Home
» Tiểu thuyết - Truyện dài
» Những mảnh vỡ ký ức – Tiểu thuyết Võ Anh Cương 4 (Thành phố Đà Lạt)
Những mảnh vỡ ký ức – Tiểu thuyết Võ Anh Cương 4 (Thành phố Đà Lạt)
Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015
Hai tuần trăng trôi qua kể từ ngày hai anh em họ Trương
leo lên đỉnh núi Bi Đúp, Trương Đại Quá và Trương Thái đã dò khắp chân núi
nhưng vẫn không tìm ra xứ sở của người loắc choắc. Lương thực cạn kiệt, họ săn
bắt hái lượm để sống qua ngày. Cũng may muôn thú dưới chân núi Lang Bian và Bi
Đúp khá nhiều, với tài thiện xạ của Trương Thái, cái ăn không là điều khó kiếm.
Người Lạch lại không ăn thịt
nai cho nên con vật này trở thành thức ăn của anh em họ. Tuy vậy họ không phải
là những người lạm sát, Trương Đại Quá thường nói với Trương Thái:
Thông tin liên hệ: (VanDanViet) Tác giả Võ Anh Cương
Họ tên thật Nguyễn Hữu Cương
Bút danh khác Văn H. Cương
Địa chỉ: Nhà thuốc tây Đa Thành, 33 Nguyễn Siêu Phường 7, thành phố Đà Lạt.
Điện thoại: 0982.582.298
Email: voanhcuongdalat@gmail.com - voanhcuongdalat@yahoo.com
_____
Võ Anh Cương
NHỮNG MẢNH VỠ KÝ ỨC
Tiểu
thuyết Võ Anh Cương
CHƯƠNG IV
Hai tuần trăng trôi qua kể từ ngày hai anh
em họ Trương leo lên đỉnh núi Bi Đúp, Trương Đại Quá và Trương Thái đã dò khắp
chân núi nhưng vẫn không tìm ra xứ sở của người loắc choắc. Lương thực cạn
kiệt, họ săn bắt hái lượm để sống qua ngày. Cũng may muôn thú dưới chân núi
Lang Bian và Bi Đúp khá nhiều, với tài thiện xạ của Trương Thái, cái ăn không là
điều khó kiếm. Người Lạch lại
không ăn thịt nai cho nên con vật này trở thành thức ăn của anh em họ. Tuy vậy
họ không phải là những người lạm sát, Trương Đại Quá thường nói với Trương Thái:
- Vạn vật sinh ra là để phục vụ con người,
con người là chúa tể của muôn vật, nhưng dù sao muôn vật cũng là sinh linh,
cũng ham sống sợ chết. Vì vậy, chỉ khi thật cần thiết chúng ta mới săn bắn để
có cái ăn, em không nên lạm sát, như vậy mới sống hợp với đạo lý của tự nhiên.
Tuy không hiểu lắm, nhưng Trương Thái cũng vâng
lời người anh. Cậu không ham giết chóc, nhưng ăn thịt cá hoài cũng xót ruột,
nên Trương Thái thường chế biến thêm món rau rừng để thay đổi bữa. Món rau mà
Trương Đại Quá thích nhất là món canh lá bép nấu với tấm và đọt mây rừng. Đây
là một món ăn hàng ngày của người Mạ mà thầy cậu truyền lại cho cậu. Quả
thật món rau rừng này rất ngọt, nếu có vài con cá suối nấu thêm vào thì món
canh rất đậm đà. Trương Thái sống trong thiên nhiên hoang dã rất vô tư, hình
như cậu là một phần tử của núi rừng, cây cỏ. Một hôm Trương Thái nói với Trương
Đại Quá:
- Quá đại ca, em thấy mấy hôm nay anh ăn
chẳng ngon miệng, có lẽ anh đã thèm cơm rồi phải không? Hay là anh em ta vào
một bon của người Lạch xin đổi chút gạo, anh thấy thế nào?
Trương Đại Quá ngạc nhiên:
- Em có gì để đổi, ta lang thang trên cao
nguyên này cũng gọi là lâu, ta nghĩ khi túng bấn ta xin gì thì người Lạch
cũng giúp thôi, nhưng em lại muốn trao đổi là ý làm sao?
Trương Thái cười bí hiểm:
- Quá đại ca cứ theo em, em không muốn xin
gạo của người Lạch, em chỉ muốn trao đổi thôi!
Hai người đi theo một con đường mòn rời
khỏi chân núi Bi Đúp, vừa đi hai anh em có tâm trạng khác nhau. Với Trương Thái
ở đâu cũng vậy, cậu là một phần của núi rừng Lang Bian, cậu rất vui khi có thêm
một người anh kết nghĩa, cậu mong hai anh em cứ sống với nhau thì cậu mãn
nguyện lắm rồi. Còn Trương Đại Quá, trong những tao ngộ anh gặp thời gian qua,
anh thấy rằng mục đích của đời mình rất khó đạt được. Anh là một người trọng
chữ tín như thầy anh thường dạy, cho nên khi đã hứa với Trương Thái, chừng nào
tìm ra linh dược cho Thái anh mới yên tâm đi tìm sừng tê giác cho mình. Cho đến
lúc này Trương Đại Quá vẫn chưa có một tia sáng nào trong việc tìm chiếc sừng
tê, ngoài mẩu chuyện Trương Thái nghe lóm từ sư phụ. Nhưng Đại Quá vẫn hy vọng
với nỗ lực của mình mục đích đời anh sẽ đạt được. Anh sẽ lấy cô Ba làm vợ, anh
sẽ đi tìm một vùng đất khác, tỷ như cao nguyên Lang Bian để chung sống hạnh
phúc bên cô Ba. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, Trương Đại Quá thấy cuộc sống như
vậy thì tầm thường quá, nhưng làm gì để có một cuộc sống khác thì Trương không
biết.
Với hai tâm trạng khác nhau, anh em nhà họ
Trương đi xa chân núi Bi Đúp. Xa xa một làn khói tỏa trong cảnh chiều hôm,
Trương Thái hớn hở nói:
- Quá đại ca, có lẽ chúng ta sắp đến một bon
của người Lạch rồi. Tối nay chúng ta sẽ ngủ ở đây thôi.
Đúng như Thái nói, một lát sau hai anh em
trông thấy một dẫy nhà dài. Từng làn khói tỏa ra trong dẫy nhà đó, như vậy là
dân làng đang nấu cơm chiều. Nghĩ đến từ cơm, Trương Đại Quá thấy bụng mình sôi
lên, quả là đã từ lâu hai anh em anh chưa có hột cơm nào trong bụng. Là một
người tiết dục, Trương Đại Quá không bao giờ để lộ việc thèm khát một thứ gì ra
ngoài mặt, nhưng chiều nay, một cơn gió thoảng qua mang mùi cơm đang chín tới
đến mũi anh, khiến anh nhớ vô cùng những chiều quê mà anh đã xa lâu lắm rồi.
Quê hương là một lời réo gọi đến héo hắt cả ruột gan!
Đang chần chừ trước cửa thì một người đàn
ông đứng tuổi xuất hiện trước chiếc thang được đẽo bằng một thân cây rừng. Thấy
ông già, Trương Đại Quá cung kính vòng tay lại và tiến lên một bước, anh nói:
- Chào bác, chúng cháu là kẻ lỡ độ đường,
chúng cháu xin tá túc ở bon ta đêm nay không biết có được không?
Ông già nhìn hai anh em:
- Chàng trai, hai người từ đâu đến, muốn ngủ ở bon ta đêm nay à.
Được thôi, mời vào.
Ông già nói tiếng Kinh bằng một âm điệu hơi
cứng, Trương Đại Quá hơi ngạc nhiên khi gặp một người thạo tiếng Kinh ở một bon
nhỏ bé và hẻo lánh này. Hai anh em theo ông già vào nhà, bên trong có khoảng
hai chục bếp đang đỏ lửa, mùi cơm từ các bếp bốc ra thơm nức mũi. Ông già mời hai
người ngồi xuống nhà rồi nói:
- Hai chàng trai, ta tên là K’Rè là già
làng ở bon Cây Ngo đỏ này, còn hai người là ai, sao lại đến bon
ta?
Trương Đại Quá trả lời:
- Thưa với già làng, cháu tên là Trương Đại
Quá, còn em cháu tên là Trương Thái, hai anh em chúng cháu đang đi tìm cây
thuốc để sư phụ em Thái chế thuốc cứu người. Mấy hôm nay hết cả lương thực,
chúng cháu xin với già làng cho chúng cháu được tá túc qua đêm nay.
Trương định nói thêm nữa, nhưng Thái đã
cướp lời:
- Chúng cháu không để già làng thiệt đâu,
cháu xin đổi vật này lấy gạo được không?
Nói xong Trương Thái cho tay vào bọc và lấy
ra một bụm nhỏ những hạt có màu đỏ và xanh lạ mắt. Những hạt đó chỉ nhỏ bằng
một nửa hạt bắp và có một lỗ nhỏ ở giữa, có lẽ dùng để xâu lại với nhau. Trương
Đại Quá ngạc nhiên hết sức, anh không biết Trương Thái có những vật này. Còn
ông K’Rè tỏ ra thích thú với món quà của Trương Thái, ông cầm từng viên lên và
ngắm nghía thật kỹ. Một lúc lâu, ông già nói:
- Được lắm, ta chịu đổi.
Nói xong ông già quay qua nói với một người
thanh niên đang xì xào vì những hạt màu xanh đỏ vui mắt của
Trương Thái. Trương Đại Quá không biết ông K’Rè nói gì, nhưng vẻ hài lòng
hiện rõ lên mặt mấy chàng trai. Ông K’Rè quay qua nhìn anh em họ Trương:
- Đêm nay hai anh em ngủ lại bon ta,
sáng mai ta sẽ lấy gạo cho, còn vật này, để con Ka Thiếu bắt chồng.
Nói xong ông già ra hiệu cho một người
thiếu nữ mang cơm đến và mời hai anh em ăn. Cơm gạo rẫy thật là ngon, tuy thức
ăn không có gì, chỉ vài cọng rau rừng nấu lên mà Thái gọi là canh. Muối là một
thứ cực hiếm ở đây, chỉ những người bệnh mới được ăn muối, bon Cây Ngo đỏ
chưa đi đến xứ sở của những người Chăm Pa, nơi có những ngọn tháp huyền bí để
đổi lâm sản lấy muối và sắt được. Ông già K’ Rè cho anh em Đại Quá biết như
vậy. Nghe ông K’Rè kể, Trương Đại Quá cảm thấy thương những người Lạch
thiếu thốn những thứ tối cần thiết cho đời sống thường ngày. Anh hỏi:
- Vậy dân làng ta phải ăn lạt à?
Ông K’Rè chậm rãi nói:
- Không đâu, ta đốt cỏ tranh lấy tro ăn
thay muối mà!
Thì ra là như vậy, người ta có thể dùng tro
tranh để ăn thay muối. Trương Đại Quá lấy làm ngạc nhiên khi khám phá ra điều
này. Anh sống một thời gian cũng gọi là dài trên cao nguyên, nhưng hôm nay mới
biết chuyện này, quả là đi một ngày đàng học một sàng khôn như ông bà thường
nói. Còn Trương Thái, cậu sống trên cao nguyên này và chưa bao giờ đi xa những
cánh rừng, những trái đồi tròn và những con suối suốt ngày đêm cứ róc rách
chảy, nên cậu không ngạc nhiên một chút nào. Cậu biết chuyện tro tranh có thể
ăn thay muối cũng như người ta có thể tước một thứ vỏ cây I e để dệt nên
quần áo. Thái hỏi ông K’Rè:
- Vậy chừng nào bon ta đi đổi
sản vật lấy muối hả bác?
- Ta cũng tính tới mùa trăng sau khi tuốt
lúa xong là sẽ lên đường thôi.
Bây giờ là giữa mùa mưa, Thái nhẩm tính như
vậy có lẽ khoảng ba tuần trăng nữa là bon Cây Ngo đỏ lên đường đi đổi
muối. Thái nói:
- Vậy ta đem theo vật gì để đổi?
Ông K’Rè nhìn vào bếp lửa đang cháy, ánh
lửa rọi khuôn mặt khắc khổ của ông lung linh trên bức vách được đan bằng những
tấm liếp tre, ông chậm rãi nói:
- Ta biết có một thứ mà người Kinh rất
thích, loại cây đó có trên xứ sở của chúng ta. Mùi nó rất thơm khi ta đốt lên,
mà thơm rất lâu. Người Kinh gọi nó là trầm hương, các cháu có biết không?
Đang ngồi, Trương Thái nhảy dựng lên:
- Bác có không, bác K’Rè, bác đổi cho cháu
một ít được không, bác muốn thứ gì cũng được cả!
Ông K’Rè thản nhiên trả lời:
- Ta không có!
Trương Thái thất vọng nói:
-
Vậy mà bác định đem trầm hương đi đổi lấy muối mang về?
-
Đúng vậy, ta định đem đổi trầm hương lấy muối mang về để cho lũ làng khỏi
lạt cái miệng, người già không run cái chân, ngươi trẻ không còn thắc mắc hỏi
ta chừng nào đi đổi cái muối mang về cho bon Cây Ngo đỏ!
Trương Thái hỏi:
-
Vậy bác lấy ở đâu thứ của hiếm đó?
Cậu
nhìn ông K’ Rè với một cặp mắt chế giểu, một nụ cười tinh quái lấp lánh trong
cặp mắt màu nâu sáng lấp lánh trên gương mặt thông minh sáng láng. Ông già K’Rè
vẫn điềm nhiên như không nhìn thấy thái độ của Thái, ông trả lời:
- Ở
đâu à, ta cũng không biết!
Thật
là hết chỗ nói, Trương Thái nghĩ thầm trong bụng, cậu cho rằng ông già người Lạch
này có lẽ bị điên, nên cậu thôi không nghĩ nhiều đến trầm hương nữa. Nhưng
trong đêm rừng vắng lặng, Trương Thái không tài ngủ được với những ý nghĩ rối
rắm trong đầu. Cũng vì hai tiếng trầm hương mà ông già Lạch nói hồi chiều. Thầy
cậu thường dạy, trầm hương là một dược liệu quý hiếm, nó là một vị thuốc không
thể thiếu được trong một số bài thuốc cổ phương. Thầy thường dặn rằng trong
những ngày dong ruỗi đó đây, cậu phải chú ý đến loại thuốc này và tìm cách đem
về cho thầy một ít khi có dịp. Cho nên khi nghe ông K’Rè nói đến trầm hương,
Trương Thái nhảy dựng lên là vậy.
Tiếng
gà rừng eo óc gáy, hơi sương xâm nhập vào cánh cửa khép hờ, bếp lửa vẫn còn âm
ỉ cháy, một làn khói mỏng manh bốc lên khiến Thái bất giác thấy lạnh và hơi nhớ
nhà. Cậu xa nhà đã từ lâu, không biết sư phụ đã về chưa kể từ buổi sáng hôm ấy,
lúc cậu bước ra khỏi cánh cửa để tiến về núi Lang Bian, thì thầy của Thái cũng
đã sớm xa nhà hai mùa trăng trước. Cậu không biết cha mẹ mình là ai, nên luôn
coi thầy là người thân duy nhất. Thầy vừa là cha, vừa là mẹ, và đôi khi thầy
còn là người bạn lớn tuổi của Thái. Tuy ham chơi và được thầy chiều chuộng từ
thuở nhỏ, nhưng không vì vậy mà cậu không ham học hỏi. Sư phụ là một người
chuyên trị bệnh cứu người, ông có nhiều bí phương mà ông học được từ những ngày
lang bạt giang hồ. Nhưng tính ông không ở yên một chỗ được nên hễ ở không một
thời gian là ông tìm cớ để ra đi. Thái cũng vậy, Thái nghe trong thiên hạ có
chuyện gì lạ là không thể nào chịu được, cậu phải tìm hiểu cho thật rõ mới
thôi. Chiều nay, ông K’Rè nói đến trầm hương, tuy trong lời nói cậu có ý chế
giễu ông già, nhưng bên trong Thái lờ mờ nhận thấy đây là một chuyện nghiêm túc
chứ không phải là một chuyện mua vui. Trầm hương, hai tiếng đó như thôi thúc
Thái tìm cho ra đáp số để thỏa trí tò mò. Không chỉ là tò mò, trầm hương còn là
một loại dược liệu quý giá mà thầy thường nhắc nhở và căn dặn phải đem về cho
thầy khi có dịp.
Trong
khi Trương Thái đang nhớ nhà, nhớ thầy, thì bên kia bếp lửa, Trương Đại Quá
cũng như Trương Thái, anh trăn trở và
không ngủ được. Lâu nay hai anh em ngủ ngoài hoang sơn, nay lại được ngủ bên
bếp lửa ấm cúng trong căn nhà sàn, anh lại thao thức nhớ nhà. Nỗi nhờ cứ âm ỉ
trong lòng Trương Đại Quá, chỉ chực nửa đêm là vùng dậy, trong đó hình ảnh cô
Ba chiếm hết tâm trí Trương. Mục tiêu của cuộc đời tuy đã định xong, nhưng
trong lúc thao thức như vầy, Trương có cảm giác đời mình thiêu thiếu một điều
gì đó. Trương Đại Quá cứ tự chất vấn mình, nhưng câu trả lời hầu như còn bỏ
ngõ.
Mọi
người trong dẫy nhà dài lục tục thức dậy. Hai anh em Trương Thái cũng dậy với
mọi người. Biếng nhác là một thói xấu đối với những người sống gần gũi với
thiên nhiên và lệ thuộc vào thiên nhiên để có cái ăn cái mặc. Trương Thái biết
rất rõ điều này, nên Thái bao giờ cũng dậy sớm. Còn Trương Đại Quá là con nhà
võ, nên trong sinh hoạt hàng ngày, Trương vẫn giữ được thói quen đi một bài quyền
trong sương sớm. Vừa xong thức cuối cùng, ông K’Rè bước đến bên anh:
-
Ta đã lấy cho hai gùi gạo rồi đấy, các cháu vào nhà ăn sáng đã.
Hai
túi nhỏ được đan bằng những sợi lát đựng đầy cơm nóng hổi. Không một chút khách
khí, Trương Thái ăn ngon lành món cơm điểm tâm sáng, cậu lấy chiếc ống tre đựng
muối và nhón một hột cho vào miệng. Vị mặn của muối khiến cho cơm ngon hơn rất
nhiều. Ông K’ Rè nhìn anh em Trương ăn cơm, ông không nói gì, chỉ trầm ngâm
nhìn vào đống lửa giờ chỉ còn là một đống than đỏ đang tàn với một sợi khó mỏng
manh. Đang ăn, thấy ông K’Rè như vậy, Trương Đại Quá chợt nhớ chuyện đói muối
của bon Cây Ngo đỏ, anh nói:
-
Cháu có lỗi với già làng quá, mời bác dùng cơm với muối, muối anh em cháu cũng
còn một ít đây!
Ông
K’Rè nói:
-
Các cháu mời ta thì ta cảm ơn lắm, ta xin các cháu một ít muối nhưng ta chỉ để
dành muối này cho những người bệnh thôi mà.
Nói
xong ông cẩn thận lấy một chiếc lá khô màu xam xám gói chỗ muối mà Trương Thái
vừa dốc ra khỏi chiếc ống tre và không giấu diếm vẻ thèm thuồng trên khuôn mặt
nhăn nheo. Thấy vậy, Trương Đại Quá nói:
-
Bác cứ ăn đi, cháu sẽ chia một nửa số muối của anh em cháu cho bon làng.
-
Chàng trai tốt quá, ta thay mặt bon Cây Ngo đỏ cảm ơn chàng trai, nhưng
ta đã nói, muối này chỉ dành cho người bệnh thôi mà.
Ngừng
một chút như để suy nghĩ kỹ, ông già nói tiếp:
-
Ta muốn mời hai cháu đi cùng lũ làng lấy trầm hương, các cháu có đi không?
Trương
Thái lại nhảy dựng lên:
-
Sao hồi hôm bác nói không biết chỗ có trầm hương mà?
-
Ta không biết mà, nhưng cha của cha ta thì biết!
Trương
Thái la lên:
-
Vậy mà bây giờ bác mới nói, tụi cháu sẵn sàng đi tìm trầm hương với bác. Vậy
chừng nào chúng ta đi hả bác?
-
Ta nói rồi khoảng ba tuần trăng nữa ta sẽ lên đường đổi trầm hương lấy muối và
sắt của người Kinh. Vậy bây giờ ta đi tìm trầm hương chỗ cha của cha ta chỉ.
Các chàng trai, ngày mai lên đường được chăng?
Trương
Thái nhẩy cởn lên vui sướng. Cậu bao giờ cũng khát khao khám phá những chuyện
lạ trong thiên hạ. Mà trong thiên hạ chuyện lạ không bao giờ cạn, cho nên
Trương Thái rồi sẽ cả đời lang bạt giang hồ như thầy cậu thôi.
Đoàn
người đi tìm trầm hương của bon Cây Ngo đỏ lên đường. Ngoài ông già K’Rè
còn có hai người thanh niên mạnh khỏe, một người tên là K’Sa, một người tên la
K’Quang. Họ là hai anh em ruột, khoảng trên dưới hai mươi tuổi. K’Sa là anh,
anh mang theo một cây ná làm vũ khí phòng thân và cũng là để săn thú làm thức
ăn cho cả đoàn. Còn K’Quang cầm trên tay một cây xà gạc, nước thép lấp lánh
chứng tỏ nó sắc bén phi thường. Quả vậy, Trương Thái khi nhìn thấy cây xà gạc,
cậu hỏi mượn K’Quang và chặt thử vào một thân cây ven đường, thân cây cở bắp
chân Thái bị tiện ngọt sớt và đổ xuống làm một con chim hốt hoảng bay lên. Thấy
vậy, Trương Thái la lên:
-
Anh Quang, cây xà gạc của anh bén quá, hôm nào anh rèn cho em một cây nghen?
-
Được, có sắt là được thôi mà.
K’Quang
cười nhe hàm răng trắng trên khuôn mặt đen đúa vì nắng cháy, Trương Thái thấy vậy cũng cười theo khiến không khí
trong đoàn trở nên vui vẻ. Mặt trời vừa mọc, ánh nắng ban mai xua tan sương mù
vương vất trên những cành cây, bụi cỏ. Còn dưới thung sâu, sương mù đậm
đặc một màu trắng đục, khiến khung cảnh
nơi đây trở nên huyền ảo. Đi đầu là ông K’Rè, với một chiếc khố quấn quanh hạ
bộ, ông già trông cứ như một bức tượng đồng hun. Chiếc gùi trên lưng ông đựng
lương thực và một ít vật dụng khác không làm cho ông khó chịu. Hình như nó là
một phần cuộc sống của những người Lạch như ông. Với chiếc xà gạc trên
tay, ông già vừa đi vừa phát những bụi cây, lùm cỏ mọc ven đường. Thấy ông K’Rè
cứ cặm cụi đi mải, Trương Thái gợi chuyện:
-
Già làng ơi, ta đi đến chỗ nào hả bác?
-
Ta đến dòng sông K’Rông Nô thôi mà.
-
Từ chỗ này đến sông K’Rông Nô có xa không hả bác?
-
Một ngày đi năm, sáu cái xà gạc, khi nào trăng tròn thì tới thôi!
Trương
Thái nhẩm trong đầu, bây giờ là cuối tháng, trăng chỉ là một lưỡi liềm mỏng, vị
chi khoảng 15 ngày sẽ tới nơi. Tính như vậy nên cậu hỏi tiếp:
-
Vậy là khoảng mười lăm ngày sẽ tới sông K’Rông Nô, nhưng một cái xà gạc là sao
hả bác?
-
Là để cái xà gạc trên vai, chừng nào mỏi quá thì đổi qua vai khác thôi mà!
Trương
Thái nhẩm tính và la lên:
-
Như vậy là mất một canh giờ rồi. Một ngày ta đi năm, sáu cây xà gạc, vị chi là
mất đến năm, sáu canh giờ, hết nửa ngày!
Trương
Đại Quá góp chuyện:
-
Em tính đúng đó Thái à, chúng ta phải đi khoảng nửa tháng trời sẽ đến sông
K’Rông Nô, dòng sông này ta đã từng ghé qua rồi.
Vừa
đi Trương Thái vừa nói:
-
Lâu nay em không bao giờ tính toán về thời gian cả, cứ mặc cho nó trôi thôi,
hết buổi sáng thì sẽ đến buổi trưa, đó là chuyện của ông Trời!
-
Không được, em phải tính chớ. Mọi người đều có quỹ thời gian của riêng mình, em
phải sử dụng quỹ này sao cho lợi nhất. Nhưng thôi, em còn nhỏ lắm, ta sẽ chỉ
dạy em dần từng bước một.
Hai
anh em nói chuyện với nhau, còn ba người Lạch thì im lặng, hình như câu
chuyện của anh em họ Trương không ăn nhập gì đến họ cả, hoặc giả họ không quan
tâm đến những khái niệm như “thời gian”, “đời người”…mà Trương Đại Quá nói với
Trương Thái. Quả đúng như vậy, đang đi, K’Sa bỗng dừng lại và kéo căng dây ná.
“Phụt”, mũi tên xé gió lao đi, tiếng một con min (một giống bò rừng) trúng
thương kêu lên thảm thiết làm khuấy động
cả không gian im ắng nãy giờ.
Trương
Thái reo lên:
-
Anh Sa hay quá, vậy là trưa nay ta có món thịt min ăn rồi.
Cậu
hăm hở chạy lại chỗ con thú săn được, nó đã chết, một dòng máu đỏ đang chảy ra
ướt đẫm bãi cỏ xanh. Đó là một con min còn non, có lẽ chỉ trên một tuổi nhưng
đã lớn bằng một con bò trưởng thành. Mũi tên xuyên đúng vào tim con vật nên nó
chết ngay khi trúng thương. Trương Thái tỏ ra vui sướng vì con mồi săn được,
còn ba người Lạch thì vẫn thản nhiên như không, họ không lộ vẻ gì là vui mừng
một chút nào! Trương Thái nhìn con vật một cách tiếc rẻ:
-
Chà, con min này to quá, làm sao ta mang đi cho hết?
Ông già K’Rè không nói gì, ông dặn K’Sa và K’Quang làm thịt con vật và hú
lên ba hồi dài. Âm thanh của tiếng hú được ngọn núi trước mặt đồng vọng lại
vang mải một hồi lâu mới hết. Khoảng một canh giờ sau, khi Trương Thái đã nướng
xong món bò rừng với lá lốt mọc hoang bên bờ suối, và nồi cơm của hai anh em đã
chín tới thì tiếng người trò chuyện với nhau đã râm ran trước thung lũng dẫn
vào chỗ năm người đi tìm trầm hương. Đó là một đoàn người toàn là đàn bà và trẻ
con, họ vui vẻ tiến vào chỗ con min giờ này đã được chia thành từng tảng thịt.
Hóa ra những người đi tìm trầm chưa đi xa khỏi cánh rừng mà những người đàn bà
và trẻ con bon Cây Ngo đỏ thường đi hái nấm và rau rừng, nên ông K’Rè hú
gọi bọn họ đến mang con thịt về cho lũ làng ăn.
Ông K’Rè trầm ngâm bên tẩu thuốc được làm
bằng một loại tre lên nước vàng óng, ông nhìn đám trẻ con vui vẻ bên tảng thịt
tươi roi rói với một ánh mắt chan chứa yêu thương. Trương Thái mau miệng:
- Chỗ thịt này đủ cho bon Cây Ngo đỏ
ăn vài ngày, dân làng thường làm món gì hả bác?
- Nướng hoặc luộc thôi, nhưng mà thiếu cái muối
ta phải chấm với tro tranh!
Mặt trời trên đỉnh đầu, nhóm người chia hai
sau khi ăn trưa xong. Nhìn mấy đứa trẻ con đen nhẻm ăn ngon lành món bò nướng
lá lốt với mấy nắm cơm, Trương Đại Quá
biết rằng bọn trẻ đã từ lâu chưa được ăn ngon như vậy, anh nói với ông K’Rè khi
nhóm đàn bà và trẻ con bon Cây Ngo đỏ khuất sau bụi cây rừng:
- Ta phải cố tìm ra trầm hương để đổi muối
cho dân làng, nhìn bọn trẻ đói muối tội quá!
Ông K’Rè không trả lời, người già hình như đang nghĩ một điều gì mà sao ánh mắt ông trở
nên xa xăm, ông tiến lên phía trước với những bước chân vững chắc.
Buổi chiều đoàn người đi tìm trầm hương
vượt qua những quả đồi tròn. Rừng thông với những chiếc lá nhọn chỉa lên trời,
màu xanh của lá ánh lên trong nắng vàng trong tiếng suối reo quả là một khung
cảnh tuyệt mỹ. Vùng đất này thanh bình quá, Trương Đại Quá vừa đi vừa nghĩ như
vậy. Quê anh cũng có rừng, trong rừng những loài thảo mộc mọc xen với gai góc
luôn là những trở ngại cho những người đi rừng. Còn ở đây anh không hề thấy một
loại cây gai nào cả. Ấy vậy mà hiểm nguy lại đến từ phía khác. Đang đi, Trương
Thái ngừng lại và nói:
- Hình như có tiếng người đang rên, Quá đại
ca, anh có nghe không?
Trương Đại Quá lắng nghe. Quả thật có tiếng
người đang rên rỉ, Đại Quá xăm xăm tiến về phía dòng suối dưới chân đồi. Một
người đàn ông đang nửa nằm nửa ngồi, đầu dựa vào thân một cây thông. Trương
Thái chạy vội đến bên người lạ, cậu hỏi:
- Sao bác lại nằm đây?
Người đàn ông đang nhắm mắt nghe tiếng nói
của Thái, người lạ nhướng mắt, một tia vui mừng lộ ra, ông ta chỉ phều phào:
- Rắn!
Nghe tiếng ‘rắn’, Trương Thái hốt hoảng lùi
lại một bước, nhưng cậu vụt hiểu và vén ngay quần của người đàn ông. Nhìn bắp chân sưng vù tím
bầm, Trương Thái lo lắng nói:
- Quá đại ca, anh nhìn xem có phải với lỗ
răng như vầy có phải là rắn lục không
anh?
Trương Đại Quá ngồi xuống và quan sát. Nhìn
vết thương và chỗ bị cắn, Trương Đại Quá đồng ý với nhận định của Thái, quả
đúng là loại rắn lục. Tuy đây không phải là loại rắn cực độc, nhưng nếu không
cứu kịp, thì cũng rất nguy hiểm. Chưa biết phải làm gì, anh đang tần ngần thì
Thái đã săm soi chung quanh, Thái nói:
- Em tìm chút dược liệu, anh coi chăm sóc
giúp người ta!
Nói xong cậu chạy vào cánh rừng trước mặt
và mất hút vào trong đó. Nhìn vết thương và nghe tiếng rên của người lạ, Trương
Đại Quá sực nhớ đến viên ngọc của ông già bán quán tặng cho. Tuy ông già chỉ
nói rằng viên ngọc rắn này chỉ trừ tà khí khi đi vào vùng nước độc, anh chưa sử
dụng lần nào, khi thấy chân người đàn ông càng lúc càng tím bầm, Trương Đại Quá
lấy viên ngọc rắn ra với một chút hy vọng trong lòng. Anh đặt viên ngọc rắn lên
chỗ vết thương rồi nói:
- Bác ráng nằm im.
Trương
Đại Quá hồi hộp nhìn viên ngọc. Màu ngọc vẫn sáng như bình thường. Người đàn
ông bị nạn đang cố nén tiếng rên, nhưng vẻ đau đớn vẫn hiện rõ trên khuôn mặt
khắc khổ của ông ta. Trương lo lắng hỏi:
-
Bác đau lắm phải không?
Hỏi
xong, Trương thấy mình thật là ngớ ngẩn, bị rắn cắn thì đau lắm chứ còn gì nữa.
Anh chỉ hy vọng một lát nữa Thái về sẽ có biện pháp cứu người này, còn anh thì
có lẽ đã hết cách rồi. Nghĩ như vậy nên Trương nhìn đăm đăm vào cánh rừng mà
Thái vừa chạy vào. Không biết Trương Thái tìm loại dược liệu gì mà sao lâu quá
không thấy cậu ra? Trương sốt ruột quá đỗi, anh đi tới đi lui vẻ nôn nóng hiện
rõ trên nét mặt. Chưa lần nào Trương Đại Quá nôn nóng như vậy. Anh thầm trách
người em sao không mau mau cứu người, kiểu nay không biết có cứu kịp người này
không nữa?
Nãy
giờ Trương Đại Quá quên mất người đàn ông, khi sực nhớ, anh quay lại thì người
lạ đang ngủ, vẻ đau đớn biến mất trên gương mặt ông ta! Trương ngạc nhiên, anh
vén quần người đàn ông và nhìn vào vết cắn, cái chân tím bầm hồi nãy giờ không
còn nữa, thật là kỳ diệu. Trương Đại Quá sung sướng với kỳ tích vừa xảy ra,
viên ngọc rắn đã hút nọc độc ra khỏi vết thương, quả đây là báu vật mà ông già
Tư đã cho anh.
Khi
Trương Đại Quá còn đang kể với ba người Thượng về viên ngọc rắn, Trương Thái
trở về với một nắm cây cỏ trên tay. Thấy người đàn ông bị rắn cắn đang ngủ yên,
Thái ngạc nhiên hỏi:
-
Quá đại ca, anh cứu người bằng cách nào mà hay quá vậy?
Trương
Đại Quá kể lại chuyện viên ngọc rắn cho Thái nghe, Thái nói:
-
Vậy là anh có bảo vật rồi, chỗ thuốc này không cần dùng nữa.
Nói
xong, cậu vứt ngay nắm cây thuốc trên tay xuống đất và gọi người bị nạn dậy:
-
Bác ơi, bác thấy trong người ra sao rồi?
Người
đàn ông lấy tay dụi mắt:
-
Ơ, sao chân ta hết đau rồi, cám ơn các cháu đã cứu ta, các cháu tài quá.
Nói
xong người đàn ông đứng lên một cách bình thường như chưa hề bị rắn cắn bao
giờ, nét mặt ông ta chưa tan hết vẻ ngạc nhiên. Ông ta nhìn Trương Đại Quá và
nói:
-
Ta họ Võ, tên là Vô Thường, hôm nay được các cháu cháu cứu nạn, ta đội ơn các
cháu vô cùng, các cháu có thể cho ta biết tên được không?
Trương
Đại Quá chưa kịp trả lời thì Trương Thái nói:
-
Bác ơi, bốn biển đều là người một nhà, bác nhớ làm gì chuyện vặt vãnh đó. Đây
là anh cháu, họ Trương, tên Đại Quá, còn cháu tên Thái, ba người Lạch
này là già làng K’Rè, anh Quang và anh Sa. Còn bác vì sao bác đi vào vùng này
và bị rắn cắn vậy?
-
Ta là người xứ Quảng Nam, ta vào Phan Rang tìm việc làm, ta là người nấu ăn cho
một ông quan người Tây lên vùng đất này khảo sát. Đoàn khảo sát của ông quan
Tây đóng dưới chân núi xanh kia, hôm qua ta theo dấu con nai rừng và lạc mất
đoàn, sáng nay ta định đi tìm đoàn của ta, tới đây thì bị rắn cắn, may mà mạng
ta lớn, chứ không thì chưa biết chừng hồn ta giờ này đã lên đường du địa phủ
rồi?
Tay
ông Vô Thường chỉ về phía núi Lang Bian, nơi mà đoàn người của Trương Đại Quá
vừa rời xa. Thấy vậy, Trương Thái nói liền:
-
Bọn cháu cũng từ chân núi Lang Bian đi ngang qua đây, vậy thì cũng gần thôi,
bác cứ theo hường bắc là sẽ gặp đoàn của bác thôi. Quái lạ, sao chúng cháu
không gặp đoàn người của bác cà?
Thắc
mắc của Thái cũng chính là thắc mắc của Trương Đại Quá, còn ba người Thượng
chẳng lộ vẻ gì ngoài mặt, hình như những người này coi sự hiện diện của ông Võ
Vô Thường cũng tự nhiên như gặp con nai, con thỏ trong rừng.
Ông
Vô Thường chắp hai tay lại xá anh em Đại Quá và ba người Thượng, ông nói lời
cảm ơn một lần nữa và nhắm hướng núi Lang Bian mà đi. Chẳng mấy chốc bóng ông
mất hút vào mênh mông cây rừng xanh thẫm.
Đoàn
người đi tìm trầm hương cũng tiếp tục lên đường. Hai anh em nhà họ Trương đã
bắt đầu quen với vẻ im lặng của ba người Thượng, họ nói chuyện với nhau, mặc
cho ba người Thượng lặng lẽ đi bên cạnh.
Mười
mấy ngày sau, đoàn người đi tìm trầm hương đến dòng sông K’Rông Nô, đó là một
dòng sông hẹp, nước chảy khá xiết tạo nên những âm thanh vang vọng cánh rừng
già hai bên bờ.
(Hết chương 4)
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Lạt ngày 21/12/2015
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét