Home
» Tiểu thuyết - Truyện dài
» Những mảnh vỡ ký ức – Tiểu thuyết Võ Anh Cương 6 (Thành phố Đà Lạt)
Những mảnh vỡ ký ức – Tiểu thuyết Võ Anh Cương 6 (Thành phố Đà Lạt)
Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015
Mặt trời lên cao xua tan sương mù đang phủ kín vạn vật dưới các thung lũng được tạo nên bởi những quả đồi. Thỉnh thoảng có những thung lũng trải rộng ra và hình thành một vạt đất bằng phẳng, không có đến một bóng cây to, chỉ toàn lùm, bụi sim, mua và những đám cỏ hoang. Khi mùa mưa đến chúng nhanh chóng xanh tốt và bò tràn trên mặt đất. Đây chính là dịp để những bầy nai, sơn dương và những loài ăn cỏ khác tẩm bổ sau một thời gian gặm toàn cỏ khô cằn ven bờ suối.
Thông tin liên hệ: (VanDanViet) Tác giả Võ Anh Cương
Họ tên thật Nguyễn Hữu Cương
Bút danh khác Văn H. Cương
Địa chỉ: Nhà thuốc tây Đa Thành, 33 Nguyễn Siêu Phường 7, thành phố Đà Lạt.
Điện thoại: 0982.582.298
Email: voanhcuongdalat@gmail.com - voanhcuongdalat@yahoo.com
_____
Võ Anh Cương
NHỮNG MẢNH VỠ KÝ ỨC
Tiểu
thuyết Võ Anh Cương
CHƯƠNG VI
Mặt trời lên cao xua tan sương mù đang phủ
kín vạn vật dưới các thung lũng được tạo nên bởi những quả đồi. Thỉnh thoảng có
những thung lũng trải rộng ra và hình thành một vạt đất bằng phẳng, không có
đến một bóng cây to, chỉ toàn lùm, bụi sim, mua và những đám cỏ hoang. Khi mùa
mưa đến chúng nhanh chóng xanh tốt và bò tràn trên mặt đất. Đây chính là dịp để
những bầy nai, sơn dương và những loài ăn cỏ khác tẩm bổ sau một thời gian gặm
toàn cỏ khô cằn ven bờ suối. Mùa nắng cũng có những lý thú riêng, nhưng khi mưa
đến, sinh khí của đất trời hiển hiện nơi hình hài của những sinh vật trên mặt
đất. Cây thông xanh nghít trong mùa nắng hình như màu xanh trong hơn khi hấp
thụ những hạt mưa đầu mùa. Những giọt nước long lanh rớt xuống từ trời mang
trong mình nó những chất bổ dưỡng của thiên nhiên ban cho tạo vật? Không ai
biết điều gì trong cõi vô thường, nhưng tạo vật hầu như trân mình chào đón
những giọt mưa như dấu hiệu chấm dứt mùa nắng hanh hao.
Sau
một trận mưa chiều hôm trước, sáng nay Trương Thái đi xuống một lòng thung. Cỏ
non xanh rì ven suối tạo nên một cảm giác dễ chịu. Cậu men theo dòng suối trong
veo và tìm cách lội qua chỗ con suối thốt nhiên nhỏ lại, con suối phát ra những
tiếng róc rách vui tai. Bây giờ là đầu giờ thìn, mặt trời trên cao như nung
nóng mặt đất trong khí trời mùa hạ. Trương Thái khoan khoái hít làn không khí
nhẹ tênh lẫn trong đó mùi nhựa thông
thoang thoảng và một chút hơi nước bốc lên dưới ánh nắng mặt trời. Cạnh dòng
suối, những loài hoa dại đang chớm nở như làm duyên cho con suối đang róc rách
chảy xuyên qua bạt ngàn lau sậy.
Bây
giờ Trương Thái đã là một chàng trai mười tám tuổi. Ba năm qua, cậu lùng nát cả
một vùng rộng lớn chung quanh con sông K’Rông Nô, nhưng không hề tìm thấy một
chút tin tức gì của Trương Đại Quá và ba
người Thượng. Trương Thái lang thang qua nhiều bon người Lạch và
cả người Mạ, cậu dò hỏi về ông K’Rè, nhưng chỉ nhận được những câu trả
lời buâng quơ:
-
Ớ, già làng K’Rè à, mình biết chớ, mấy mùa rẫy trước có qua đây mà!
Trương
Thái hy vọng, cậu hỏi dồn dập, nhưng câu trả lời của mấy người Thượng làm Thái
thất vọng:
-
Mình gặp K’Rè mới có mười mùa rẫy thôi mà!
Nhưng
Trương Thái không tuyệt vọng. Trong sâu thẳm tâm hồn, Thái vẫn hằng ấp ủ một
niềm tin về một ngày Thái gặp lại người anh kết nghĩa và những người bạn Lạch.
Thái lang thang qua biết bao thung lũng, trèo lên những đỉnh núi cao và có lúc
lạc cả vào một hang động bí mật trong lòng đất. Nhưng chưa có một chút tin tức
mỏng manh nào về Trương Đại Quá. Trương Thái cũng ghé qua thung lũng Hoa Vàng,
ngôi nhà của thầy giờ đây dột nát, có lẽ thầy cũng không về?
Bữa
nay, Trương Thái lần theo dấu chân một bầy nai khi vào một thung lũng hoang
vắng này. Nhìn dấu chân nai, Thái đoán có lẽ bầy này đến gần chục con. Bầy nai
vừa đi qua thung lũng này không lâu, dấu chân cho Thái biết như thế. Lương thực
dạo này đang cạn kiệt, Thái đang mong săn được một con thịt, lớp để cho cơ thể
có chút thức ăn tươi, lớp làm khô để dành. Vậy là Thái hăng hái dò theo dấu
những móng guốc chạy lên một triền đồi. Mùa mưa mới bắt đầu, những trận mưa đầu
mùa làm cho lớp cỏ đang lên xanh um, lũ nai và sơn dương tha hồ tẩm bổ, chúng
đang gặm cỏ. Nhưng không phải vì cái ăn mà chúng không cảnh giác. Bản năng sinh
tồn buộc chúng ngẩng cao đầu và sẳn sàng tháo chạy khi nghe những tiếng động
lạ. Thái yên lặng bò đến bầy nai, tay cậu lăm lăm một cây cung gương hết cỡ.
Chỉ có loại vũ khí này mới có thể săn được nai, min và sơn dương. Khi chuẩn bị
nhả sợi dây gân bò trong tay thì bầy nai bỗng nhiên cong chân lên chạy. Chúng
chạy trối chết với những cái nhấc mình nhẹ nhàng và duyên dáng. Thái thất vọng
đứng lên, cậu nhìn theo bầy nai đang khuất vào một cửa rừng ở phía xa xa.
Không
săn được con thú theo dự tính, Trương Thái đi dần xuống lòng thung và men theo
con suối vào cửa rừng. Cậu đang muốn
tránh cái nắng ngày càng gay gắt. Cánh rừng bao giờ cũng gây cho Trương
Thái sự tò mò. Bên trong mỗi cánh rừng đều mang một nét thâm nghiêm và đầy
huyền bí. Cánh rừng này Trương Thái chưa từng qua, những cây thông cổ thụ với
cành lá xanh um che kín bầu trời, thỉnh thoảng cũng lộ ra vài mảng trời xanh.
Cánh rừng vừa quen vừa lạ, điều gì tiềm ẩn trong cánh rừng này? Từng sống với
rừng từ nhỏ, Thái như một phần tử của rừng, và điều gì kỳ lạ, cho dù nhỏ nhất
cũng tác động đến Thái. Điều kỳ lạ tại cánh rừng này là gì?
Trong
rừng không một âm thanh, đến tiếng reo của lá cũng không. Trời đứng gió, những
tia nắng ấm đang bị bóng những tàng cây chắn bớt nên không khí trong rừng mát
mẻ dễ chịu vô cùng. Trương Thái ngồi xuống một bãi cỏ xanh, tay cậu vân vê một
cọng cỏ mọng nước. Trong không gian yên ắng đến vô cùng của cánh rừng buổi
sáng, Trương Thái thả hồn vào những đám mây trôi lờ lửng trên trời. Cậu đang
nằm nghỉ mệt sau một hồi săn mồi hụt. Bụng cậu sôi sùng sục nhắc cậu rằng từ
chiều qua Trương Thái chưa có gì bỏ bụng. Chuyện trong rừng bị đói là một câu
chuyện dài và diễn ra thường xuyên, Trương Thái không lạ lùng gì. Đói thì phải
kiếm ăn thôi, nhưng hãy hượm đã, trong rừng có gì cho cậu ăn được không? Không
nghĩ vẩn vơ nữa, Trương Thái ngồi dậy, cậu xốc lại cái gùi trống không, ngoài
chiếc chăn, một cái nồi, chiếc bầu đựng nước và hòn đá lửa, trong gùi không có
gì ăn được. Phải kiếm cái ăn thôi, Trương Thái đứng dậy và hăng hái bước đi.
Con đường ven suối dẫn Thái đến một gốc cây già. Thân cây chằng chịt những vết
cào, dòng nhựa thâm lại một màu đen cho câu biết rằng những vết cào này còn rất
mới. Thái sửng sốt nhìn xuống gốc cây. Một con gấu đen đang ngủ say như chết!
Con vật to lớn dị thường, màu lông nó đen tuyền và láng mướt. Trương Thái lùi
lại, con vật vẫn nằm im bất động, cậu lùi thêm một chút nữa, mắt vẫn lom lom
dòm vào con thú. Khi thấy bên mình con gấu một miếng sáp ong, Thái yên tâm khi
biết rằng con gấu này đang say mật. Có lẽ con gấu tìm thấy món khoái khẩu trên
cây này, Trương Thái dòm lên tàn cây, vài con ong vo ve quanh một cành lá cho
cậu biết rằng còn sót lại chút quà rừng. Đúng như vậy, tổ ong trên cành cây quá
to, con gấu không ăn hết, mắt Thái sáng lên khi phát hiện một mảng sáp ong cở
hai bàn tay còn đầy mật đang vướng một chảng ba thân cây. Cẩn thận, Trương Thái
từ từ đi lại gốc cây và vẫn dè chừng con gấu. Nhưng con gấu đang say giấc nồng,
nó không biết một chút gì về sự hiện diện của cậu. Rất nhẹ nhàng, Trương Thái
leo lên cây và gỡ miếng sáp vẫn còn những con nhộng bên trong. Cơn đói của Thái
được đẫy lùi khi cậu đã cách xa con gấu một khoảng an tòan. Quả là một món quà
rừng vô giá, vị mật ong lập tức xua tan cơn đói đang dằn xé trong lòng cậu.
Thái liếm chút mật ong dính trên tay như chưa thỏa cơn thèm rồi cậu khoan khóai
đi xuồng dòng suối rửa tay. Con suối nước trong ẩn mình trong đó là những con
cá lòng tong nhỏ đang tung tăng bơi lội tìm mồi. Lũ cá ranh này là những tay
phá bỉnh chuyên nghiệp, chúng không bao giờ táp thẳng vào con mồi mà chỉ rỉa
rói cho đến khi con mồi không còn một chút gì. Khi đi câu gặp lòng tong, Thái
thường giật ngang chiếc cần câu, chỉ có cách đó lũ cá ranh mới chịu phép của
cậu. Tuy nhỏ thật, nhưng lòng tong là một món ăn ngon nếu biết cách nấu. Cách
đây vài năm, thầy cậu sau một thời gian dài đi giang hồ đem về một gói hạt
tiêu. Và thế là món cá lòng tong kho tiêu mà thầy học được của người phương Nam
là một món ăn mỗi khi nhớ lại Thái thấy nước bọt mình ứa ra. Quả thật, những
con cá kho khô với một lớp tiêu, chiếc đuôi cong cong trong nồi đất mới hấp dẫn
làm sao. Hôm ấy Thái mới biết thế nào là món cá kho tiêu của người phương Nam.
Nước màu được thầy chế biến bằng một chút đường nấu cháy trong chảo mỡ khiến
nồi cá kho trông bắt mắt hơn lên. Ngay cả đường cũng là một món khiến Thái ngất
ngây. Thằng nhỏ Thái là cậu ngày ấy liếm sạch sẽ những hạt đường dính trên lớp
giấy gói mà thầy đem về. Vùng đất mà cậu sinh ra không có những vật phẩm ấy.
Biết cậu thích ngọt, hôm sau thầy cậu lên đường. Lần này ông đi không lâu, chỉ
khoảng hơn mười ngày ông đã trở về thung lũng Hoa Vàng. Ông đem một giống cây
có vỏ màu nâu mà ông gọi là cây mía và bảo Thái trồng vào vạt đất sau nhà. Thái
hãnh diện vô cùng khi được thầy trao trọng trách chăm sóc đám mía ấy. Thật là
bất hạnh cho một con vật bé nhỏ nào đó mon men tiến gần bụi mía, Thái thẳng tay
tàn sát không nhân nhượng một chút nào. Cậu trông đứng trông ngồi, lòng cứ mong
sao cây mau lớn để hai thầy trò thưởng thức vị ngọt lịm đến tê lưỡi của món quà
thiên nhiên ban tặng. Từ trước đến giờ, Thái chỉ biết đến vị ngọt của mật ong,
mà không phải lúc nào cũng tìm được mật. Thi thoảng cậu bẻ những thân lau và
tạm hài lòng với vị nhạt thếch của loài
thân thảo này. Đến khi những lóng
mía dài ra, ngày càng mọng nước, Thái không nén nỗi cơn thèm trong lòng, cậu bé
mười ba tuổi lén thầy bẻ một cây mía và chén sạch. Lần đầu tiên trong đời được
thưởng thức vị ngọt của mía, Thái thích thú vô cùng. Tất nhiên khi thầy cậu
phát hiện ra thiếu mất một cây mía, Thái không tự chủ được, cậu định thú thật
với thầy mình ăn vụng mất rồi. Nhưng cậu chưa kịp mở miệng, nhìn thấy ánh mắt
trẻ thơ đọng trong ấy niềm hối hận, thầy cậu thở dài và quay vội vào nhà cố
giấu một giọt nước mắt vừa tràn. Đêm ấy ông dạy Thái thế nào là một con người
tự trọng, với người trên cần xin phép, với của người, dù có thèm muốn mấy cũng
không được tơ hào.
…Mải
nhớ lại những chuyện ngày xưa Trương Thái ngủ lúc nào không biết. Hình như khi
người ta no bụng thì cơn buồn ngủ ở đâu bỗng ập đến thì phải. Đến khi thức dậy,
Thái giật mình vụt ngồi lên. Trước mặt Thái là một người lạ đang nhìn chằm chặp
vào mặt Thái. Đó là một ông già. Thấy Thái ngơ ngác nhìn mình, ông già bỗng nở
một nụ cười. Nụ cười của ông già trông thật hiền, nụ cười tươi cứ y như một
bông hoa mua nở khi mùa mưa đến. Nhìn ông già cười, Trương Thái bỗng nhiên hết
cả e dè, cậu cũng đáp trả bằng một nụ cười. Ông già hỏi:
- Cháu là ai, ở đâu mà vào tận nơi này ngủ?
Trương
Thái trả lời:
-
Cháu tên là Trương Thái, cháu ngủ trong rừng quen rồi mà?
-
Vậy nhà cháu ở đâu?
Trương
Thái ngơ ngác, quả thật câu hỏi của ông già khiến cậu nhớ quay quắt căn nhà trong
thung lũng Hoa Vàng, người thầy mà cậu xa cách đã bao nhiêu năm rồi. Thấy cậu
im lặng, mắt thoáng buồn, ông già lại hỏi tiếp:
-
Trên này người Kinh rất ít, gặp cháu ta rất mừng, ta thứ Ba, người ta kêu ta là
Ba Phong, nhà ta cách chỗ này khoảng một giờ đi bộ, ta vào thung lũng này chặt
ít cây rừng về cắm cho đám đậu thì gặp cháu. Giờ cháu có thể kể về cháu cho ta
nghe được không?
Tự
nhiên Trương Thái thấy mình tin tưởng vào ông già lạ mặt, một niềm tin không
thể giải thích được cho dù đây là lần đầu tiên Trương Thái tiếp xúc với một
người không quen biết. Trương Thái kể tất tần tật chuyện của cậu một cách không
đầu không đuôi. Đầu tiên cậu kể về người anh kết nghĩa, rồi đến chuyện con gấu
đang say mật ong nằm ngủ cách chỗ họ không xa. Bỗng nhiên cậu kể qua thung lũng
Hoa Vàng, ngôi nhà thân yêu giờ đây trở nên xiêu vẹo khi không có người ở. Ở đó
cậu từng có một người thầy ưa phiêu bạt giang hồ…
Ông
Ba Phong im lặng lắng nghe câu chuyện của người thanh niên mới lớn. Ông không
cắt ngang cho dù trong khi lắng nghe đôi chỗ ông chưa thông hiểu cho lắm. Nhưng
khi nhìn gương mặt thông minh sáng láng của người con trai, ông Ba như sống lại
thời trai trẻ của mình. Ngày trẻ, ông cũng ưa phiêu lưu mạo hiểm, ông rời bỏ
quê miền Trung và chọn đất này lập nghiệp cũng vì yêu mến cao nguyên xanh có
khí hậu trong lành này. Vì vậy ông Ba thông cảm ngay với Trương Thái, ở Thái
hình như ông tìm lại được hình ảnh ngày xưa của mình. Ông trầm giọng:
-
Bây giờ cháu tính đi đâu?
-
Cháu đi tìm anh Đại Quá, biết đâu một ngày kia cháu sẽ gặp anh ấy phải không
bác?
-
Có đi thì có đến cháu ạ, ta tin rằng anh cháu còn sống và một ngày hai anh em
cháu sẽ gặp nhau.
Nhìn
vào cặp mắt đôn hậu của ông Ba Phong, Trương Thái bắt gặp một tia nhìn ấm áp, tia
nhìn ấy giống như của thầy cậu và cũng rất giống anh Trương Đại Quá mỗi khi
quan tâm đến cậu. Ông Ba nói tiếp:
-
Có lẽ cháu đói rồi, bác có đem theo ít cơm vắt đây, bác cháu ta cùng ăn nhé?
Ông
Ba cho tay vào một chiếc túi bằng vải và lôi ra mấy nắm cơm vắt bọc trong những
chiếc lá chuối khô và một gói giấy đựng muối mè. Ông đưa cho Trương Thái một
vắt cơm rồi nói tiếp “ăn đi cháu, cơm này bác mới vắt sáng nay, cơm vắt phải ăn
với muối mè mới đúng điệu. Ở quê bác, người ta khi đi lên nguồn lấy củi đều
mang món này theo”. Khi nhắc đến tiếng “ở quê”, giọng ông Ba hình như có trầm
xuống một ít, có lẽ ông nhớ quê hương xứ sở của mình. Trương Thái ăn ngon lành
vắt cơm không một chút khách khí. Cậu cũng không từ chối vắt cơm còn lại ông Ba
mời cậu. Nhìn cậu ăn, ông Ba biết rằng mấy ngày qua cậu không được ăn no, thậm
chí còn nhịn đói nữa là đằng khác. Khi đã no bụng, Trương Thái nói:
-
Bây giờ cháu no bụng rồi, cháu phải làm một việc gì cho bác?
-
Cháu đừng nghĩ như vậy, mấy vắt cơm đó có là thứ gì lớn lắm đâu mà cháu phải
trả ơn?
-
Nhưng thầy cháu dạy rằng, đã ăn của người thì phải làm cho người, cháu không
thể nhận không của người được. Bác cũng không phải người Lạch, cháu
không thể mang mấy hột xanh xanh, đỏ đỏ ra đổi được, vậy bác cần cháu phải làm
gì bây giờ?
Ông
Ba Phong trầm ngâm một hồi rồi nói:
-
Nếu cháu đã nói vậy, thôi thì cháu giúp bác chặt một ít choái đậu rồi gánh về
nhà cho bác. Hai ngày nay bác làm có một mình, bây giờ có cháu giúp thì hay
biết mấy.
Trương
Thái vui vẻ nhận lời, cậu lấy cây xà gạc ra làm việc. Cây xà gạc này cậu mượn
của K’Quang hôm bên bờ sông và sau đó cậu lạc mất họ, mấy năm nay nó giúp
Trương Thái rất nhiều trong sinh họat hàng ngày. Không bao lâu sau, hai bác
cháu đã chặt xong một đống cây, đủ để hai người gánh về nhà ông Ba. Trương Thái
dành một gánh nặng, mới đầu cậu cảm thấy khó chịu vì chưa bao giờ làm việc này,
nhưng đi được một lúc, Trương Thái quen dần. Con đường mòn men theo một dòng
suối, cả hai người tiến về phía thượng lưu, rồi
trèo lên một quả đồi, trên đỉnh có một vạt cây thông tỏa bóng mát, ông
Ba nói:
-
Nghỉ chút thôi cháu à, còn một thôi đường nữa chúng ta về đến nhà.
Hai
người đặt gánh xuống và nghỉ mệt, ông Ba cởi bung hàng nút áo để cho cơn gió ve
vuốt thân hình còn rắn chắc cuả một người quen làm việc nặng. Ông uống một ngụm
nước từ một chiếc bình ông mang bên thắt lưng, loại dụng cụ này Trương Thái
chưa thấy bao giờ. Ông Ba không mời Trương Thái uống nước, chừng như đoán ra ý
nghĩ của cậu, ông nói:
-
Đây là rượu, ta có thói quen khó bỏ này từ ngày ta lên sống ở đây, cháu còn
trẻ, không nên giống như ta, không tốt!
Trương
Thái đã từng uống rượu, cậu không lạ gì với chất cay nồng và hưng phấn kia,
nhưng mấy năm nay lang thang trong những cánh rừng để tìm anh Đại Quá, Trương
Thái không có dịp uống thứ nước đặc biệt này. Trương Thái nghe ông Ba nói như
vậy, cậu cũng thôi không nghĩ đến nó nữa cho dù cậu không hiểu lắm rượu không
tốt ở chỗ nào?
Ông
Ba nói tiếp:
-
Thái à, hay là cháu về sống cùng với bác, trên này bác chỉ có một mình!
Trương
Thái bất ngờ với lời đề nghị của ông Ba, cậu nghĩ rằng cậu chỉ giúp ông Ba mang
số cây rừng này về nhà, sau đó đường ai nấy đi, Trương Thái lại tiếp tục lên
đường tìm Trương Đại Quá. Trương Thái ấp úng:
-
Cháu…cháu…
Cậu
im bặt. Biết cậu có điều gì đó khó lòng phân giải, ông Ba nói tiếp:
-
Cháu đã kể cho bác nghe chuyện của cháu rồi, bác biết cháu định tiếp tục tìm
kiếm anh cháu, nhưng trên cao nguyên mênh mông này, cháu biết đi đâu mà tìm bây
giờ? Cháu cũng đã tìm anh cháu trên ba năm rồi, bác nghĩ hay là cháu cứ về ở
cùng với bác, biết đâu những người quen của bác có thể giúp cháu tìm ra anh
cháu thì sao? Vả lại, bác nghĩ rằng thầy cháu cũng có thể trở về nhà rồi, ông
ấy không gặp cháu, lại đi tìm cháu, cứ người này đi tìm người kia thì biết đến
khi nào mới có thể gặp nhau? Chi bằng, cháu cứ ở một chỗ với bác, bác cháu ta
tìm mọi cách để tìm người thân của cháu, như thế may ra thầy trò, anh em cháu
có ngày đoàn tụ.
Lời
đề nghị của ông Ba Phong như một mặt trời sáng chói trong tâm trí Trương Thái,
niềm hy vọng tìm được Trương Đại Quá trong mấy năm nay có lúc hầu như chìm
trong tuyệt vọng thì nay được ông Ba thổi vào một làn sinh khí mới. Mặt Trương
Thái sáng lên, cậu tưởng tượng một ngày kia anh em cậu lại gặp nhau thì còn gì
vui sướng hơn? Nhìn thấy Trương Thái đã có vẻ bằng lòng, ông Ba Phong vui lắm.
Lâu nay ông sống một mình, không vợ không con, chỉ có vài người hàng xóm với
mảnh vườn trồng rau sinh sống qua ngày khiến ông đôi khi thấy trong lòng trống
vắng, nay có Trương Thái về cùng ở với ông thì còn gì bằng. Ông vui lắm, ông
lấy chiếc bình tong và nhấp một ngụm rượu, sau một tiếng “khà”, ông nói tiếp:
-
Kìa, cháu trả lời ta đi chứ?
Trương
Thái ngước mắt nhìn ông Ba, giọng cậu nghẹn nghẹn:
-
Dạ!
Ông
Ba cười, một nụ cười rạng rỡ:
-
Ta vui lắm Thái à, thôi ta về nhà đi, tối nay bác có người cùng ăn cơm rồi!
Đó
là một ngôi nhà làm bằng ván xẻ ra từ những thân cây, mái nhà được lợp bằng một thứ vật liệu chưa bao
giờ Trương Thái thấy trong đời, ngôi nhà tuy nhỏ nhưng gọn gàng và sạch sẽ. Ông
Ba chỉ cho Thái ngồi xuống bộ phản nghỉ mệt, ông lấy ra một chiếc bình và rót
nước mời Thái uống. Màu vàng nâu của bát nước chè xanh khiến Thái tươi tỉnh
lại, cậu đi khắp nhà quan sát với một cặp mắt tò mò. Nhà ông Ba không giống như
những ngôi nhà dài của những người Lạch, nhà nền đất, được ngăn làm ba
gian và một gian bếp. Lúc này bếp vẫn âm ỉ cháy, một làn khói mỏng manh bay lên
và thoát ra ngoài bằng một ống khói được đặt trên mái nhà. Cái gì trong nhà
cũng khiến Thái tò mò, những vật dụng
này Thái chưa từng thấy, chưa từng biết chúng dùng để làm gì. Ông Ba nói vọng
xuống từ nhà trên:
-
Thái ơi, cháu lên đây, ta chỉ chỗ ngủ cho cháu.
Chưa
bao giờ Thái ngủ trong một căn phòng. Lâu nay trong rừng bạ đâu Thái ngủ đó, có
khi phải ngủ trên cây vì Thái nghe tiếng cọp đói mồi gầm lên trong đêm vắng, có
khi là một hang động nào đó tình cờ cậu bắt gặp trong rừng. Thái ngủ giống như
người Lạch, chân đưa vào bếp lửa
lúc nào cũng âm ỉ cháy để đẩy cái lạnh miền sơn cước ra ngoài. Bây giờ cậu có
một chỗ ngủ như vậy khiến cậu tò mò. Đó là một thứ có bốn chân bằng gỗ, bên
trên được trải một tấm không hiểu gọi là gì nhưng Thái biết rằng nó được đan
bằng sợi lác khô. Thứ sợi này Thái thấy rất nhiều trong những đầm lầy. Như thấy
vẻ mặt Thái lạ lẫm nhìn những vật dụng trong nhà, ông Ba cười nói:
-
Thái à, cái này gọi là giường, còn cái tấm mà cháu ngủ bên trên là chiếu, còn
đây là mền, cháu về sống với bác cháu phải học nhiều thứ lắm. Tội nghiệp, lâu
nay sống trong rừng một mình cháu cứ như là người rừng vậy!
Trương
Thái ngạc nhiên hỏi ông Ba:
-
Trong rừng cháu cũng gặp người Lạch mà, người Lạch cũng là người
rừng hả bác?
Ông
Ba Phong cười xòa:
-
Thôi cháu xuống bếp giúp bác nấu cơm, tối nay ta phải làm một con gà ăn mừng
mới được?
Trương
Thái reo lên:
-
Bác để cháu nấu cơm cho, gì chớ nấu cơm cháu học được ở thầy cháu mấy món, để
cháu nấu bác ăn thử?
Ông
Ba nhìn Thái hoài nghi, ông không tin một người sống trong rừng nhiều năm như
Thái lại biết nấu ăn, nhưng ông cũng không ngăn Thái làm công việc này. Dù sao
với một người nhiều năm tự mình nấu cho mình ăn, hôm nay có người làm việc đó
cũng là một điều hay, ông Ba nghĩ thầm trong bụng.
Nhưng
khi nhìn Thái mổ gà, cách cậu tẩm gia vị, ông Ba ngạc nhiên hết sức:
-
Ai dạy cháu mà cháu biết làm mấy món này hả Thái?
-
Thầy cháu là một người thích ăn ngon, nên thầy cháu chỉ cho cháu nấu ăn hồi
cháu còn nhỏ. Đây là món gà nướng muối ớt, bác phải chờ cho muối thấm vào gà
rồi mới nướng trên than dẻ cau thì mới ngon. Còn bộ đồ lòng này, bây giờ cháu
sẽ làm cho bác món xào để bác uống với rượu. Ngày trước khi còn ở với thầy,
cháu hay xào lòng gà với mấy củ hành cho thầy cháu uống rượu, không biết nhà
bác có hành không?
Ông
Ba Phong không ngờ một chàng thanh niên sống trong rừng nhiều năm như vậy mà
lại biết nấu ăn như những người ở thị thành, ông cười ha hả nói:
-
Gì chứ mấy thứ đó bác có cả, cháu muốn cả hành tây bác cũng có nữa?
Bây
giờ đến lượt Thái ngạc nhiên:
-
Hành tây là gì hả bác cháu chưa biết bao giờ?
Ông
Ba Phong cúi xuống lục soạn tìm thứ gì trong gầm phản, một lát sau ông nói:
-
Đây, hành tây đây này. Thứ này người Pháp mang qua xứ mình trồng, nó to hơn
hành tím xứ ta, không thơm bằng, nhưng vị nó ngọt hơn!
Đó
là một thứ củ hình tròn, mùi hành thoang thoảng, vỏ tím nhạt và to như nắm tay
người lớn. Trương Thái chưa bao giờ thấy thứ củ nào như vậy. Trước đây cậu sống
với thầy ở trong rừng, tuy chỉ hai thầy trò một cõi nhưng thầy cũng trồng đủ
thứ gia vị phục vụ cuộc sống của hai thầy trò. Những củ gừng, xả, trái ớt, rau
sống…Thái trồng chung quanh nhà, thức ăn lúc nào cũng đầy đủ gia vị.
Trương
Thái hỏi:
-
Bác ơi, cháu xào lòng gà cho bác uống rượu, hồi còn ở với thầy cháu hay ngâm
rượu ngũ gia bì cho thầy cháu uống, thứ rượu đó giải cảm là hay lắm, bác chỉ
cần uống một ly là cảm mạo phong hàn gì cũng ra theo mồ hôi cả thôi. A mà bác
ơi, người Pháp là người gì hả bác, họ có giống người Lạch không, sao
cháu chưa gặp họ bao giờ?
Ông
Ba cười:
-
Vậy là cháu giỏi lắm, bác không có rượu ngũ gia bì, nhưng bác có thứ rượu ta,
nhưng cháu không nên nói cho ai biết nhé, người Pháp biết họ nhốt bác vào xà
lim mất!
-
Nhốt vào xà lim là sao cháu không biết, mà người Pháp từ đâu đến hả bác?
Ông
Ba Phong nghiêm mặt:
-
Sau này bác sẽ nói cho cháu biết nhiều thứ, còn bây giờ cháu chỉ nên biết rằng
hiện nay người Pháp đang cai trị nước ta, còn nhốt vào xà lim là bỏ tù. Còn
người Pháp ở đâu đến à… Hừ chuyện này dài lắm, từ từ rồi bác cho cháu biết!
Những
lời ông Ba Phong nói Trương Thái nghe như vịt nghe sấm! Ở tù, xà lim, người
Pháp, cai trị… những từ ngữ đó chưa bao giờ Thái nghe nói đến cả, duy chỉ từ
người Pháp nghe có vẻ hơi quen quen. Bỗng nhiên cậu nhớ đến cái mà thầy cậu gọi
là cái chai của người Phú Lãng Sa mà một hôm cậu lượm được trong rừng, cậu hỏi
ông Ba:
-
Bác ơi, người Pháp có phải là người Phú Lãng Sa không bác?
Ông Ba Phong tròn mắt ngạc nhiên, ông không
ngờ một thằng nhỏ ở trong rừng lại biết cái tên Phú Lãng Sa, một cái tên chỉ
người Pháp mà người xưa hay gọi, còn bây giờ ai cũng gọi là người Pháp, phiên
âm chữ France. Ông nói:
-
Đúng đó cháu, mà sao ai bày cho cháu?
Trương
Thái kể cho ông Ba nghe chuyện cái chai, ông Ba gật gù tỏ vẻ hiểu. Lúc này món
lòng gà xào hành vừa chín tới, thơm điếc mũi. Mới ngửi mùi thôi, ông Ba đã biết
món này ngon lắm. Ông hài lòng khen Trương Thái:
-
Cháu xào món này ngon lắm, cháu cứ kể tiếp chuyện thầy trò cháu đi?
Bỗng
nhiên Trương Thái sụp buồn, cậu nhớ thầy, không biết giờ nay thầy cậu đang ở
đâu:
-
Thầy cháu hay đi lắm, thầy nói thầy có mộng giang hồ, ở mải một chỗ thầy không
chịu được. Từ nhỏ cháu đã sống một mình rồi riết rồi quen. Không biết bây giờ
thầy cháu ở đâu nữa!
-
Bác xin lỗi cháu, bác đã làm cháu buồn. Thôi hãy lên ngồi với bác, bác cháu ta
ăn mừng buổi đầu tiên cùng sống chung dưới một mái nhà.
Ông
Ba Phong lấy một cái chai chứa một thứ nước trong vắt, thỉnh thoảng một vài
chiếc tăm sủi lên giống như cái chai thủy tinh Thái lượm được trong rừng ngày
trước. Ông soạn ra hai chiếc ly, rót đầy chất lỏng vào trong đó và nói:
-
Nào bác và cháu cùng cạn, cháu cũng lớn rồi, cứ làm một tí cho biết thế nào là
rượu!
Trương
Thái cười cười:
-
Cháu đã từng được uống rượu rồi, lúc ấy còn có anh Trương Đại Quá nữa!
-
Vậy sao, bác cứ tưởng cháu sống trong rừng không biết mấy thứ này, nào cạn!
Bữa
ăn kết thúc trong men rượu ngà ngà. Ông Ba Phong vui lắm, từ trước đến giờ, ông
một mình thui thủi, thỉnh thoảng mới gặp một người hàng xóm cùng quê hay vài
người từ Bắc vào. Họ sống thân thiện với nhau thành từng ấp nhỏ. Ai cũng có gia
đình, chòm xóm, riêng ông Ba một thân một mình, bây giờ có thêm Trương Thái ông
vui lắm. Ông chìm vào giấc ngủ với một nụ cười còn vương vất trên môi. Đêm ấy
ông mơ thất Trương Thái gọi mình là ba….
(Hết chương 6)
©
Tác giả giữ bản quyền.
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Đà Lạt ngày 31/12/2015
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét