoài phòng bệnh .
Chiếc chiếu một người mới quen, cho sau khi thân nhân chết, anh trải một nữa để
ngồi ban ngày, đêm đến mới trải ra nằm, nhưng hành lang cũng không nằm thẳng
người được. Người bệnh đã đông, thân nhân càng đông hơn… Những gương mặt âu lo
từng phút…!
Chuyên
ăn uống cũng nhờ người mua hộ, anh chỉ
ăn một bữa trưa, còn nhịn đói hai bữa sáng và tối! vậy mà số tiền mang theo
cũng vơi đi rất nhanh! Một mũi thuốc cũng hỏi thân nhân có tiền đóng không đã
mới chích! Mẹ anh thều thào đòi về:
- Trước
sau mẹ cũng chết, con đem mẹ về, chết ở nhà còn thấy được các em…
Bao
giờ anh cũng nói đối:
-
Bác sĩ bảo mẹ không sao, chỉ thời gian ngắn là xuất viện được thôi mà!
Có
Chú và cậu ruột ở sài gòn, nhưng sợ phiền nên anh chưa báo tin cho ai, với lại
anh không dám để mẹ một mình. Đêm nằm vừa lo mẹ vừa thương các em! Giá mà đứa
em kế chưa lấy vợ thì cũng còn đỡ, chú ấy lấy vợ và sinh con rồi ở riêng, một
gia đình cũng không hơn gì!
Đứa
con gái đầu bưng lọ hoa vừa cắm xong đến
đặt lên bàn thờ, nói như trách móc:
- Ba
lại khóc nữa rồi, thời đó ông bà nội có sống thêm thì cũng khổ thêm thôi mà ba!
Hòa
bổng khóc òa, nói trong tiếng nấc:
-
Ừ, ba lại nhớ… và thương… ông bà nội!
****
Vị
bác sĩ đứng thẳng người nhìn Hòa nói, giọng nói khô không khốc, không chút cảm
xúc:
- Tôi
đã bảo không chữa được là không chữa được. đem về, chừa chổ nằm và thuốc cho
người khác, bênh viện chật quá cậu không thấy à!
Thất
vọng và đau đớn đến tột cùng, Hòa không khóc mà chỉ thẩn thờ nhìn chiếc quạt trần chậm rải quay… Anh
ra khỏi phòng bác sĩ trưởng khoa như kẻ không hồn. Hai ngày nay bệnh viện không
chích, chỉ cho uống cầm chừng mấy viên thuốc… Mẹ chỉ còn thoi thóp, những cơn
đau cũng thôi không hành hạ. Nhìn tấm thân chỉ còn da bọc xương của mẹ, anh
khóc òa:
- M ẹ
ơ I !!!
Thân
nhân người bênh nằm chung giường với mẹ anh, an ủi:
- Giai
đoạn cuối thì không chửa được nữa, thôi đưa bà về còn sống thế này dễ hơn là
chết, khó khăn ngàn lần!
Hòa
gởi người ta trông hộ mẹ, chạy ra thuê một cái xe ba gác. Trong đầu nghĩ ngay
đến nhà cậu, chú thì không ruột rà gì với mẹ, cậu là anh ruột của mẹ, hy vọng
nhờ vài hôm rồi lo xe đưa mẹ về quê!
Mẹ
nhẹ hiều! Anh và mẹ ngồi trên chiếc xe ba gác mà vẫn rộng thênh thang… người mẹ
lạnh như không còn sự sống!
Về
đến nhà cậu, anh gọi cậu, chiếc cửa sắt im ỉm thật lâu, chó sủa inh ỏi! Mợ ra
mở cửa rồi quay vào thật nhanh:
- Ôi
trời, tết nhất tới nơi mà đem cái gì tới đây nữa trời!
Lát
sau cậu ra:
- Sao
vậy, mẹ con sao vậy, bây giờ làm sao đây?!
Hòa
ấp úng:
- Mẹ
con bệnh vào nằm đây hơn mười ngày nay, giờ bệnh viên bảo không chửa được. cậu
cho mẹ con nằm đây con đi thuê xe đưa về quê.
Cậu
bối rối hơn là xúc động! chỉ cái bàn bóng bàn:
- Đặt
xuống đây rồi đi thuê xe mau đi, còn sống không?!
-
Dạ mẹ còn thở!
- Mau
đi, biết bến xe Bình Triệu không? Cứ ra đó!
Anh
chạy ra đường phóng lên chiếc xích lô!
Hai
giờ sau anh quay lại với chiếc xe chở khách loại nhỏ, anh khóc òa khi ôm tấn
thân mẹ lạnh ngắt. Mẹ vẫn nằm như lúc anh đặt vào chiếc bàn bóng bàn, không
thêm một tấm chăn hay chiếu! thấy anh trở về, cậu anh chạy ra, thấy anh khóc
lớn… chạy lại xem, Mẹ anh không còn thở nữa!
Anh
tài xế lẵng lặng bỏ đi, gần tết gần nhất không hơi đâu chở xác chết!!!
Cậu
nói với anh, như người nằm đó là một kẻ xa lạ:
- Cháu
chạy qua báo cho chú Ngân của cháu đi! Nói chú qua đây!
Hòa
chạy bộ, đến nhà chú. Chú chạy xe thồ vừa về tới nơi. Hai chú cháu lên xe trở
lại nhà cậu. Vừa thấy mặt chú, cậu
đã than thở:
- Anh
coi, tết nhất tới nơi rồi mà làm vậy thì chết tôi!
Chú
không nói, chỉ nhìn cậu bằng ánh mắt buồn bã!
- Cháu
ở đó với mẹ, chú đi thuê xe!
Hơn
hai giờ sau chú trở về, sư thất vọng hiện rỏ trên mặt:
- Không
có xe nào chịu chở!
Cậu
nóng nãy:
- Giờ
làm sao?!
Chú
nói, giọng buồn thương:
- Đưa mẹ về nhà chú, tính sau con ạ, nằm đây lạnh
lẻo quá!
Cậu
như thoát gánh nặng:
- Ừ,
nhờ anh lo giúp cháu, tôi nhiều việc lu bu quá!
Chú
như hết chịu nổi sự vô tâm vô tình của cậu, trừng mắt:
- Không
phải em ruột ông đó sao! Đồ…
Trong
khi hai chú cháu loay hoay đưa xác mẹ ra xe ba gác… Cậu đến nhét vào tay Hòa
mấy tờ giấy bạc năm mươi đồng màu xanh, anh mím môi không nói, bỏ mấy tờ giấy
bạc lại trên chiếc bàn bóng bàn, ẳm mẹ đi nhanh ra cổng.
Chó
vẫn sủa inh ỏi sau lưng anh.
Chú
của Hòa nghèo hơn cậu, nghèo hơn nhiều lắm, các con chú cũng phải đi làm đầu
tắt mặt tối mới cầm cự được nơi thành phố này. Cậu thì giàu lại thong thả, các
con qua Mỹ hết, Hai ông bà ở căn nhà lớn đến hoang lạnh... nhưng cậu mợ không
sợ ma , chỉ sợ bà con nghèo khổ đến quấy nhiễu!
Mẹ
nằm ở nhà chú hai ngày. Chú chạy vạy xin xỏ từ tổ dân phố đến phường. Cuối
cùng, xin được chôn mẹ nơi nghĩa trang Gò vấp. Đưa mẹ ra nghĩa trang, chỉ có
chú và đứa em gái con chú, tất cả ngồi trên chiếc xe ba gác. ..
Phu
đào huyệt của nghĩa trang, xem qua tình cảnh, để mặc cho chú và Hòa tự đào tự chôn…
****
-
Ba, có điện thoại.
- A
lô,tôi nghe đây.
- Phước
Hòa à, Phim vừa được thêm hai giải ở Đức, có giải Đạo diễn xuất sắc, cậu biết
chưa?!
- Mình
phải qua Canada trước nên chưa biết gì cả…
- Vậy
tất cả là bảy giải rồi nhé, chúc mừng cậu!
- Cảm
ơn cậu, hẹn gặp nhé…
Đạo
diễn Nguyễn Phước Hòa lại nhìn lên bàn thờ.
Mẹ
mất hai năm, anh thi vào trường Điện ảnh. Từ ngày tốt nghiệp, anh đã làm nhiều
bộ phim. Thể hiện nhiều ngóc ngách tình cảm của con người. nhiều cảnh đau khổ
và hạnh phúc. Nhưng có môt bộ phim cưu mang từ khi tốt nghiệp, 27 năm rồi, anh
không làm nổi… không đủ can đảm, không đủ bất nhẫn… để làm, phim không cần giải
thưởng nào… đó là bộ phim “Đời Mẹ!...”
27 tháng 0I năm 2013
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập
nhật- ngày 26.9.2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Thuân ngày 30/01/2013
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Tiếng hát đêm Noel – Truyên ngắn Trạch
An-Trần Hữu Hội (Ninh Thuận/SG)
Thứ ba - 18/12/2012 19:31
Thứ ba - 18/12/2012 19:31
Đôi nhân tình quàng lưng nhau. Đi ngang qua hai kẻ ăn xin. Có lẻ là một đôi vợ chồng. Người đàn ông loáng thoáng trong ánh đèn nhiều màu lập lòe chiếu ra từ giáo đường, hai hốc mắt trũng sâu, có vẻ như bị mù. Người đàn bà gầy gò, trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn, hơi khó nhìn!
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả Trạch An Trần Hữu Hội
Họ tên Trần Hữu Hội
Sinh 1955. Tại An Lưu, Quảng Trị.
Thường trú trước 2015: Ninh Sơn, Ninh Thuận
Nơi ở và viết hiện nay: TP. Sài Gòn
Email: trachan555@yahoo.com.vn
_____
Đôi nhân tình quàng lưng nhau. Đi ngang qua hai kẻ ăn xin. Có lẻ là một đôi vợ chồng. Người đàn ông loáng thoáng trong ánh đèn nhiều màu lập lòe chiếu ra từ giáo đường, hai hốc mắt trũng sâu, có vẻ như bị mù. Người đàn bà gầy gò, trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn, hơi khó nhìn!
Cả hai dìu nhau đi trong ánh sáng mờ nhòa, trên lưng người đàn ông, khoác ngang cây đàn Guitar gỗ cũ kỷ. Họ hướng về phía cầu.
Người con trai dừng bên họ, đặt vào bàn tay của người đàn bà một tờ giấy bạc thật mới. Có lẻ đây là món tiền cuối cùng được bố thí trong đêm Giáng Sinh. Trời đã gần nửa đêm!
- Nếu ông ấy không mù thì chắc không lấy bà ta, anh nhỉ?
- Em có thấy bà ta có vẽ như bị cháy hay bỏng không? Nếu không bị biến dạng thì chắc bà ta không quá xấu, và như thế, bà cũng sẽ chẳng lấy ông ta!
- Vậy là họ được Chúa sinh ra cho nhau?
- Có lẽ! Định mệnh đẩy đưa!
***
34 năm trước.
Phòng trà mini Dã Quỳ đông nghẹt khách. Đêm Noel lùa khách đến Dã Quỳ bởi đây là nơi duy nhất không có giới nghiêm. Phần nhiều là lính, với một vài thiếu nữ, là tình nhân của họ… Thành phố Tây nguyên vốn hoang lạnh, càng lạnh hơn khi gió mùa đông từng cơn lùa qua các dãy phố xác xơ, cố gượng đón một mùa Giáng sinh với mấy dãy đèn nơi những máng cỏ, cũng sơ sài như chốn Belem hơn ngàn năm trước!
Thỉnh thoảng những tiếng nổ ì oành, những trái pháo sáng xa xa trên bầu trời thưa ánh sao, điểm tô cho một đêm Giáng sinh thời chiến!
Bốn người lính trẻ ngà say bước vào vùng không gian mờ ảo. Trên chiếc bục sân khấu nhỏ gọn, ban nhạc hòa theo một giọng ca nữ, nhẹ nhàng, thanh thoát với bản nhạc Đêm đông…
“…đêm đông, ôi ta nhớ mong đường về xa xa… đêm đông… ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng… gió lay ngàn cây ….gió đau niềm riêng… gió than triền miên…”( 1)
Tấn nheo mắt tìm một chổ ngồi cho cả đám, chiếc bàn cuối vẫn còn… Họ ngồi xuống và tiếng hát nhẹ nhàng cuốn tâm tư họ vút cao… Quên đi cái tiền đồn buồn hiu hắt, nơi 3 giờ trước họ trốn ra với nỗi háo hức… đêm yên bình!
Tiếng vổ tay khẽ khàng …
Tấn gọi bia “con cọp”. Nói nhỏ với cô gái chạy bàn:
- Anh hát một bản được không em gái?
- Dạ được, anh chuẩn bị đi ạ, lát nữa thôi.
Tiếng một giọng nam trầm, ấm… là một người lính, với bộ đồ rằn ri, chiếc nón xanh nằm trong túi áo! “Thu đi…cho lá vàng bay, lá rơi… cho đám cưới về… ngày mai… người em nhỏ bé… ngồi trong thuyền hoa…” (2)
Tấn quặn lòng, anh nốc hết ly bia, nhớ đến Thùy và những giọt nước mắt ngày anh nhập ngũ… Rồi lá thư dài báo tin nàng lấy chồng!
- Anh lên hát đi…
Bàng hoàng , Tấn bước lên chiếc bục nhỏ… Anh nói khẻ với ban nhạc :
- “Tiếng hát đêm noel”. Chơi Blue nhé.
Chàng trai trẻ gật đầu… Tấn mơ màng..
- “Vầng sao… chìm vào xanh mắt người yêu… Một đêm… tơ vàng cuốn gió đìu hiu… đường trần …đêm no-el chói lòa ánh đèn, Lờì kinh đẹp vầng sao thánh thót…ngân trong giáo đường…
“Có đôi chim, ngắt bông hoa chiều no-el… bay xuống bên hiên giáo đường… khóc ..nỉ non…
“Rồi đành… trời đày một sớm chia phôi… Người về để héo duyên rồi… riêng còn tủi hờn mà thôi….”(3)
***
Ầm! Tiếng mìn claymore nổ ngay trên con đường nhựa loang lổ, hất ngược cả bốn chàng lính trẻ ra sau … tiếng hét chuyển thành tiếng rên rỉ rồi im bặt sau một loạt đạn ngắn. Đêm trở lại yên ắng… thỉnh thoảng vài đóm hỏa châu ngoằn nghèo trên vòm trời khuya! cuộc phục kích thật gọn!
- Báo cáo thẩm quyền, chỉ mình chuẩn úy Tấn còn thở!
Trung Úy Thăng chửi thề:
- Mẹ kiếp, chết lãng nhách! gọi cứu thương.
Sáu tháng sau, Quân y viện quân khu II, xác nhận: Chuẩn úy Nguyễn phúc Tấn. Mất thị lực 100%.
***
Buổi tiệc reveillon của nhóm học sinh lớp 12 ban C vừa tan. Quá 01 giờ sáng. Luyện đi về cùng với Sương, họ đi bộ để tìm chút lạnh thú vị của đêm Giáng sinh. Có lẻ chút lãng mạn, bởi đôi bạn có chung tâm sự. Họ vừa chia tay người yêu. Hai chàng trai cùng đăng lính tháng trước.
- Khi không mi hát bản nớ mần tau muốn khóc!
- Thì tại từ ngày Thủ đi, tau chỉ thích bản nớ… Bản mi hát còn ác hơn nữa! “… Không chết người trai khói lửa… mà chết người em gái hậu phương…!!!”(4)
Lời ca của bản “Lời tình buồn” và không khí đằm thắm của buổi họp mặt vẫn còn vọng lại trong tâm hồn Luyện…
“Anh đi rồi… còn ai vuốt tóc… Lời tình thơm sách vở học trò… đêm xuống rồi em buồn không hở… trời sa mù tầm tay với âu lo… Anh đi rồi…”(5)
Luyện bật khóc!
Trở về căn nhà nghèo nàn…Mạ ngủ từ lâu. Luyện lên giường, kéo cao chiếc chăn trùm kín người, nhớ Thủ ray rứt! Giấc ngủ tìm đến trong đêm muộn!
- Cháy! Cháy nhà mụ Hòa …
- Mần răng chừ?!
- Lấy nước, lấy mền ướt… mau…!
Ngọn lửa bao trùm căn nhà bằng ván ép và tôn! Mọi cố gắng dập lửa đều vô vọng!
Luyện nghe toàn thân nóng rát, cố dẫy ra khỏi chiếc chăn mà không được! Luyện thét lên:
- Mạ ơi, mạ ơi…mạ mô rồi …
Tất cả chìm trong tiếng nổ lốp bốp và tiếng la hổn độn …mơ hồ!
Một trái sáng xuyên mái tôn bếp, gây ra tai họa trong đêm lành!
Luyện tỉnh lại trong chiếc giường trắng muốt, đau nhức toàn thân…Vị bác sĩ người ngoại quốc, da trắng hồng hào…
Đây là bệnh viện của Hạm đội số 7!
***
Đôi tình nhân lang thang ra khỏi giáo đường, họ đi về phía cầu… thỉnh thoảng dừng lại, những nụ hôn ngọt ngào…Họ ôm sát nhau, chia nhau hơi ấm…
Bên mé cầu, nơi khoảng đất trống có một cái chòi nhỏ… Ngọn đèn vàng vọt hắt ra xung quanh ánh sáng buồn buồn.
Đôi tình nhân mỉm cười với nhau, dừng lại nhìn vào trong… Hai người ăn xin ngồi cùng nhau bên chai rượu. Người đàn ông mù đặt chiếc ly xuống chiếu:
- Mình lại hát những bài hát đó nghe em…
Người đàn bà gật đầu:
- Dạ, anh hát trước đi.
Tiếng đàn thùng trầm ấm:
“…Vầng sao…chìm vào xanh mắt người yêu… Một đêm… tơ vàng cuốn gió đìu hiu… Đường trần… đêm no-en chói lòa ánh đèn…"
“Rồi đành trời bày một sớm chia phôi… người về đành héo duyên rồi…riêng còn tủi hờn mà thôi…”
Đôi nhân tình lắng nghe tiếng hát ấm áp, nhẹ nhàng của người ăn xin…và rồi:
“…Anh đi rồi …còn ai vuốt tóc…Lời tình thơ sách vở học trò…Đêm xuống rồi …em buồn không hở… Trời sa mù… tầm tay với âu lo…”
Giọng ca mượt mà vút lên trong không gian giá lạnh, trong đêm thanh vắng yên bình! Nghe như những bài thánh ca …
Họ chìm vào trong kỷ niệm của một thời xa xưa…
- Anh, họ hạnh phúc!
- Ừ, rất hạnh phúc! Mong cho nhiều tâm hồn đau khổ được hạnh phúc trong đêm nay!
15 tháng XII/2012
----
(1) Bản nhạc : Đêm đông - Của: Nguyễn văn Thương.
(2) Lá đổ muôn chiều – Của : Đoàn Chuẩn-Từ Linh.
(3) Tiếng hát đêm noel – Của: Ca- Nhạc Sĩ: Duy Trác.
(4) Áo anh sút chỉ đường tà. Nhạc: Phạm Duy. Phổ thơ: Hữu Loan.
(5) Lời tình buồn - Nhạc: Vũ Thành An. Phổ thơ Chu Trầm Nguyên Minh.
----
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật- ngày 26/09/2015
. Cập nhật- ngày 26/09/2015
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Ninh Thuân ngày 18/12/2012
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét