Cái chết của con ky – Truyện ngắn của Võ Anh Cương
Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014
Lự chết
chừng một tháng sau ngày ấy, lúc đó tôi đang ở Sài Gòn. Tôi viếng Lự nhằm ngày
mở cửa mả, vợ Lự đôi mắt còn thâm quầng kể với tôi rằng trước khi chết độ một
tuần Lự cứ gào thét mãi, khi hôn mê Lự lảm nhảm “Ky, Ky chờ tao với Ky ơi?”. Tôi
thở dài thầm nghĩ không lẽ cái chết của con Ky là nguyên nhân dẫn đến cái chết
của Lự?
Thông tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác giả Võ Anh Cương
Họ tên thật Nguyễn Hữu Cương
Bút danh khác Văn H. Cương
Địa chỉ: Nhà thuốc tây Đa Thành, 33 Nguyễn Siêu Phường 7, thành phố Đà Lạt.
Điện thoại: 0982.582.298
Email: voanhcuongdalat@gmail.com - voanhcuongdalat@yahoo.com
_____
Võ Anh Cương
CÁI CHẾT CỦA CON KY
Nhà Lự ở Khu … là một biệt
thự kiểu Pháp được xây cách đây khoảng bảy, tám chục năm về trước. Lự mới tân
trang nhà lại gần đây nên ngôi biệt thự vừa mang dáng vẻ cổ điển pha chút hiện
đại, nghĩa là ngôi nhà được thay cửa, thay ngói, sơn phết… bằng vật liệu mới
trong cái hồn cốt kiểu biệt thự đặc trưng của miền nam nước Pháp những năm ba
mươi, bốn mươi thế kỷ trước. Trước kia khi mới xây ngôi biệt thự này nhìn ra
một cái hồ tên là Vạn Kiếp, nay hồ Vạn Kiếp không còn, thay vào đó là những dãy
nhà lợp ny lông trồng hoa của những người làm vườn. Tôi được ông cụ Mãi cho
biết như vậy, cụ Mãi còn nói thêm rằng bố cụ là cai thầu mấy ngôi biệt thự này
từ hồi thuộc Pháp. Cụ Mãi từ Nam Định theo bố vào từ ngày cụ còn nhỏ, cụ học
hành, tham gia kháng chiến rồi tập kết từ mảnh đất này. Cụ hồi kết về sau năm
75 với tư cách một cán bộ của trường đại học nên nhà nước phân cho gia đình cụ
một ngôi biệt thự vắng chủ để gia đình cụ ở. Vô tình làm sao ngôi biệt thự này
trước kia là nhà công vụ lại do bố cụ xây nên. Sau này cụ xin hóa giá ngôi biệt
thự trước khi về hưu và cụ ở những năm cuối đời trong ngôi nhà mà hồi nhỏ cụ
hay được bố cho tới chơi khi công nhân đang xây dựng. Lự mua lại nhà của cụ
Mãi, thật sự Lự cũng bỏ rất nhiều công của để cải tạo miếng đất sình lầy hoang
hóa trước nhà với vô vàn lau sậy thành một miếng vườn bằng phẳng.
Tôi chỉ quen với Lự khi Lự
dọn nhà đến đây. Hôm đó Lự nhờ tôi biết ai có chó con xin giùm cho Lự một con,
nhà Lự khá rộng nên cần một con chó coi nhà. Tôi nói với Lự:
- Cậu qua nhà tôi đem con
Ky về nuôi, tôi chán không muốn nuôi chó nữa!
Nguồn gốc con chó ấy như
vầy:
Cách nay mấy năm, tôi xin
được một con chó con trong bầy chó nhà anh Phước, một người hàng xóm của tôi.
Con chó mẹ dường như là chó giống Phú Quốc, trên lưng nó có một hàng xoáy đặc
trưng của giống chó này. Lông con chó mẹ đen tuyền, mắt sáng và rất thông minh.
Anh Phước nói bố con chó con là một con chó cỏ không biết giống gì nhưng khá to
con. Tôi đặt tên cho con chó nhỏ là Mimi. Mimi mau lớn, nó thừa hưởng chút xoáy
trên lưng của mẹ nó và màu lông lốm đốm của cha nên cũng dễ coi. Hóa ra bố nó
là giống chó Đanoa với màu lông lốm đốm đặc trưng chứ không phải là chó cỏ như
anh Phước nói. Chắc con chó này sẽ lớn con đây, “chó giống cha, gà giống mẹ”
mà. Tôi chăm chút con Mimi cũng không tốt lắm, nghĩa là tôi vẫn cho ăn đúng
bữa, thỉnh thoảng tắm cho nó khi thấy nó quá dơ…chớ Mimi hoàn toàn không phải
là thú cưng của nhà tôi. Cuối năm ấy Mimi đẻ ra năm con chó con, ba con đực hai
con cái thì bị bắt. Không biết ai bắt nó, tôi chỉ biết rằng chiều hôm đó tôi
gọi nó khan cả cổ nhưng không thấy Mimi đâu. Nó bỏ mặc bầy con không biết đi
đâu, tội nghiệp năm con chó con vắng mẹ khóc lóc cả đêm vì thiếu sữa. Tôi phải
thay Mimi chăm cho bầy con nó, tôi đoán chắc nó đã biến thành món lẩu hay món
dựa mận gì đó trong quán thịt chó rồi. Chăm sóc năm con chó con không dễ, tôi
cố gắng hết sức nhưng chỉ nuôi sống một con, lại là con chó cái nhỏ nhất bầy,
bốn con kia chết theo mẹ. Rồi con chó cũng lớn, cũng “lấy chồng” và sinh ra năm
đứa con như mẹ nó. Rồi cũng như mẹ nó, một hôm nó bỏ đi biền biệt sau khi tôi
mở cổng cho nó đi vệ sinh. Hôm ấy, trên con đường nhựa trước nhà tôi, mới ba
giờ sáng tôi đã nghe tiếng xe máy chạy qua chạy lại. Lúc tôi mở cổng đã là năm
giờ sáng, tôi thấy một chiếc 67 đen chạy vụt qua. Tôi chỉ kịp nghĩ thằng ngồi
sau ôm cái bao trông có vẻ gian gian chứ không ngờ chúng đang ôm con chó Mimi
của tôi (tôi cũng đặt tên con chó mất mẹ là Mimi).
Kịch bản mất trộm chó được
lập lại nhiều lần, cắt ca cắt củm nuôi một con chó giữ nhà, đến chừng nó khá
lớn là bị bắt tôi tức lắm. Cũng may cho tôi những con chó bị bắt trộm còn có
hậu duệ, chưa đến nỗi tuyệt tự. Tôi hận bọn ăn trộm chó nhưng tiếc rằng chưa
bao giờ bắt được một thằng coi thử mặt mũi chúng ra sao? Cái “nghề” ăn trộm chó
không biết xuất hiện hồi nào mà nhiều người bị mất trộm, không riêng gì nhà
tôi. Không biết bọn trộm chó của tôi bán cho các quán thịt cầy được chừng triệu
bạc hay không? Cứ thử tính coi, một con chó chừng chục ký, nếu bằng giá heo hơi
thì cũng được mấy trăm ngàn, một đêm bọn trộm chó kiếm vài con là có bạc triệu
ngon ơ! Chỉ tội lũ chó đực đi tìm bạn tình là hay bị bắt nhất. Tháng bảy, tháng
của mưa dầm cũng là tháng của loài chó đi tìm bạn tình, than ôi, cứ hai con
dính vào nhau mà gặp thằng trộm chó thì quả là bất hạnh! Chúng vừa ở đỉnh thiên
đường lọt ngay xuống địa ngục. Thiên đường không biết chúng hưởng phúc ra sao
chứ địa ngục chắc chắn dành cho bọn chúng một số phận hẩm hiu. Đó là những lò
thịt chó, nơi chúng sẽ biến thanh cầy tơ bảy món hoặc hơn thế nữa tùy theo thực
đơn của nhà quán. Tôi được nghe lắm chuyện về những quán thịt chó rượu đế.
Trong nhiều chuyện tôi nhớ mãi chuyện một anh bộ độ xuất ngũ xin chuyển ngành
vào một cơ quan văn hóa, anh ta không có tài gì trừ nghề làm chó nên tồn tại ở
cơ quan một thời gian ngắn anh xin về mở quán thịt cầy. Anh phất lên với quán
thịt chó rượu đế bởi tay nghề cao. Anh mua được nhà, sắm được xe cũng nhờ cái
quán thịt chó “Lá mơ”, quán nằm nép mình sau một cái ga ra của cơ quan, cạnh
khu tập thể anh đang ở. Đừng tưởng ở chỗ khuất nẻo ấy mà quán vắng khách, ngược
lại muốn thưởng thức các món đặc biệt ngon phải đặt chỗ anh trước. Một ngày anh
ra tay với khoảng chục con chó. Thế mới biết con người ta tiêu thụ thịt chó
nhiều quá, anh tối tăm mặt mũi làm việc liên tục đến nỗi không nghỉ một ngày,
không đi đâu cả trong hàng chục năm trời. Hồi còn ở chiến trường K anh bị dính
một mảnh đạn vô đầu, nay anh hay lên cơn thần kinh. Mỗi lần như vậy anh hay chui
vào gậm giường rống lên như chó bị chọc tiết! Đó là người ta thêu dệt như vậy
không biết thực hư ra sao tôi không kiểm chứng được.
Trở lại chuyện con chó.
Sau mấy lần bị mất chó, tôi quyết định không nuôi chó nữa. Cái khí uất nó tích
tụ trong người tôi ngày càng nặng, vậy thì tại sao tôi phải rước thêm vào? Khi
được biết Lự cần một con chó, tôi nói Lự qua nhà đem con Ky đang độ lớn về
nuôi. Tôi không đặt tên chó là Mimi nữa, tôi đổi qua tên khác với hy vọng nó sẽ
có một số phận may mắn. Ky gọi tắt của cái tên Lucky, lucky là may mắn mà. Lự
mừng lắm qua dắt con Ky về nuôi liền. Mấy ngày đầu vắng con Ky tôi cũng thấy
thiếu thiếu, tôi nhớ cái ngoắt đuôi của nó đến ánh mắt nó nhìn tôi và cả cái
lưỡi đốm của nó mỗi khi nó liếm tay tôi. Nhưng tôi sợ Ky ở nhà tôi sẽ bị
“huông” như mẹ nó, bà nó, cố nó…nghĩa là bốn chân của nó trở thành nguyên liệu
chính trong nồi lẩu, hai cái đùi sau sẽ biến thành món nướng, hấp nước dừa hay
đại loại những món ăn gần như thế. Nhà Lự có cái sân rộng, có hàng rào nhất là
Lự luôn ở nhà thì có thể để mắt đến nó, chắc nó được an toàn hơn ở nhà tôi. Tôi
tin vậy.
Lự mang con Ky về nuôi, Lự
ưng ý lắm. Lự khoe với tôi những tính tốt của con Ky, nào là con Ky “khôn quá
khôn”, nào là nó bắt được chuột, có lần nó qua nhà hàng xóm na một con gà mái
tơ về khoe với Lự. Vậy là Lự phải qua xin lỗi và đền con gà cho người ta. Đặc
biệt, có một lần Lự đi ra ngoài trời ban đêm bị trúng gió, con Ky ngồi chờ
không thấy Lự vào nhà, nó ngặm quần lôi Lự nhưng không được, nó vào nhà dùng
chân trước cào vợ Lự dậy, nhờ đó Lự được cấp cứu kịp thời, không có con Ky chắc
Lự đã “mồ yên mả đẹp”. Lự quý con Ky lắm!
Con Ky ở với nhà Lự được
chừng một năm thì bị thuốc chết, chao ơi con Ky đã không may mắn như tôi mong
mỏi. Sáng sáng tôi đi bộ ngang qua nhà Lự, tôi và Lự nói chuyện trên trời dưới
đất, con Ky từ trong nhà chạy ra thấy tôi nó rít lên những tiếng nhỏ trong cổ
họng. Nó liếm tay tôi, nó ngửi chân tôi…nghĩa là nó làm đủ trò để diễn tả cái
tình cảm quyến luyến chủ cũ của nó. Nó đối với Lự cũng rất trung thành, Lự đi
đâu là nó đi theo đó, đến nỗi phải đuổi nó mới chịu về nên Lự hay xích nó lại
và chỉ mở xích cho nó vào ban đêm để nó coi nhà.
Buổi sáng nó bị thuốc chết
tôi đi bộ sớm hơn thường lệ. Ngang qua nhà Lự lúc năm rưỡi sáng, tôi thấy Lự
nhìn đăm đăm ra đường với đôi mắt tức tối. Gặp tôi Lự như xổ được cái sự tức
đang nặng trĩu trong lòng. Lự kể mới đi vào nhà có việc khoảng chừng mười phút
khi ra ngoài sân thì con Ky đã nằm ngay đơ, trước mặt nó là một cái bả chó. Cái
thứ thuốc độc gì mà kinh thật, con Ky mới bập vào một cái là nằm ngay ra, nó
chưa kịp hiểu điều gì hồn đã về chín suối. Lát sau một chiếc xe Wave Tàu chạy
ngang qua, thằng ngồi sau lấm lét nhìn vào nhà Lự, nó thấy Lự đứng bên xác chó
mặt hầm hầm nhìn ra đường, nó cho xe chạy thẳng. Lự chửi thề “đ…mẹ” khi nhìn
cái xe không biển số của hai thằng thuốc chó.
Tôi chia sẻ nổi lòng của
Lự bởi tôi từng trải qua cái việc con vật mình nuôi thân thiết dường vậy bị bắt
mang về làm thịt. Lự nói:
- Em còn đau hơn anh nữa
kìa, nó thuốc chó của mình trước mắt mình không tức sao được?
Tôi nói:
- Giờ cậu tính sao với con
Ky?
- Còn tính sao nữa, em sẽ
đào cái hố chôn nó ở mé vườn.
Lự chỉ tay về phía vườn.
Nơi ấy là một vạt đất Lự đang trồng mấy thứ rau thông thường để ăn hàng ngày.
Tôi an ủi Lự thêm lần nữa rồi đi về. Niềm hân hoan của tôi trong buổi sáng nay
khi vừa đi vừa ngắm cảnh ban mai, trên trời một bầy cò bay đi kiếm ăn, dưới đất
một bông hoa dại ven đường đang e ấp nở…bị vẩn đục bởi cái vụ thuốc chó. Tôi
quay về không tiếp tục đi cho hết đoạn đường theo dự tính lòng có chút ngậm
ngùi!
Nhà tôi gần một ngã ba,
tại ngã ba này mấy năm nay một cái chợ tự phát mọc ra. Ở cái chợ chồm hỗm họp
vào buổi chiều này bán đủ thứ cả. Nào cá, nào thịt, nào rau…đủ thứ hàng thiết
yếu phục vụ những ai có nhu cầu, đến cả hai hàng thịt chó sống cũng được người
ta mang tới bán. Những người bán không phải cư dân ở ngã ba này, trừ cô Thoan
có nhà ở một góc ngã ba là người bán rau từ rất lâu rồi. Phường cũng nhiều lần
ra tay dẹp cái chợ chồm hỗm này nhưng không mạnh tay lắm bởi dù sao cái chợ ấy
cũng đáp ứng nhu cầu của một bộ phận cư dân trong khi phường chưa tìm ra một
chỗ để làm chợ phục vụ dân sinh. Mỗi lần phường và thành phố “ra quân”, người
mua thì đứng tần ngần nhìn người bán “cuốn gói” chạy lên con đường nhỏ trước
mặt nhà tôi, còn người bán thì mắt lom lom nhìn những chú cảnh sát trật tự,
cảnh sát cơ động đang làm nhiệm vụ chờ rút quân là trải bạt…bán tiếp.
Chiều hôm sau ngày con Ky
bị thuốc chết, tôi xuống ngã ba mua ít rau, thấy tôi anh Phước mời vào nhà uống
ly cà phê. Lề đường trước nhà anh Phước là nơi bán thịt chó sống của hai người
đàn bà. Anh Phước rất phiền chuyện này nhưng không biết làm gì bởi lề đường ấy
không phải đất của anh. Mới nhấp hớp cà phê đầu tiên, tôi đã nghe tiếng cãi vã
từ hai hàng thịt chó:
Một bà chửi:
- Mẹ, bà nói cho mày biết
mày mà bán phá giá thì coi chừng tao!
Bà kia cũng không vừa:
- Tôi bán giá nào là quyền
của tôi, không khiến chị chen vào!
Đó là hai người đàn bà
khoảng chừng bốn mươi tuổi, chiều chiều họ trải tấm bạt nhàu nhĩ không nhận ra
màu bởi nhuốm máu chó bày thịt ra bán. Đó là những con chó được thui vàng nhe
hàm răng trắng ởn, ai chọn miếng nào họ chặt miếng đó cho khách.
Tôi dỏng tai nghe cuộc cãi
lộn. Bà vừa chửi tiếp:
- Mày tưởng tao không biết
thứ “chóa” nhà mày bán sao?
- Chị vừa phải thôi, chó
nhà tôi làm sao nào?
- Mày tưởng tao không biết
sao, đêm qua tao bắt gặp thằng chồng nhà mày mang cái xác con chó chết về nhà,
tao gặp nó ở Khu…
Đến đây thì tôi vụt hiểu.
Thịt chó của bà bị chửi là xác con Ky! Tội nghiệp con Ky, nó chết nghẹn ngào
được Lự chôn rồi còn bị trộm xác thui vàng xẻ thịt ra bán. Tôi đứng dậy sau khi
cám ơn anh Phước rồi ra về, vừa lúc đó tiếng còi của xe cảnh sát trật tự vang
lên. Hai bà bán thịt chó thôi cãi nhau, vội vàng họ gom thịt chó chạy cảnh sát.
Bà bị chửi lính quýnh túm tấm bạt khiến cái đầu con Ky và một cái đùi sau rơi
ra, không kịp nhặt bà ta vừa chạy vừa đánh cặp mông núc na núc ních vừa la lớn
“chị ơi chờ em với!”.
Đầu con Ky nằm trên mặt
đất với cặp mắt trợn tròn chắc đầy uất hận, tôi thầm nghĩ. Bỗng đâu có hai
thằng thanh niên chạy xe trờ tới, thấy chỗ thịt chó nằm chơ hơ trên mặt đất
chúng ngừng xe lại. Thằng ngồi sau cúi xuống nhặt đầu con Ky và cái đùi bỏ ngay
vào trong áo khoác. Thằng ngồi trước cười tươi rồ xe chạy bỏ lại sau lưng một
quầng bụi mịt mù. Mấy anh cảnh sát lo dẹp mấy cái giá bán quần áo không để ý
chuyện này.
Tôi ngán ngẩm nhìn cảnh
chướng tai gai mắt đang diễn ra như xem một vỡ kịch tồi. Sáng hôm sau tôi kể
chuyện này với Lự. Nghe xong Lự tái mặt, Lự cho tay vào móc họng, quay mặt vào
bụi chuối ói ra một đống nước vàng. Tôi hỏi:
- Chuyện gì vậy Lự, cậu bị
gió à?
Lự đáp:
- Hai cái thằng… hai cái
thằng đi xe máy tụi nó trọ nhà em, tối qua chúng mời em nhậu thịt cầy, thật
khốn nạn!
Lự tiếp:
- Lần này thì cạch đến già
em thề sẽ không ăn thịt chó nữa!
Thấy tôi còn ngơ ngác, Lự
nói:
- Em đã bỏ được cái nghề
bán thịt chó rượu đế, em lên đây mua nhà cụ Mãi cất dãy nhà làm phòng trọ,
trước em là chủ quán thịt chó “Lá mơ”… Vậy mà cái bọn khốn nạn lại cho em ăn
thịt con Ky, em coi con Ky như con!
Vợ chồng Lự không có con.
Lự bỏ lững câu nói và ôm
đầu quay vào nhà, quên cả chào tôi. Tôi tiếp tục đi bộ, chừng mấy phút sau tôi
nghe văng vẳng tiếng gào thê thảm giống như tiếng chó bị chọc tiết. Tôi rùng
mình sực nhớ đến cơn bệnh thần kinh của Lự mà tôi nghe kể ngày trước.
Lự chết chừng một tháng
sau ngày ấy, lúc đó tôi đang ở Sài Gòn. Tôi viếng Lự nhằm ngày mở cửa mả, vợ Lự
đôi mắt còn thâm quầng kể với tôi rằng trước khi chết độ một tuần Lự cứ gào
thét mãi, khi hôn mê Lự lảm nhảm “Ky, Ky chờ tao với Ky ơi?”.
Tôi thở dài thầm nghĩ
không lẽ cái chết của con Ky là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Lự?
14/4/2014
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Lạt ngày 25/06/2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét