Home
» Biên khảo - Tư liệu
» Nhân xuân Giáp Ngọ suy ngẫm từ bài thơ thần, Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của cha ông ta – BNMinh
Nhân xuân Giáp Ngọ suy ngẫm từ bài thơ thần, Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của cha ông ta – BNMinh
Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015
1. Vào Google mục Wikipedia sẽ cho ra kết quả 233 000 thông tin có liên quan đến thi phẩm đặc sắc này. Nếu chú ý đến tình hình xuất bản sách văn học nghệ thuật những năm gần đây, mỗi đầu sách chỉ phát hành 500, thậm chí 300 cuốn nhiều lắm là 3000 cuốn trong khi dân số nước nhà đã chạm mốc 90 triệu người, mới thấy ý nghĩa quan trọng của thông tin trên. Tuy nhiên đến nay, trong tâm tư và kí ức của không ít người đọc vẫn còn ngộ nhân bài thơ thần hay Nam quốc sơn hà là của Lí Thường Kiệt (1019 – 1105, vốn họ Ngô, xuất thân là một hoạn quan, một danh tướng, nhà chính trị ngoai giao tài ba có nhiều công lao với nhà Lí được ban quốc tính, một trong mười bốn vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam). Sự thật là thế nào? Suốt một thời gian khá lâu dài ...
Thông tin cá nhân:
Tác giả Bùi Ngọc Minh
Địa chỉ liên lạc: số nhà 49, đường 1, phố 3 (Phạm Hồng Thái)
phường Vân Giang TP.Ninh Bình.
ĐT: 0914928390
_____
NHÂN XUÂN GIÁP NGỌ SUY NGẪM TỪ BÀI THƠ THẦN,
BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN CỦA CHA ÔNG TA
1. Vào Google mục Wikipedia sẽ cho ra kết quả 233 000 thông tin có liên quan đến thi phẩm đặc sắc này. Nếu chú ý đến tình hình xuất bản sách văn học nghệ thuật những năm gần đây, mỗi đầu sách chỉ phát hành 500, thậm chí 300 cuốn nhiều lắm là 3000 cuốn trong khi dân số nước nhà đã chạm mốc 90 triệu người, mới thấy ý nghĩa quan trọng của thông tin trên. Tuy nhiên đến nay, trong tâm tư và kí ức của không ít người đọc vẫn còn ngộ nhân bài thơ thần hay Nam quốc sơn hà là của Lí Thường Kiệt (1019 – 1105, vốn họ Ngô, xuất thân là một hoạn quan, một danh tướng, nhà chính trị ngoai giao tài ba có nhiều công lao với nhà Lí được ban quốc tính, một trong mười bốn vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam). Sự thật là thế nào? Suốt một thời gian khá lâu dài trong các thần tích, thần phả về Trương Hống, Trương Hát (vốn là tướng của Triệu Quang Phục bị Lí Phật Tử ép hàng, hai ông không khuất phục tự tử tuẫn tiết được dân gian tôn thờ làm phúc thần, được thờ ở hơn 300 ngôi đền ở các làng ven sông Cầu, sông Thương). Trong các sách vở thư tịch thời trung đại, Nam quốc sơn hà nằm trong truyền thuyết anh hùng thường thấy trong lịch sử mang màu sắc huyền thoại. Truyền thuyết này được văn bản hóa sớm nhất ở sách Việt điện u linh (1329). Nó còn được ghi lại trong các bộ sử lớn như Đại Việt sử kí toàn thư và các sách sử khác như Việt sử tiêu án, Việt sử tiệp kính, trong các bộ sử của Quốc sử quán triều Nguyễn như Lịch triều hiến chương loại chí , Đại Nam nhất thống chí ... Nó cũng còn được ghi lại trong Lĩnh Nam chích quái (tương truyền của Trần Thế Pháp, biên soạn ở thời Trần) và các sưu tập truyện cổ dân gian Thiên Nam vân lục liệt truyện, Mã lân dật sử, các sách sử Việt sử diễn âm,Việt sử quốc âm, Thiên Nam ngữ lục(1). Cho đến trước khi theo lệnh Lê Thánh Tông sử thần Ngô Sĩ Liên (? - ?) trước thuật Đại Việt sử kí toàn thư vào năm Kỉ Hợi niên hiệu Hồng Đức năm thứ 10 (1479) vẫn ghi là bài thơ thần được tuyên đọc lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống dưới thời Lê Hoàn (941-1005) đầu năm 981. Năm Tân Tị niên hiệu Thiên Phúc, triều Lê, Tống Thái Tông sai tướng quân Nhân Bảo, Tôn Toàn đem binh xâm lược phương Nam đến cửa biển Đại Than. Vua Đại Hành cùng tướng quân Phạm Cự Lượng dựng lũy, cầm cự với giặc ở sông Đồ Lỗ. Lê Đại Hành đêm canh ba nằm mộng thấy thần nhân tới bái lạy trên sông. Thưa rằng: "Hai anh em thần, một người là Trương Hống, một người là Trương Hát, trước theo vua Ngô dẹp nghịch tặc bình định được thiên hạ, đến đời hậu chúa Nam Tấn thì mất nước. Họ Đinh nghe tiếng anh em thần bèn triệu về, bọn thần vì nghĩa không theo bèn uống rượu độc mà chết. Thượng đế thương tình ban tên cho là Thần bộ quan, thống lĩnh tướng các âm binh. Nay giặc Tống sang xâm phạm bờ cõi, xin được cùng hoàng đế đánh giặc Bắc Tống để cứu sinh dân". Vua tỉnh dậy, lập tức thắp hương khấn vái xin được thần nhân trợ giúp, sau đó giết súc vật, đốt vàng mã làm lễ cúng tế. Đêm ấy, Đại Hành lại mộng thấy thần nhân thống lĩnh âm binh tiến đánh giặc. Canh ba, đêm tháng mười, trời đất tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng, quân Tống kinh hoàng, tháo chạy tán loạn (2); lần thứ hai dưới vương triều Lí khi Lí Thường Kiệt thắng Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt vào năm 1076: Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ, táng đảm, không đánh đã tan (năm 1329)(3). Đến Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử kí toàn thư thì chỉ còn ghi bài thơ thần gắn với chiến thắng giặc Tống trên sông Như Nguyệt. Có lẽ do quan niệm Nho giáo hà khắc về đạo đức cá nhân mà Ngô Sĩ Liên đã bỏ qua chiến thắng giặc Tống của Lê Đại Hành. Đến những năm 30-40 của thế kỉ XX, Lệ Thần Trần Trọng Kim không biết căn cứ vào đâu mà trong Việt Nam sử lược (4) cho rằng tác giả bài thơ được coi là tuyên ngôn độc lập đầu tiên của ông cha ta là Lí Thường Kiệt. Rồi trong Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn (5), Việt Nam cổ văn học sử (6) của Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam văn học sử yếu (7) của Dương Quảng Hàm, Tổng tập văn học Việt Nam (8) của Văn Tân, Lịch sử văn học Việt Nam (9) của Đinh Gia Khánh... và một số bộ tổng tập lớn của thời đại như Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (10), Thơ văn Lý - Trần (11), Tổng tập văn học Việt Nam (12) v.v... cái tên Lí Thường Kiệt gắn liền với bài thơ này. Thậm chí văn bản bài thơ treo trang trọng ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tại Hà Nội một thời gian dài cũng ghi tác giả bài thơ là Lí Thường Kiệt (nay đã bỏ tên tác giả). Trong các sách giáo khoa phổ thông, các giáo trình cao đẳng đại học tình hình cũng tương tự, (trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập 1 trung học cơ sở hiện hành vẫn ghi tác giả là Lí Thường Kiệt kèm thêm dấu hỏi chấm (?). Trên tinh thần cái gì của Sêra phải trả về cho Sêra, tôn trọng sự thật lịch sử sẽ thấy rằng: không cần là tác giả của bài thơ này Lí Thường Kiệt vẫn cứ là một nhân vật lịch sử vĩ đại được tôn vinh tôn thờ. Nên mạnh dạn coi bài thơ là vô danh trên phương diện tác quyền như đề nghị của cố Phó giáo sư Bùi Duy Tân trong bài báo khoa học: Truyền thuyết về một bài thơ "Nam quốc sơn hà" là vô danh, không phải của Lý Thường Kiệt. (13) Enghen có nói ở đâu đó rằng: Huyền thoại là giá đỡ của lịch sử, nếu dỡ bỏ giá đỡ lịch sử sẽ sụp đổ. Mà những giá trị cực lớn ít nhiều thường được người đời giai thoại, huyền thoại hóa.
2. Văn bản bài thơ từ lần tuyên đọc thư nhất đến lần thứ hai cũng có sự khác biệt trong một số câu chữ. Ở lần tuyên đọc thứ nhất:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư,
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm,
Hội kiến thịnh trần tận tảo trừ.
(Núi sông nước Nam vua Nam ở,
Trời xanh đã định trong sách trời,
Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm,
Sẽ gặp cuồng phong đánh tơi bời).
Ở lần tuyên đọc thứ hai:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rạch định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời)
Văn bản thần tuyên đọc lần thứ hai là văn bản được Đại Việt sử kí toàn thư ghi lại.Theo thống chưa thật đầy đủ của một số nhà nghiên cứu, hiện có khoảng 30 dị bản của bài thơ này. Bài thơ chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong tâm thức dân tộc bởi nó chạm đến một trong những huyệt thần kinh sâu kín nhạy cảm và thiêng liêng nhất của người Việt Nam tự ngàn đời là lòng yêu nước, khát vọng độc lập tự chủ. Không phải ngẫu nhiên mà Cậu Bé làng Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng ba năm không biết không biết nói biết cười, câu nói đầu tiên là xin đánh giặc cứu nước cứu nhà. Một văn bản Hán Nôm lại được lưu truyền bằng phương thức truyền miệng của văn học dân gian rồi được ghi chép trong sử sách. Điều này thật có ý nghĩa. Bởi nó thể hiện được khát vọng độc lập tự chủ của mọi con dân đất Việt yêu nước ở mọi thời. Tư tưởng cực lớn trong một hình thức cực nhỏ. Hiện tượng đặc biệt này khiến những người cầm bút đương đại phải suy nghĩ nghiêm túc. Hiện có nguồn ý kiến cho rằng thơ ngày nay đang bế tắc do mặt trái của kinh tế thị trường và nhiều nguyên nhân khác nữa. Theo tôi, nguyên nhân chính mà độc giả quay lưng lại với thơ nói riêng, văn chương nói chung vì không trả lời đúng và trúng những câu hỏi mà hiện thực đời sống sôi động muôn mặt phồn tạp đặt ra cho họ. Làm văn chương vì những gì ngoài văn chương phi văn chương thì làm gì có văn chương đích thực. Người viết không xúc động hồn thơ làm sao có thơ thần.
3. Cách hiểu câu chữ trong văn bản Hán Nôm hiện lưu hành được nhiều nhà nghiên cứu trao đổi trong nhiều bài nghiên cứu. Có thể tìm hiểu qua bài viết của các tác giả Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Đinh Gia Khánh, Trần Nghĩa, Nguyễn Tài Cẩn. Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Hùng Vĩ… Tôi chỉ xin góp bàn về một chữ. Đó là chữ đế (帝). Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na trong Nam quốc sơn hà định hướng một cách hiểu văn bản (14): chữ đế về cơ bản tới năm 1979, các nhà nghiên cứu đã giải quyết xong: đế là hoàng đế, là thiên tử - người cai quản cả thiên hạ, có quyền phong vương cho các chư hầu. Vũ trụ chỉ có một mặt trời; trái đất chỉ có một thiên tử: đế (15). Các nhà nghiên cứu đều thống nhất bài thơ dùng chữ đế thể hiện tinh thần độc lập tự chủ. Vua ta cũng là hoàng đế ngang hàng với hoàng đế các triều đại phong kiến Trung Hoa. Nhưng trong thực tiễn lịch sử bang giao giữa các triều đại phong kiến nước ta và Trung Quốc mà huyền sử và quốc sử đã để lại cho thấy một tình hình như sau: Trong một nghìn năm Bắc thuộc, khi các vị anh hùng dân tộc thành công trong việc chống xâm lược phương Bắc thắng lợi thường xưng vương: An Dương Vương, Trưng Nữ Vương, Triệu Việt Vương, Bố Cái Đại Vương… Chỉ Mai Thúc Loan xưng là Mai Hắc Đế. Ngô Quyền sau chiến thắng Nam Hán, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc vào năm 939 cũng xưng là Ngô Vương. Đến khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn mười hai xứ quân, lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt mới chính thức xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Và đến Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết thay Lê Lợi mở đầu khẳng định đế quyền với bách tính Đại Việt bằng câu: Đại thiên hành hóa hoàng thượng truyền thừa (Thay trời hành đạo, hoàng thượng truyền rằng), trong bài Cáo có câu: Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang… Tự Triệu Đinh Lí Trần chi triệu tạo ngã quốc Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương (Như Đại Việt ta thực sự là một bang văn hiến… Từ Triệu Đinh Lí Trần dựng nền độc lập - Cùng Hán Đường Tống Nguyên làm đế một phương). Còn trong thực tiễn lịch sử bang giao, các triều đại phong kiến tự chủ Việt Nam vẫn thần phục, triều cống cầu phong vương trước các hoàng đế phương Bắc. Các vua phương Bắc cũng chỉ phong vương cho các hoàng đế Đại Việt. Điều này cho thấy, ông cha ta có một phương lược ngoại giao mềm dẻo khôn khéo có nguyên tắc trong xưng đế ngoài xưng vương trước một nước láng giềng đất rộng, người đông luôn có mộng bành trướng, bá quyền. Cũng thực thế lịch sử cho thấy: mỗi lần người láng giềng xấu bụng xâm lược nước ta đều chuốc lấy thất bại nhục nhã (thủ bại hư). Lịch sự phải được tôn trọng để thế hệ sau phát huy được những bài học thành công và không mắc phải những sai lầm. Không nên vì một lợi ích thực dụng trước mắt nào đó mà thiếu đi cách ứng xử theo tinh thần của những ngự sử chân chính.
4.Tư tưởng cực lớn của bài thơ thần khẳng định quyền độc lập tự chủ của cha ông đã được các thế hệ người Việt Nam thể hiện trong suốt chiều lịch sử dựng nước và giữ nước bằng chính xương máu, tính mạng của mình. Nó có từ thời An Dương Vương, Thánh Gióng, Bà Trưng Bà Triệu… Đến khi Lê Hoàn, Lí Thường Kiệt thắng xâm lược Tống tư tưởng ấy, từ vô ngôn đã cất lên thành tuyên ngôn. Đến thời đại Hồ Chí Minh nó kết đọng thành chân lí Không có gì quý hơn độc lập tự do. Còn nhớ, sau khi kí Hiệp định Pari về Việt Nam đầu Năm 1973, Henri Kitsinhgơ, Cố vấn anh ninh của Tổng thống Mĩ Nichsơn có đến Hà Nội, khi thăm Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam, được giới thiệu về bài thơ này, ông ta đã bình luận: Đây là chương một, điều một, khoản một của Hiệp định Pari.Trong tình hình biển đảo Việt Nam hiện nay, bài học từ bài thơ Nam quốc sơn hà thật có ý nghĩa với mọi con dân mang dòng máu Lạc Hồng yêu nước, dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Những ngày cuối năm Đinh Tỵ này bên tai tôi như văng vẳng lời di huấn của Lê Thánh Tông: một tấc đất của ông cha để mất đi là mắc trọng tội với liệt tổ liệt tôn.
Vân Giang, 26 tháng chạp năm Đinh Tỵ 2014
Bùi Ngọc Minh
---------------
CHÚ THÍCH:
(1), (2).http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0201.htm.Nguyễn Thị Oanh TC Hán Nôm)
(3). Việt điện u linh: A.47, A.1919, A.2879, VHv.1285/1-2, VHv.1503, A.751, A.335 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
(4).Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, tái bản, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999, tr.112.
(5). Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, tái bản, Sông Nhị, H., tr.303.
(6).Nguyễn Đổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử, Hà Thuyên xuất bản, HN, 1942, trang 143.
(7).Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu, in lần thứ mười, Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1968, tr.231-232.
(8). Văn Tân: Tổng tập văn học Việt Nam, Tập I. Nxb. KHXH, Hà Nội, 1980, tr.231.
(9).Đinh Gia Khánh: Lịch sử văn học Việt Nam, Tập I Nxb KHXH., H., 1980, trang192
(10). Hợp tuyển thơ văn Việt Nam-Thế kỉ X - thế kỉ XVII. Đinh Gia Khánh - Bùi Văn Nguyên - Nguyễn Ngọc San. Tái bản. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976, tr.56-68.
(11). Thơ văn Lý - Trần, Tập I, Khảo luận văn bản: Nguyễn Huệ Chi, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr.318-322.
(12).Tổng tập văn học Việt Nam, Tập I. Chủ tịch Hội đồng biên tập: Đinh Gia Khánh. Nxb KHXH, Hà Nội, 1980, trang114.
(13).Truyền thuyết về một bài thơ: “Nam quốc sơn hà” là vô danh không phải của Lý Thường Kiệt của Bùi Duy Tân, Tạp chí Văn hóa dân gian số 4 (72), năm 2000, trang 40-41.
(14), (15). Nguyễn Đăng Na, Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục, 2006, trang 83.
------------------
Bùi Ngọc Minh
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ TP.Ninh Bình ngày 13.02.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét